Dự thảo Thông tư liên tịch quy định việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng vừa được công bố để lấy ý kiến; trong đó, đáng chú ý nhất là quy định thưởng cho người tố cáo tham nhũng tối đa 10 tỷ đồng.
Cụ thể, người nhận Bằng khen của Tổng Thanh tra Chính phủ trong công tác phòng, chống tham nhũng sẽ được nhận thưởng tương đương 30 lần lương tối thiểu. Người được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ sẽ được nhận thưởng tương đương 60 lần lương tối thiểu và người nhận Huân chương Dũng cảm sẽ được nhận số tiền bằng 90 lần lương tối thiểu.
Đặc biệt, người nhận Huân chương Dũng cảm trong tố cáo tham nhũng còn được trích thưởng thêm 20% tổng số tiền thu hồi được, tức số tiền có thể lên hàng tỉ đồng nhưng không vượt quá 10 tỉ đồng.
Quy định trong dự thảo này khiến dư luận nảy sinh khá nhiều băn khoăn. Việc khen thưởng thường gắn với công khai danh tính cá nhân có thành tích, nhất là thưởng càng lớn lại càng phải công khai, đồng nghĩa với nguy cơ bị trả thù tăng cao. Vậy việc bảo vệ đối với người tố cáo hành vi tham nhũng sẽ được thực hiện như thế nào?
Bạn đọc Phạm Kim Thành nêu ý kiến: “Theo tôi, để cho người dân tích cực tham gia phát hiện tố giác tội phạm nói chung, tội tham nhũng nói riêng, được thưởng bằng vật chất là điều tốt.
Song, điều đó chưa quan trọng bằng việc có cơ chế chính sách (Luật và việc thực thi luật) để bảo vệ họ khỏi những nguy hiểm trong cuộc sống. Bảo vệ họ trước những hành động thù vặt, trả thù ngầm, thậm chí đe doạ đến tính mạng, tài sản mới là quan trọng.
Độc giả Bùi Chí Tuyển cho rằng: “Dù sao đây cũng là tín hiệu lạc quan về việc khuyến khích toàn dân chống tham nhũng. Mong rằng điều này sẽ trở khơi mào phong trào chống tham nhũng cho nhân dân. Tôi tin rằng nạn tham nhũng chắc chắn sẽ được đẩy lùi khi thực hiện triệt để những ý tưởng chống tham nhũng như vừa nêu. Ngoài ra, tôi đóng góp ý kiến rằng, nên có cơ chế thực hiện luật bảo vệ nhân chứng và người tố cáo một cách nghiêm túc nhất có thể”.
|
Hiệu quả chống tham nhũng ở nước ta hiện nay còn rất thấp. Ảnh: GDVN.
|
Anh Nguyễn Phúc Hội nêu quan điểm, có thể nói rằng đối tượng của tham nhũng vặt hay tham nhũng lớn đều là người có chức, có quyền. Nếu có thưởng cho những người dám tố giác tham nhũng thì nên chăng cần có hình phạt cho những người biết nhưng không dám tố giác. Và trong thưởng phạt thì nên có quy định trách nhiệm liên đới của cả cấp trên và cấp dưới của đơn vị có tham nhũng đó.
Trên một diễn đàn, thành viên có nickname Leicas cho rằng, điều quan trọng là áp dụng các quy định của pháp luật và đưa vào thực hiện các biện pháp phòng ngừa cụ thể cũng như giáo dục công chúng chống tham nhũng, 1 người thì khó chứ cả dân tộc, cả nước chống tham nhũng thì sẽ hạn chế được nạn tham nhũng. Một khi đã có lòng tin rằng, tố cáo sẽ được bảo vệ, cơ quan cấp cao hơn sẽ nghiêm túc vào cuộc điều tra thì khỏi cần thưởng hoặc thưởng ít cũng tố cáo, nhưng khi mà không có lòng tin, khi mọi người còn lo sợ tố cáo xong rồi sẽ bị trả thù, trù dập, không ai vào cuộc điều tra thì có lẽ chẳng ai dám tố cáo dù thưởng to. Thế nên chỉ treo thưởng không thì không có tác dụng nhiều. Con chuột nào dám treo chuông vào cổ mèo, truyện ngụ ngôn có từ trăm năm nay vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn cho phong trào chống tham nhũng hiện nay.
