Trong buổi họp chiều ngày 20/9, UBND tỉnh Hải Dương đã tiếp tục đề cập đến công tác khắc phục hậu quả vụ cháy TTTM Hải Dương. Trong các giải pháp mà tỉnh Hải Dương đang triển khai, việc xây dựng chợ tạm và địa điểm chợ tạm được hàng trăm tiểu thương quan tâm cũng được đề cập tại cuộc họp.
Theo đó, việc xây dựng chợ tạm để thay thế TTTM bị cháy được Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương đề ra 2 phương án: nghiên cứu toàn bộ các chợ hiện có để bố trí bà con kinh doanh ngay, đặc biệt ưu tiên các chợ Hội Đô, Thành Đông, Thanh Bình; công bố tới các tiểu thương để các hộ lựa chọn.
Phương án 2 là nghiên cứu các khu đất hiện có trên địa bàn để đề xuất xây dựng chợ tạm. Các tiểu thương tự tìm địa điểm kinh doanh mới sẽ được hỗ trợ ở mức cao hơn. Việc tìm địa điểm mới là quảng trường Thống Nhất xây dựng chợ tạm không thực hiện được do bị chồng chéo lên một dự án xây dựng kết cấu hạ tầng đang thi công.
|
Các tiểu thương kéo lên trụ sở UBND tỉnh Hải Dương để phản đối việc chuyển họ về chợ Hội Đô. |
Ngay sau khi có thông tin về việc chuyển địa điểm chợ tạm ra chợ Hội Đô, nằm ở phía Tây Nam Cường, TP Hải Dương, cách TTTM khoảng 6 km, hàng trăm tiểu thương đã làm đơn rồi kéo nhau lên trụ sở UBND tỉnh Hải Dương đề nghị thay đổi phương án này. Các tiểu thương cho rằng, chợ Hội Đô nằm ở nơi hẻo lánh xa xôi, không hợp lý với nhu cầu mua bán của nhân dân, việc xây dựng chợ tạm ở đây sẽ đẩy hàng trăm tiểu thương vốn đã khó khăn lại càng thêm khốn khó.
|
Đơn của 531 hộ kinh doanh gửi UBND tỉnh Hải Dương. |
|
Hàng trăm hộ dân ký tên vào đơn. |
Trong đơn 531 hộ đồng ký tên gửi Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương ghi rõ: “Vụ cháy đã để lại hậu quả vô cùng nặng nề cho 531 hộ kinh doanh khi nguồn vốn kinh doanh bị thiêu hủy hoàn toàn. Cuộc sống hàng ngày của hàng nghìn nhân khẩu bị đe dọa. Trước thảm cảnh ấy, bà con tiểu thương rất cảm động trước sự quan tâm của các cơ quan lãnh đạo trực tiếp là UBND tỉnh Hải Dương khi có chủ trương xây dựng chợ tạm.
Tuy nhiên, khi biết tin UBND tỉnh có chủ trương thay đổi chuyển vị trí chợ tạm dự định xây ở quảng trường Thống Nhất sang vị trí hẻo lánh ở khu Tây Nam Cường (chợ Hội Đô) khiến bà con tiểu thương như sét đánh ngang tai. Bà con tiểu thương đang sống ngắc ngoải sau trận hỏa hoạn giờ lại tiếp theo một trận "lũ lụt" khủng khiếp, đang sống thoi thóp nhờ thở bình ô xy, nay chuyển về chợ Hội Đô không khác nào cắt đứt dây dẫn bình ô xy ấy làm chúng tôi chết hẳn. Xây dựng chợ phải gần khu dân cư, nay lại chuyển đến nơi héo lánh xa xôi, không phù hợp với nhu cầu mua bán của nhân dân, đẩy 531 hộ kinh doanh không có điều kiện để duy trì cuộc sống hàng ngày."
