Tỉnh sẽ có giải trình với Bộ Tư pháp
Liên quan đến việc, Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư Pháp) vừa có văn bản “tuýt còi” Quyết định 4088/QĐ- UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh (về việc ban hành quy định tạm thời về quản lý hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long) và Quyết định số 3625/QĐ-UBND (về việc tạm dừng việc đóng mới thay thế tàu vỏ gỗ hoạt động du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long), PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với PCT UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Lê Quang Tùng.
Theo ông Tùng, đến thời điểm chiều 14/3, UBND tỉnh Quảng Ninh và bản thân ông chưa nhận được văn bản từ Cục kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư Pháp) liên quan đến Quyết định số 4088/QĐ- UBND và Quyết định số 3625/QĐ-UBND.
"Tôi chưa nhận được văn bản nào của Bộ Tư pháp, cũng có thể là văn bản đang trên đường chuyển về vì vừa rồi là mấy ngày nghỉ. Tuy nhiên, khi nhận được văn bản từ Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Nếu có ý kiến về hai quyết định trên, UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ có giải trình với Bộ Tư pháp và sẽ có cách xử lý và báo cáo với Cục kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư Pháp) một cách phù hợp nhất. Trước đó, Bộ Tư pháp cũng đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh về các vấn đề này rồi", PCT Lê Thanh Tùng cho biết.
|
Hai Quyết định của tỉnh Quảng Ninh liên quan quản lý tàu du lịch bị Cục "tuýt còi". |
Nói về việc, Quyết định số 4088/2015/QĐ-UBND có nội dung quy định về niên hạn, vật liệu đóng tàu du lịch trái với quy định tại Nghị định số 111/2014/NĐ-CP (quy định niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa và niên hạn sử dụng của phương tiện thủy được phép nhập khẩu) và Thông tư số 43/2012/TT-BGTVT quy định các yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi, ông Tùng cho biết: "Tàu thì cứ theo đúng niên hạn của Nghị định 111. Tuy nhiên khi hoạt động trên vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long thì phải theo quy định của tỉnh Quảng Ninh.
Đối với tàu trở khách tham quan du lịch, sau hết thời gian hoạt động thì chủ tàu có thể đi hoạt động ở nơi khác, như tàu chở khách ở khắp nơi, như các tuyến đường thủy nội địa, còn Quảng Ninh là trung tâm vận tải đường thủy nội địa khu vực phía bắc, các luồng khác có thể chạy từ Việt Trì xuống đây, nếu không hoạt động ở Quảng Ninh thì chủ tàu có thể giao bán hoặc hoạt động khắp nơi ở khu vực Đồng Bằng Sông Hồng thậm chí xa hơn", ông Lê Thanh Tùng thông tin.
Trả lời câu hỏi của PV, tại sao tuổi tàu cứ phải là 15 năm mà không theo Nghị định 111 của Chính Phủ?, ông Tùng cho hay: "Với niên hạn 15 năm đối với tàu vỏ gỗ hoạt động trên vịnh Hạ Long bởi khi tàu mục nát sẽ mất an toàn, cháy nổ, giông bão, va quệt... làm ảnh hưởng trực tiếp đến khách du lịch trong nước và đặc biệt là khách du lịch nước ngoài. Thực tế, ở Quảng Ninh đã từng xảy ra nhiều vụ tàu chìm làm hàng chục khách du lịch, hậu quả không chỉ một, hai năm mà đến bây giờ đại sư quán Mỹ vẫn thường xuyên gọi điện hỏi về chất lượng tàu du lịch như thế nào như thế nào. 15 năm tàu hoạt động trên vịnh mà tỉnh quản lý tốt không xảy ra vấn đề gì thì tàu đã hoàn vốn được rồi. Tỉnh Quảng Ninh đang lo cho tính mạng của du khách đến thăm quan trên vịnh Hạ Long".
Tuy nhiên, lý giải trên của Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh không thuyết phục được các doanh nghiệp, chủ tàu. Trái lại còn khiến họ phản ứng mạnh mẽ.
“Không biết tỉnh Quảng Ninh căn cứ vào đâu để đưa ra tuổi tàu là 15 năm. Vịnh Hạ Long nằm sát vịnh Cát Bà. Nếu tàu ở Hải Phòng được đăng kiểm 25 năm thì khi vào vịnh Hạ Long có được thông tuyến không? Điều nữa, tỉnh Quảng Ninh lý giải tàu quá niên hạn 15 năm thì đưa đi nơi khác hoạt động. Chúng tôi đăng ký kinh doanh, đóng thuế đầy đủ, giờ đưa tàu đi đâu.”, một doanh nghiệp phản ánh.
Các doanh nghiệp, chủ tàu cho rằng họ đã dồn cả tài sản, thậm chí vay ngân hàng vào việc đầu tư tàu hiện đại nhưng trước việc tỉnh tự ý giảm niên hạn tàu xuống thì ai sẽ chịu trách nhiệm trước kế hoạch kinh doanh, trả nợ vay ngân hàng rất lớn của họ?
