Phẫn nộ những vụ quan chức ăn chặn của người nghèo

Google News

(Kiến Thức) - Hàng loạt vụ quan xã, huyện, giám đốc trung tâm... ăn chặn, "cầm nhầm" tiền của hỗ trợ cho dân nghèo thời gian qua khiến dư luận không khỏi phẫn nộ. 

12 con dê cho hộ nghèo "đi nhầm" vào trang trại bí thư huyện ủy
Mới đây, báo Lao Động có bài phản ánh về việc 12 con dê dành cho hộ nghèo được chuyển thẳng vào trang trại của gia đình ông bí thư huyện ủy huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa) nhưng hơn nửa năm sau, khi có tố cáo của người dân, ông này mới “phát hiện” ra và trả lại cho dân.
Chuyện là huyện Thạch Thành và Thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) có ký kết với nhau một chương trình kết nghĩa hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững cho các huyện miền núi.
Theo đó, ngày 3/6/2013, UBND thị xã Bỉm Sơn đã bàn giao cho huyện Thạch Thành 24 con dê giống để phân cho 6 hộ nghèo ở xã Thành Yên. Tuy nhiên chỉ có 12 con dê là đến được với các hộ nghèo, còn 12 con còn lại, được chở thẳng về trang trại nhà ông Đỗ Minh Quý - Bí thư huyện ủy.
Phan no nhung vu quan chuc an chan cua nguoi ngheo
Những con dê mới được cấp lại cho 3 hộ nghèo ở xã Thành Yên, huyện Thạch Thành (Thanh Hoá) sau vụ việc "đi nhầm" vào trang trại của ông bí thư huyện này.  
Sau khi có thông tin tố cáo ông Quý "lấy nhầm" dê của các hộ nghèo, chiều 13/1/2015, huyện Thạch Thành tổ chức lấy dê từ trang trại của Bí thư Huyện ủy ra phân phát cho hộ nghèo. 3 hộ nghèo gồm: Hộ Đinh Văn Phước, Quách Văn Chung và Đinh Văn Cảnh - cùng thôn Yên Sơn 2 - được nhận 12 con dê này. Ông Đinh Quang Thuận - Trưởng thôn Yên Sơn 2 - xác nhận đây là 3 hộ nghèo của thôn.
Lý giải cho việc chuyển dê vào nhà ông Bí thư huyện ủy, ông Trương Văn Gương - Chủ tịch UBND xã Thành Yên cho biết: “Thì đưa vào đó có điều kiện chăm sóc vì trang trại của bác ấy đã có hơn 70 con dê. Tại Trạm trưởng khuyến nông huyện phân bổ thế, xã thấy cũng chẳng đáng là bao nên cũng ký xác nhận”.
Giải thích cho việc này, ông Đỗ Minh Quý - Bí thư Huyện uỷ, chủ trang trại trên địa bàn xã Thành Yên - cho hay, cùng thời điểm thị xã Bỉm Sơn tặng dê, ông xin được dự án của Bộ KHCN về phát triển chăn nuôi giúp đồng bào huyện miền núi này thoát nghèo. Theo đó, dự án được Bộ KHCN tài trợ cho huyện 2,6 tỉ đồng, tỉnh hỗ trợ thêm 600 triệu đồng.
Theo ông Quý, việc cán bộ xã đưa 12 con dê vào trang trại, ông có biết nhưng nghĩ đó là dê được phân bổ từ dự án như bao hộ khác (mỗi hộ hơn 10 con) chứ không biết đó là dê hỗ trợ giảm nghèo của Bỉm Sơn. Chính ông Quý đã chỉ đạo cấp dê ngay lại cho các hộ nghèo sau khi biết thông tin vào ngày 12/1/2015.
Chủ tịch xã “nuốt không” tiền hỗ trợ dân nghèo
UBND huyện Con Cuông (Nghệ An) ngày 3/10/2014 cho biết đã ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ Chủ tịch UBND xã Lục Dạ (huyện Con Cuông) đối với ông Lô Văn Nhung để phục vụ công tác điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước đó, Công an huyện Con Cuông đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can là ông La Đức Cẩm (kế toán UBND xã Lục Dạ) về tội tham ô tài sản. Sau khi được công an huyện chuyển hồ sơ vụ án, Công an tỉnh Nghệ An mở rộng điều tra và khởi tố bị can Nhung.