|
Chợ Hội Đô bị các tiểu thương "chê" hẻo lánh không phù hợp để kinh doanh. |
Trao đổi với PV Kiến Thức, tiểu thương Trần Thị Hằng cho biết, việc chuyển chợ tạm từ quảng trường Thống Nhất về chợ Hội Đô khiến bà con tiểu thương rất lo lắng. Bởi chợ Hội Đô dù đã được xây khang trang nhưng lại nằm ở vị trí hẻo lánh, không phù hợp để kinh doanh, gần đó lại có chợ Thanh Bình, người dân sẽ khó vào chợ mới để mua sắm. Tiểu thương chỉ mong một chỗ kinh doanh phù hợp để có thể ổn định việc buôn bán trở lại.
Trước lo ngại của bà con tiểu thương, PV Kiến Thức đã tìm hiểu chợ Hội Đô. Vị trí chợ Hội Đô nằm cách QL5 chừng 400 mét, trong khu đô thị phía Tây Nam Cường. Chợ được xây dựng khang trang từ năm 2007, có thể bố trí 300 gian hàng. Tuy nhiên, chợ lại nằm cách khu dân cư đông đúc khá xa, không thể sánh với vị trí năm giữa khu dân cư sầm uất của TTTM Hải Dương. Theo nhiều ý kiến, chợ Hội Đô chỉ phù hợp với việc bán buôn, còn với bán lẻ thì rất khó để hút khách hàng.
|
Chợ Thanh Bình đã hết chỗ bởi đã ký các hợp đồng trước khi vụ cháy TTTM xảy ra. |
Bên cạnh đó, chợ Thanh Bình cũng được đưa vào diện di chuyển tiểu thương ở TTTM Hải Dương đến kinh doanh nhưng hiện chợ này đã chật kín các gian hàng. Noài ra, một chợ khác đang được UBND tỉnh khảo sát để di chuyển tiểu thương ở TTTM về là chợ phía đông Nam Cường, nhưng chợ này cũng có vị trí không thuận lợi, đi lại gặp nhiều khó khăn.
Không đồng ý với các vị trí mới của chợ tạm, nhiều tiểu thương đã tự mình tìm địa điểm, vay vốn để kinh doanh trở lại. “Chúng tôi không thể đợi chợ tạm vì giờ mới khảo sát thì không biết đến bao giờ mới có địa điểm, vì thế chúng tôi tự tìm địa điểm kinh doanh để cứu lấy mình”, tiểu thương Nga Đạt cho biết.
|
Nhiều tiểu thương đã tự cứu lấy mình bằng cách tự tìm địa điểm mới. |
Ở diễn biến khác, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển vừa yêu cầu Công an khẩn trương điều tra, kết luận nguyên nhân gây cháy; có báo cáo bằng văn bản về việc tiếp nhận, xử lý thông tin của cơ quan PCCC. Làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc triển khai lực lượng PCCC. Phối hợp với các cơ quan viễn thông rà soát, làm rõ các cuộc gọi báo cháy trước 3 giờ 25 sáng 15/9. Trong quá trình điều tra, nếu phát hiện tập thể, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tiến hành khởi tố, điều tra xử lý nghiêm. TP Hải Dương phối hợp làm rõ nguyên nhân Ban Quản lý chợ, các tiểu thương không mua bảo hiểm cháy nổ.
Tỉnh Hải Dương cũng đã nhất trí trợ cấp thêm cho các hộ tiểu thương với mức: ki-ốt thứ hai bằng 50% mức trợ cấp ki-ốt thứ nhất; từ ki-ốt thứ 3 trở đi, mỗi ki-ốt bằng 20% mức trợ cấp ki-ốt thứ nhất, nhưng không quá 30 triệu đồng/hộ. Các trường học thực hiện miễn toàn bộ học phí và các khoản đóng góp cho học sinh là con em các hộ bị hỏa hoạn, trong trường hợp đã thu thì sẽ hoàn trả lại.
Hải Ninh