"Sinh vật lạ” khó diệt xuất hiện nhan nhản
Từ giữa năm 2012 đến nay liên tiếp xuất hiện các thông tin về "sinh vật lạ" khiến người dân hoang mang. Thậm chí, có thời điểm, nhiều người còn cho rằng đó là những dấu hiệu báo “ngày tận thế”.
"Sinh vật lạ” bắt đầu nở rộ từ vụ việc ở Thừa Thiên Huế có thông tin hàng trăm hộ dân lo sợ vì bị một loại “côn trùng lạ” tấn công.
|
Sinh vật tấn công người dân Huế này có thực sự lạ? |
Theo miêu tả của người dân, con “côn trùng lạ” này chỉ to hơn con kiến lửa một chút. Có cái đuôi chẻ 2 nhìn không khác gì đuôi con bọ cạp. Tuy nó không trực tiếp cắn người dân nhưng khi bò lên người sẽ khiến da bị đỏ, ngứa sau đó chảy mủ. Thậm chí một số người lớn và trẻ nhỏ còn bị sốt. Thế nhưng khi cơ quan chức năng vào cuộc thì đó chỉ là loài kiến ba khoang hết sức quen thuộc với người nông dân.
Giữa tháng 12, người dân xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) xôn xao thông tin hàng ngàn sinh vật lạ, hình thù giống con đỉa chui từ đất trong vườn lên, lũ lượt kéo nhau vào nhà. Đã có lời đồn đoán về loại “sinh vật lạ” này rằng “nó thật kỳ quái, từ bé đến giờ tôi mới thấy lần đầu tiên. Lấy dao băm ra vẫn sống và vẫn bò lổm ngổm, sờ vào cảm giác kinh rợn đến tận sống lưng".
|
Sinh vật lạ bò từ quần áo mới ra. |
Giữa tháng 1 này lại rộ lên thông tin "sinh vật lạ" bò lổm ngổm từ quần áo. Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Phụng (55 tuổi, ngụ thôn Quang Hưng, xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa - Phú Yên) - người đầu tiên phát hiện ra sinh vật lạ, trưa ngày 13/1, khi bà ngâm xà phòng giặt bộ đồ mới mua cho con gái ở chợ Hạnh Lâm (xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa - Phú Yên) với giá 115.000 đồng. Vừa ngâm xong, bất ngờ trong bộ quần áo bỗng hàng ngàn con vật giống như con đỉa bò lên mặt nước, bò lên cả tay bà.
"Sinh vật lạ" này được miêu tả, giống loài đỉa nhưng lớn rất nhanh, đẻ cũng rất nhanh. Chỉ sau một ngày đêm, từ con vật bằng đầu que tăm lớn gần bằng đầu đũa và đẻ trứng màu trắng hình bầu dục. Bà Phụng dùng thuốc diệt muỗi và thuốc diệt cỏ đổ vào thau nước đang dày đặc loài sinh vật này nhưng quái lạ là chúng không hề chết. Sau khi đổ loài sinh vật giống như đỉa xuống một cái hố do nhà bà mới đào, bà Phụng phải thuê thợ xây bê tông bịt kín miệng hố.
Tối 22/1, một người dân ở thành phố Đà Lạt lại phát hiện hàng trăm con "sinh vật lạ" lúc nhúc từ trong miếng rửa chén Trung Quốc bò ra. Theo thông tin của gia đình, loại "sinh vật lạ" này bị xát muối vào nhưng cũng không chết...
"Sinh vật lạ" thành... sinh vật quen
Sau 1 ngày có thông tin về "sinh vật lạ" trong miến rửa chén, ngày 23/1, ngành y tế Đà Lạt tới kiểm tra và lập biên bản hiện trường nhưng lúc này những "sinh vật lạ" trên đã chết. Tuy nhiên, đoàn kiểm tra vẫn lấy xác những sinh vật này để nghiên cứu, xác minh danh tính. Tên thật của "sinh vật lạ” này là gì, nó có kỳ lạ, đáng sợ như người dân miêu tả hay không thì phải chờ kết quả của cơ quan chức năng.
|
"Sinh vật lạ" lúc nhúc bò ra từ miếng rửa chén. |
Tuy nhiên, những "sinh vật lạ" khiến người dân “mắt tròn mắt dẹt”, mất ăn mất ngủ trong thời gian vừa qua, theo kết luận của các chuyên gia thì chỉ là những côn trùng quen thuộc như kiến, ruồi, giun…. Những sinh vật này không đáng sợ, không gây nguy hiểm cho người như những lời đồn đoán trước đó.
Cụ thể, sinh vật lạ tấn công người ở Thừa Thiên Huế thật ra chỉ là kiến ba khoang. Theo các nhà khoa học loài kiến này chỉ gây ngứa ngoài da, không đáng lo ngại. Còn theo những người dân vùng nông thôn, loài côn trùng này không hề xa lạ, hoàn toàn… vô hại với họ, thậm chí còn là “người bạn tốt” của nông dân.
Loại sinh vật “kỳ quái” chém chặt không chết ở Quảng Bình, theo xác định của các nhà khoa học, đây là một loại sinh vật thuộc ngành giun dẹp (Platyhelminthes), lớp sán lông (Turbellaria). Loài này có tập tính sống trong đất, sống tự do, có khả năng sinh sản cao. Chiều dài cơ thể từ 4 đến 30 cm nên mắt thường có thể dễ nhận biết. Sinh vật này không có khả năng gây hại cho con người. Nếu muốn tiêu diệt loại sinh vật này, chỉ cần dùng nước vôi pha loãng, hoặc hóa chất đổ vào nơi các sinh vật này sinh sống.
Những "sinh vật lạ" rúc trong quần áo ở Phú Yên chỉ là ấu trùng của 2 loài ruồi thuộc nhóm ruồi giả ong. Người tiếp xúc trực tiếp với ấu trùng không bị nguy hại sức khỏe. Lý giải việc bỏ thuốc sâu mà ấu trùng không chết, PGS-TS Lê Xuân Cảnh, Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (thuộc Viện KH-CN Việt Nam) lý giải là do loài này ở bẩn nên thích nghi với môi trường kiềm, môi trường a xít; cũng có thể khi chuyển nó sang môi trường nước sạch thì bị chết ngay.
TIN BÀI LIÊN QUAN
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU
Thuần Lương (T.H)