|
“Siêu lừa” Dương Thanh Cường 2 lần qua mặt Trầm Bê và ngân hàng Phương Nam vay hàng trăm tỷ đồng và hàng chục ngàn lượng vàng. |
“Siêu lừa” tung chiêu, Trầm Bê “dính” quả đắng
Tại phiên tòa “đại án” tại Agribank Chi nhánh 6 bị thiệt hại gần ngàn tỷ đồng, Dương Thanh Cường đã khai tình tiết liên quan tới ông Trầm Bê.
Theo Dương Thanh Cường, dù ông Trầm Bê tỏ ra “cao cơ” khi ông này ra điều kiện, muốn vay tiền của ngân hàng Phương Nam thì phải có thế chấp và “phải mua 38 ha đất của tại KCN Phước Hòa, tỉnh Long An”.
Trước ý kiến của ông Trầm Bê, Dương Thanh Cường đã chỉ đạo Thái Cường (giám đốc công ty Tấn Phát) ký văn bản mượn lại sổ đỏ lô đất 10 Âu Cơ (chủ quyền đất đứng tên công ty Đông Phương, hiện đang thế chấp để vay 130 tỷ đồng của Agribank Chi nhánh 6).
Được cho mượn lại sổ đỏ, Dương Thanh Cường chỉ đạo thuộc cấp làm thủ tục sang tên quyền sử dụng đất từ công ty Đông Phương sang Đông Phương Phát (cả 2 công ty này điều do Dương Thanh Cường lập ra).
Tiếp đến, Dương Thanh Cường qua mặt ông Trầm Bê trót lọt khi Dương Thanh Cường chỉ đạo Phạm Hoàng Thọ (phó giám đốc công ty Đông Phương Phát) ký hợp đồng tín dụng (số 033/05/2008) với ngân hàng Phương Nam vay 15.846 lượng vàng SJC thời hạn 1 năm.
Ngày 11/9/2008, hợp đồng vay vàng này được ký tất toán. Phi vụ vay của ngân hàng Phương Nam này được thế chấp chính sổ đỏ mang tên Đông Phương Phát (tức Đông Phương trước đây – tài sản thế chấp cho Agribank Chi nhánh 6 mà Dương Thanh Cường chỉ đạo thuộc cấp “mượn lại”).
Đáng lưu ý là khi Cơ quan điều tra xác minh, ngân hàng Phương Nam hoàn toàn không biết Dương Thanh Cường đã mang sổ đỏ 10 Âu Cơ này thế chấp trước đó cho Agribank Chi nhánh 6.
Thêm “phi vụ” qua mặt hoàn hảo
Cuối năm 2007, Dương Thanh Cường thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Cao ốc căn hộ và khu biệt thự vườn Thanh Phát (tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM). Dương Thanh Cường lập hồ sơ vay của Agribank Chi nhánh 6 700 tỷ đồng, tài sản thế chấp hoàn toàn bằng tài sản hình thành từ vốn vay là 23 sổ đỏ tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh.
Từ ngày 4/12/2007 đến ngày 19/9/2008, Agribank Chi nhánh 6 đã giải ngân cho công ty Thanh Phát của Dương Thanh Cường vay 628 tỷ đồng bằng 16 giấy nhận nợ. Tài sản thế chấp là 23 sổ đỏ tại xã Phong Phú như nói ở trên.
Nhận “cục tiền to” từ Agribank Chi nhánh 6, Dương Thanh Cường biết dự án của mình không thể thực hiện được, vì ngày 3/4/2008, Ban quản lý khu Nam thành phố có công văn (số 335/BQLKN-KHĐT) trả lời là “Không thể chấp thuận địa điểm đầu tư xây dựng của công ty Thanh Phát). Cũng xin nhắc lại với bạn đọc là công văn này ban hành trước khi Dương Thanh Cường nhận 628 tỷ đồng của Agribank Chi nhánh 6.
Ngày 10/4/2008, Dương Thanh Cường ký văn bản (số 19/CV/TP/2008) gửi Agribank Chi nhánh 6 mượn lại 23 sổ đỏ (đang thế chấp tại đây để vay 628 tỷ đồng) để “Trình UBND TP.HCM duyệt dự án”. Agribank Chi nhánh 6 đã chấp thuận và giao các sổ đỏ này.
Nhận 23 sổ đỏ xong, Dương Thanh Cường đem đến ngân hàng của ông Trầm Bê thế chấp để vay. Trong các ngày 23/4/2008, 31/5/2008 và 5/6/2009 và 1/10/2009, ngân ngân hàng Phương Nam đã giải ngân cho Cường số tiền là 270 tỷ đồng và 18 ngàn lượng vàng SJC.
Liên quan tới ngân hàng Phương Nam với cú lừa ngoạn mục của “siêu lừa” Dương Thanh Cường, cáo trạng cho rằng một số cán bộ của ngân hàng này cho Dương Thanh Cường vay số lượng lớn, khi chưa có dự án, tài sản thế chấp là đất nông nghiệp, chưa sang tên, hợp đồng không công chứng, không đăng ký giao dịch đảm bảo… Cơ quan điều tra tách ra khỏi vụ án (đang xét xử) để tiếp tục điều tra, xử lý sau.
Và, trong một diễn biến có liên quan tới 23 sổ đỏ mà “siêu lừa” Dương Thanh Cường thế chấp tại ngân hàng Phương Nam, ngày 19/3/2014, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng TP.HCM kết luận (tại thời điểm thế chấp) trị giá chỉ 127 tỷ đồng.
Và, điều đáng lưu ý là ngày 17/2/2014, Cơ quan điều tra đã ra quyết định thu giữ 23 sổ đỏ này (đang thế chấp tại ngân hàng Phương Nam) – xác định đây là vật chứng của vụ án.
Dương Thanh Cường (SN 1966, hộ khẩu phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM), nguyên tổng giám đốc công ty cổ phần tập đoàn Bình Phát.
Ngày 27/6/1996 bị TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xử phạt 18 năm tù tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN”, 13 năm tù tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN”, 10 năm tù tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đọat tài sản công dân”, 3 năm tù tội “Trốn thuế”. Tổng hợp hình phạt là 20 năm tù.
Ngày 11/8/1996, TAND tỉnh Tiền Giang xử phạt 10 năm tù tội “Đưa hối lộ”, tổng hợp với bản án của Bà Rịa-Vũng Tàu, buộc Dương Thanh Cường chấp hành 20 năm tù (ngày 1/2/2005 được đặc xá trước thời hạn).
Tại phiên tòa “đại án” của TAND TP.HCM đang xét xử, Dương Thanh Cường bị truy tố 2 tội danh là “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt chiếm đoạt tài sản”. Bị bắt tạm giam ngày 2/10/2012.
(Kiến Thức đã đặt lại tiêu đề bài viết)
Theo Tiền Phong