Quyết định trái luật tiềm ấn nguy cơ tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh
Trong văn bản của Cục kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư Pháp) ngoài việc chỉ ra nhiều quy định của Quyết định 4088 và Quyết định 3625 có dấu hiệu trái luật cũng nêu rõ: "Những nội dung có dấu hiệu trái luật trong quyết định 4088/QĐ-UBND và 3625/QĐ-UBND tiềm ẩn nguy cơ tác động tiêu cực đến hoạt động đầu tư kinh doanh, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể kinh doanh, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long của tỉnh Quảng Ninh".
|
Văn bản của Cục kiểm tra văn bản QPPL. |
Để đảm bảo tính hợp pháp, hợp hiến, tính thống nhất của văn bản trong hệ thống pháp luật, Cục kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư Pháp) cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh: "Tổ chức tự kiểm tra, xử lý hủy bỏ nội dung trái pháp luật tại quyết định 4088/QĐ-UBND và 3625/QĐ-UBND. Thông báo kết quả xử lý cho Cục kiểm tra văn bản QPPL theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, rà soát quá trình thực hiện quyết định 4088/QĐ-UBND và 3625/QĐ-UBND trong thời gian qua để có biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có) do việc thực hiện quy định trái pháp luật tại các văn bản này gây ra theo quy định tại điều 7, Nghị định số 40/2010/NĐ-CP).
Thực tế, theo tìm hiểu của PV Kiến Thức, từ 12/2015 khi UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định 4088. Dựa trên quyết định này, ngày 15/2, UBND TP Hạ Long đề nghị Cảng vụ Đường thủy nội địa Quảng Ninh ngừng cấp phép rời cảng, bến và đình chỉ hoạt động trên vịnh Hạ Long đối với 7 tàu du lịch. Tiếp đến, ngày 5/3, bốn tàu du lịch khác cũng bị ngừng cấp phép hoạt động.
Những dấu hiệu trái luật trong các Quyết định do UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành:
Trong văn bản "tuýt còi" Quyết định 4088/QĐ-UBND về việc ban hành quy định tạm thời về quản lý hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, Cục kiểm tra văn bản QPPL đã chỉ ra những quy định có dấu hiệu trái luật của Quyết định này, Cụ thể:
- Chương II quy định về niên hạn, vật liệu đóng tàu du lịch trái với quy định tại Nghị định số 111/2014/NĐ-CP (quy định niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa và niên hạn sử dụng của phương tiện thủy được phép nhập khẩu; Thông tư số 43/2012/TT-BGTVT quy định các yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi.
-Quy định về trang bị bổ sung số lượng tối thiểu áo phao cho trẻ em đối với tàu nhà hàng dẫn chiếu tương tự như đối với tàu tham quan không phù hợp với quy định tại Thông tư số 43 nêu trên.
-Quy định về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn đối với tàu lưu trú không phù hợp với quy định tại Thông tư 43…
-Quy định về phân loại tàu du lịch, xây dựng đơn giá vận chuyển cho tàu tham quan trên cơ sở kết quả phân loại tàu du lịch hàng năm và tổ chức kiểm tra phân loại tàu du lịch không có căn cứ pháp lý.
-Quy định về thời gian cấp phép vào cảng, bến trong đất liền không có căn cứ pháp lý.
-Quy định trách nhiệm của chủ cảng, bến không phù hợp vói quy định tại Thông tư số 50/2014/TT-BGTVT về quản lý cảng, bến thủy nội địa.
-Quy định “UBND xã, phường, thị trấn nơi chủ hộ kinh doanh cá thể chứng thực chữ ký và đóng dấu giáp lai sổ danh bạ thuyền viên” không có căn cứ pháp lý…
-Quy định về trách nhiệm của chủ tàu du lịch, trách nhiệm của khách du lịch không phù hợp với Luật Du lịch 2005…
2.Những dấu hiệu trái luật trong Quyết định 3625/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh:
Quyết định số 3625/QĐ - UBND được ban hành dưới hình thức văn bản hành chính nhưng có chứa quy phạm pháp luật (như: Quy định " dừng đóng tàu mới thay thế tàu vở gỗ đã hết hạn" và quy định " không được đóng tàu vỏ thép và composite thay thế" tại Khoản 1 Điều 1 Quyết định số 3625/QĐ - UBND;...) là không phù hợp với quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Quy định về dừng đóng mới thay thế tàu vở gỗ đã hết hạn hoạt động du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và quy định thu hồi giấy phép hoạt động, không được đóng tàu vỏ thép, vỏ composite thay thế hoạt động kinh doanh du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long đối với các tàu vỏ gỗ hết thời hạn hoạt động kinh doanh trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long (khoản 1 điều 1 Quyết định số 3625/UBND) là trái với luật Doanh Nghiệp năm 2014 về định của doanh nghiệp ( Điều 7), Nghị định số 111/2014/NĐ-CP về niên hạn sử dụng dụng của phương tiện thủy nội địa ( Điều 4, Điều 13) và Thông tư số 43/2012/TT-BGTVT về vật liệu dùng đóng tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn ( Điều 5).
- Quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Điều 1 Quyết định số 3625/QĐ-UBND không phù hợp với luậDoanh Nghiệp năm 2014 về quyền của Doanh Nghiệp ( Điều 7 ) Nghị định số 111//2014/NĐ-CP về niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa ( Điều 4, Điều 13 ) và Thông tưsố 43/2012/TT-BGTVT về vật liệu dùng để đóng tàu lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn ( Điều 5).
>>> Clip tham quan vịnh Hạ Long kỳ thú:
Hải Ninh