Vừa qua, sau khi một số giáo viên gửi đơn tố cáo, Hiệu trưởng Trường THCS dân tộc nội trú huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) - ông Phạm Xuân Sinh đã bị cơ quan chức năng địa phương vào cuộc thanh tra về công tác quản lý, thu – chi tài chính, việc thu và quản lý các khoản thu đóng góp tại trường này.
Ngày 17/6/2014, UBND huyện Ngọc Lặc đã có kết luận thanh tra. Theo đó, đối với Trường THCS dân tộc nội trú Ngọc Lặc, UBND huyện Ngọc Lặc yêu cầu nộp số tiền chi học bổng hè và truy lĩnh học bổng hè năm 2013 còn lại là hơn 129,8 triệu đồng vào tài khoản tạm giữ chờ xử lý của Thanh tra huyện tại Kho bạc Nhà nước huyện Ngọc Lặc.
|
Cô Vũ Thị Huệ, người viết đơn tố cáo Hiệu trưởng Trường THCS dân tộc nội trú Ngọc Lặc ăn chặn nhiều khoản tiền của học sinh và giáo viên. |
Bên cạnh đó, UBND huyện Ngọc Lặc cũng yêu cầu ông Phạm Xuân Sinh, hiệu trưởng nhà trường, nộp lại cho Thanh tra huyện tại Kho bạc Nhà nước huyện nhiều khoản tiền mà ông này “ăn chặn” , như tiền học bổng chi ăn cho học sinh còn thừa trong 3 năm, tiền học sinh đi tham quan,
du lịch bằng nguồn ngân sách nhà nước cấp năm 2011, 2012, tiền lương, bảo hiểm xã hội chi trả thiếu cho các cán bộ giáo viên nghỉ thai sản, tiền điện thu của các hộ gia đình sử dụng điện với nhà trường... với tổng số tiền lên tới hàng tỷ đồng.
Trước đó, báo Thanh tra nhận được đơn của bà Vũ Thị Huệ, nguyên giáo viên Trường THCS dân tộc nội trú Ngọc Lặc tố cáo ông Phạm Xuân Sinh, hiệu trưởng trường này ăn chặn tiền thai sản.
Theo đơn tố cáo, tháng 7/2010, bà Huệ sinh con, nghỉ chế độ thai sản theo quy định hiện hành lúc bấy giờ là 4 tháng (từ tháng 8 - 11/2010). Sau đó, bà Huệ được kế toán nhà trường chi trả tiền thai sản là 7.552.500 đồng (trong đó có 1 tháng lương).
Do thắc mắc số tiền thai sản mình nhận chưa đúng nên bà Huệ đã gặp, trao đổi với ông Trịnh Xuân Hồng, kế toán nhà trường. Ông Hồng trả lời: “Bảo hiểm chi trả thế nào là anh trả cho em thế ấy”.
Tháng 8/2012, bà Huệ sinh con lần thứ hai, phải mổ cấp cứu tại Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa. Sau khi sinh được mấy ngày thì cháu bé chết. Nghỉ sinh được khoảng 50 ngày, bà Huệ nhận được điện thoại của ông Hồng nói: “Trường hợp của em chỉ được nghỉ theo chế độ ốm thôi, em đi làm đi để được hưởng lương bình thường… Em lên gặp anh Sinh đi”.
Hiệu trưởng Sinh yêu cầu bà Huệ phải viết giấy xin đi làm. Sau khi đi làm, bà Huệ chỉ được hưởng nguyên lương mà không được hưởng chế độ thai sản sinh con theo quy định của Nhà nước.
Đến tháng 11/2012, bà Huệ chuyển công tác về dạy tại Trường Tiểu học Ngọc Trung. Trước khi chuyển công tác, bà Huệ đã nhiều lần gặp, có đơn đề nghị ông Sinh chi trả số tiền thai sản theo quy định mà nhà trường đã lĩnh từ Bảo hiểm xã hội huyện nhưng ông Sinh nhất quyết không giải quyết.
Về chế độ thai sản mà bà Huệ được hưởng, ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Thanh Hóa cho biết, hồ sơ lưu tại BHXH huyện Ngọc Lặc thể hiện rõ tiền thai sản của cô Huệ sau hai lần sinh như sau: Lần một, Trường THCS Dân tộc nội trú Ngọc Lặc lĩnh số tiền 7.592.000 đồng (chuyển về tài khoản nhà trường ngày 12/1/2011); lần hai số tiền là 10.920.000 đồng. Ông Tám cũng cho biết, theo quy định hiện hành, người sinh con bị chết khi dưới 60 ngày tuổi thì được nghỉ, hưởng trợ cấp là 90 ngày.
Trao đổi với PV, cô Huệ bức xúc: “Tôi sinh con ở Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa, chào đời được mấy ngày không may cháu chết là một mất mát lớn cho gia đình. Với cương vị là một hiệu trưởng, ông Sinh không hỏi thăm chia sẻ, động viên, mà còn ăn chặn cả tiền thai sản của tôi. Tôi đã nhiều lần kiến nghị lên Ban Giám hiệu nhưng không được giải quyết. Việc này rất mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ, trả lại quyền lợi cho tôi”.
Cô Huệ còn cho biết, lâu nay, ông Sinh còn lạm dụng chức quyền ăn chặn tiền ăn, ở của các học sinh dân tộc nội trú. “Nhiều khoản thu, chi không minh bạch, rất mong Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa vào cuộc làm rõ những sai phạm của trường”.
Minh Hiếu