Theo hồ sơ, năm 2011, UBND huyện Con Cuông cấp cho xã Lục Dạ số tiền 310 triệu đồng để hỗ trợ cho 24 cán bộ xã có mức lương thấp và hỗ trợ 304 triệu đồng cho 1.216 hộ nghèo của xã Lục Dạ. Tuy nhiên, ông Cẩm tham mưu cho ông Nhung không phát cho hộ nghèo mà chuyển sang nguồn chi thường xuyên của địa phương để dễ làm khống chứng từ chiếm đoạt số tiền trên.
Cán bộ xã ăn chặn tiền xây nhà cho người nghèo
Lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình, 5 cán bộ ở xã miền núi Thanh Hóa đã câu kết với nhau “ăn chặn” tiền nhà nước hỗ trợ cho 8 hộ nghèo trên địa bàn xây nhà nhằm xóa nhà tranh tre, nứa lá.
Ngày 28/6/2014, tin từ UBND huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, cho biết Công an huyện Thường Xuân vừa quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 5 cán bộ xã Xuân Cẩm (huyện Thường Xuân).
Phan no nhung vu quan chuc an chan cua nguoi ngheo-Hinh-2
Ông Hà Thanh Khang bị khởi tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong đó, ông Hà Thanh Khang (nguyên chủ tịch UBND xã Xuân Cẩm, hiện là Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã), ông Vi Văn Sơn (nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, đã nghỉ chế độ) và ông Lương Văn Phương (án bộ kế toán ngân sách xã) bị khởi tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; ông Cầm Bá Công (cán bộ Chính sách xã không chuyên trách) bị khởi tố về tội “tham ô tài sản”; ông Nguyễn Anh Tuấn (cán bộ hợp đồng lĩnh vực kế toán - xây dựng) bị khởi tố về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”.
Tổng số tiền sai phạm mà 5 cán bộ xã Xuân Cẩm gây ra là 102 triệu đồng. Đây là số tiền được nhà nước hỗ trợ cho 8 hộ dân trên địa bàn xây nhà theo Chương trình 167 về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây nhà nhằm xóa nhà tranh tre, nứa lá cho người nghèo.
Giám đốc ăn chặn tiền cứu trợ trẻ em tàn tật
Sáng 27/12/2013, Cơ quan CSĐT tội phạm về kinh tế, chức vụ, Công an tỉnh Hà Giang đã bắt tạm giam 3 tháng đối với ông Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật tỉnh Hà Giang và bà Nguyễn Thị Lan Anh, kế toán trung tâm.
Phan no nhung vu quan chuc an chan cua nguoi ngheo-Hinh-3
 Ông Phạm Ngọc Thành bị cơ quan công an bắt giữ. 
Qua đơn tố cáo của người dân, Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh đã điều tra và bước đầu xác định, chỉ trong hai năm 2012 và 2013, ông Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật tỉnh Hà Giang, cùng hai cán bộ thuộc cấp đã ăn bớt tiền hỗ trợ (đi lại, ăn uống) cho trẻ khuyết tật trong quá trình khám sàng lọc tại các huyện trong tỉnh, từ vài chục nghìn đến 100.000 đồng/trẻ.
Ngoài ra, trong năm 2012, khi mua thiết bị, ông Thành cùng bà Lan Anh đã nâng khống giá trị các trang thiết bị y tế để chiếm hưởng số tiền 31,12 triệu đồng. Tổng số tiền chi sai và chiếm đoạt trên 181 triệu đồng.
Quan xã đút túi tiền tỷ nhờ “ăn đất” và “ăn” cả tiền hỗ trợ lũ lụt của dân
