Ngày 19/9, trao đổi với PV Kiến Thức, đại diện ngân hàng Sacombank cho biết, hơn 60 hộ bị thiệt hại trong vụ cháy tại TTTM Hải Dương có vay vốn của ngân hàng đã được ngân hàng mua bảo hiểm cháy nổ từ trước. Vì thế, toàn bộ số tài sản định giá cho vay sẽ được bên bảo hiểm trực tiếp trả thay cho các tiểu thương.
Đại diện phía ngân hàng Sacombank cho hay: “Đối với các ngân hàng khác thì các tiểu thương vay vốn vẫn phải có trách nhiệm trả các khoản nợ, nhưng họ sẽ được giãn thời gian trả. Nhưng riêng gần 60 hộ tiểu thương vay vốn của Sacombank sẽ không phải trả khoản vay vì ngân hàng đã mua bảo hiểm cho họ từ trước”.
Dù mua bảo hiểm cháy nổ nhưng không phải tất cả tài sản thiệt hại sẽ được chi trả. Đại diện Ngân hàng này giải thích, trong quá trình vay vốn, các tiểu thương mang hợp đồng gian hàng ra vay, và phía ngân hàng sẽ định giá quyền sử dụng sạp. Tùy giá trị gian hàng, họ sẽ được cho vay với các gói khác nhau. Với những gian lớn, nằm ở vị trí đẹp, theo định giá từ 400 – 500 triệu đồng, họ sẽ được vay hơn 200 triệu đồng. Ít hơn thì được vay từ 100 – 150 triệu đồng. Và số vay này, các tiểu thương được bảo hiểm thanh toán.
|
Hàng chục hộ không trắng tay vì ngân hàng đã mua bảo hiểm cháy nổ. |
Cũng theo đại diện phía ngân hàng Sacombank, việc ngân hàng mua bảo hiểm cho các gói vay này, nhiều tiểu thương không hề hay biết. Đến khi ngân hàng thông báo cho các tiểu thương không phải trả những khoản vay này, họ mừng rơi nước mắt.
Ông Nguyễn Thịnh Long, Giám đốc Công ty bảo hiểm PVI Hải Dương, cho biết, doanh nghiệp này cũng như tất cả doanh nghiệp bảo hiểm khác trên địa bàn đều chưa thể “vào” được các chợ, TTTM. “Mấy năm trước chúng tôi có chào mời, tư vấn, nhưng sau hai, ba lần gửi thư mời không thấy ban quản lý hồi âm nên chúng tôi chẳng biết làm thế nào”.
|
Các tiểu thương sẽ không thiệt hại nặng nếu vay ngân hàng. |
Theo ông Long, quy định hiện hành, Ban quản lý chợ, TTTM sẽ là đầu mối mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, nhưng có lẽ họ không có nguồn kinh phí, hoặc không vận động thu góp được của các tiểu thương nên họ không mua bảo hiểm. “Để thực hiện mua - bán bảo hiểm thì chợ, TTTM phải đảm bảo các điều kiện theo quy định về phòng chống cháy nổ, phải có chứng nhận của cơ quan chức năng địa phương (sở hoặc phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy). Không biết có phải vì điều kiện này hay không mà họ không mua bảo hiểm” - ông Long nói.
Một lãnh đạo của Bảo hiểm Bảo Việt tại Hải Dương cho biết, Hải Dương có đến hơn 20 đơn vị bảo hiểm lớn nhỏ, và không chỉ Bảo Việt mà hầu hết các đơn vị bảo hiểm khác đã chào mời, tư vấn nhưng đều chưa thực hiện được việc bảo hiểm đối với các chợ, TTTM, các tiểu thương...
Hải Ninh