Bạn đọc Phan Thị Hiền chia sẻ: “Thưởng to cho người tố cáo tham nhũng là một điều đáng mừng, song cần quy định rõ cách thức thưởng như thế nào, trong thời gian bao lâu, đợi xét duyệt, ký tá ra sao… Thực tế, có những người bị xử oan sai, được minh oan và bồi thường tiền nhưng chỉ có vài chục, vài trăm triệu mà đợi mãi chẳng thấy đâu thì nói gì vài tỷ tiền thưởng tố cáo tham nhũng nếu đến chậm, đến thiếu cũng đâu ai dám kêu…”.
Có thể nói, việc khen thưởng lớn cho người tố cáo tham nhũng là một nội dung quan trọng và là động cơ tích cực cho mọi công dân tham gia công tác phòng, chống tham nhũng. Lâu nay, người tố cáo tham nhũng thường gặp nạn, bị trù dập, bị tố cáo ngược, thậm chí bị đe dọa tới mạng sống. Nhưng đổi lại, họ không có gì ngoài tấm giấy khen nếu như đấu tranh thắng lợi. Với một tấm giấy khen, liệu có nhiều người dám xông vào chốn hiểm nguy này? Dư luận còn nhớ những giọt nước mắt tủi nhục của những người tố cáo tiêu cực tham nhũng tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức - Hà Nội trong ngày họ nhận khen thưởng, và càng xót xa hơn khi biết số tiền thưởng mà họ nhận được chỉ vỏn vẹn 320.000 đồng!
|
Chị Nguyệt (trái), chị Khuất Thị Định (giữa) và chị Phan Thị Nam Đông (phải) đã bật khóc trong lễ khen thưởng do Sở Y tế Hà Nội tổ chức ngày 16/8/2013. |
Tất nhiên, thông thường thì người dám tố cáo tham nhũng mục đích chính không phải là để kiếm tiền mà vì muốn phanh phui cái xấu, vì lẽ công bằng... Tuy nhiên, sẽ không công bằng nếu như không trả công cho họ xứng đáng.
Theo Luật sư Nguyễn Hồng Quân, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, nếu như có người tố cáo tham nhũng và đưa ra chứng cứ giúp cơ quan pháp luật phát hiện tội phạm, thì đồng tiền tham nhũng mới có cơ hội thu hồi lại. Còn không thì tài sản tham nhũng sẽ mất đi hoàn toàn khi không được phát hiện, thu hồi. Vì vậy, thiết nghĩ việc chi 20% số tiền đó để thưởng cho người tố cáo là quá hợp lý. Người có công góp phần phá án tham nhũng lớn, họ có thể được thưởng vài tỷ đến 10 tỉ đồng là hoàn toàn xứng đáng, đồng tiền đó không những lương thiện, mà còn là đồng tiền có từ sự lập công.
“Thực tế, thời gian qua, tôi nhận thấy nhiều người tố cáo tham nhũng dưới hình thức nặc danh, khuyết danh, gây khó khăn cho đơn vị nhận tố cáo liên hệ điều tra, làm rõ. Một phần nguyên nhân chính là cơ chế khen thưởng chưa động viên họ dũng cảm đứng lên tố cáo tham nhũng, cũng như chưa có cơ chế bảo vệ an toàn cho họ. Nên song song với việc khen thưởng cũng cần có các cơ chế bảo vệ cụ thể đi kèm, để tránh lặp lại câu chuyện “treo chuông vào cổ mèo”, Luật sư Quân nói.
Minh Hiếu