Ngày 12/12/2013, tin từ cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết đã tiến hành khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Lê Khả Nguyên (SN 1964), nguyên là Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, về hành vi nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi cá nhân.
Theo tài liệu điều tra của cơ quan công an, vài năm gần đây, Lê Khả Nguyên đã lợi dụng vị trí Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn, xác nhận sai qui định vào hồ sơ mua bán, chuyển quyền sử dụng đất cho một số người trong và ngoài xã để nhận hối lộ số tiền gần 200 triệu đồng; câu kết với một số người khác bán trái phép 21 lô đất do UBND xã Xuân Sơn quản lý để “đút túi” riêng 569 triệu đồng.
Không những thế, ông Nguyên còn “ăn chặn” 129 triệu đồng tiền hỗ trợ thiên tai, bão lụt cho các gia đình thuộc đối tượng chính sách trên địa bàn xã Xuân Sơn.
Trưởng thôn “cướp” gạo cứu đói của người nghèo
Sau khi nhận lúa giống và gạo cứu đói của dân, trưởng thôn Cường Thịnh (xã Yên Hùng, huyện Yên Định, Thanh Hóa) đã mang bán lấy tiền. Nhiều năm sau vụ việc mới được phát giác.
Theo phản ánh của người dân thôn Cường Thịnh, năm 2013, Công ty lúa giống Thái Bình cung cấp giống BC15 cho dân nhưng do giống không đảm bảo nên sau đó công ty này đã có chính sách hỗ trợ lại cho dân. Ngày 31/12/2013, Trưởng thôn Cường Thịnh là ông Lê Quang Trung nhận từ UBND xã 74,8kg lúa giống, của 49 hộ dân. Nhưng ông Trung chỉ cấp cho 2 hộ với số lượng 4kg, số lúa giống còn lại ông mang bán lấy tiền với đơn giá 50.000 đồng/kg.
Không chỉ lúa giống, gạo cứu đói cho người nghèo cũng bị vị trưởng thôn này nhận về rồi… bán. Đó là số gạo cứu đói vào năm 2011, trong thôn có 3 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là hộ bà Lê Thị Lộc, ông Lê Văn Hưng và ông Lê Đắc Duẫn. Thôn đã lập danh sách và gửi về UBND xã đề nghị được hỗ trợ gạo. Sau khi nhận được danh sách đề nghị hỗ trợ của thôn, xã Yên Hùng đã cấp cho 3 hộ với 7 khẩu trên 90 kg gạo.
Trưởng thôn Lê Quang Trung đích thân lên xã đi nhận gao rồi cấp cho hai hộ là hộ ông Hưng và hộ bà Lộc với số gạo 50kg. 40kg gạo còn lại, vị trưởng thôn này không cấp cho hộ ông Duẫn mà mang bán.
Ông Lê Đình Sâm, thôn Cường Thịnh bức xúc: “Bao nhiêu lần họp dân, chúng tôi đều nói về việc trả lại lúa cho chúng tôi nhưng ông Trung vẫn cứ nói là không có. Ngay cả việc ăn chặn lúa của người nghèo cũng vậy, ông ấy cũng chối là không có, ai phát biểu trong hội nghị cũng bị ông ấy chửi. “Ỉm” lúa của dân đã là quá đáng đằng này ăn cả mấy cân gạo cứu đói thì không thể chấp nhận được. Mấy năm trời không trả, đến lúc chúng tôi mang đơn đi tố cáo, mới đây thanh tra vô cuộc, ông ấy mới chịu trả lại”.
Minh Hiếu (Tổng hợp)

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

Nguyễn Phú Quốc -

Nếu có dịp đến tại chi cục thuế huyện Krông Pắc tỉnh Đắk lắk sẻ nhìn thấy lãnh đạo và kế toán ăn chặn tiền chế của CNVC thuế từ năm 2005 nay thật tinh vi nhưng chẳng ai làm gì được vì họ đã chia đủ phần...

Hiển thị thêm bình luận