Họ đã khuyên nhủ, thuyết phục những bà mẹ trẻ nên giữ lại thai nhi nhưng kết quả mà họ nhận lại là lặng lẽ đưa những hài nhi chưa hoàn thiện về khu nghĩa trang thuộc thôn Từ Châu (Liên Châu, Thanh Oai, Hà Nội) - nơi chôn cất những hài nhi bị tước đoạt sự sống, quyền làm người từ khi còn trong bụng mẹ.
Chúng tôi theo dấu chân của những người trong một nhóm thiện nguyện chuyên thu gom xác hài nhi ở các bệnh viện, phòng khám thai tại Hà Nội. Họ tất bật chạy qua phòng khám này đến phòng khám khác để “dò” hỏi về những bà mẹ có ý định phá thai hay vừa nỡ lòng bỏ đi giọt máu vô tội của mình.
|
Các xác hài nhi được nhóm thiện nguyện thu gom đưa về nghĩa trang thôn Từ Châu (Thanh Oai - Hà Nội) để chôn cất.
|
Tất bật từ phòng khám sản đến "Ngôi nhà chung"
Nhóm thiện nguyện chuyên thu gom và chôn cất xác hài nhi gồm 40 thành viên. Họ là những người cha, người mẹ đã âm thầm không quản nắng mưa, bão tố lặn lội khắp các ngã đường ở Hà Nội để đưa những sinh linh bé nhỏ về "Ngôi nhà chung" Liên Châu - Thanh Oai - Hà Nội.
Có lẽ, đây là mảnh đất duy nhất để cho những đứa trẻ không có cơ hội nhìn ánh mặt trời nằm sâu dưới lòng đất mẹ, yên nghỉ và được ủ ấm bằng tình thương của những thành viên thiện nguyện.
"Ngôi nhà chung" nằm giữa cánh đồng thôn Từ Châu, xung quanh là những loại hoa cỏ mang nhiều màu sắc đẹp bình dị mọc cao và bám dày vào các tảng đá. Khi đi qua nơi tĩnh lặng này, ít ai biết rằng có đến gần 25.000 hài nhi đang yên nghỉ.
|
Khi chôn cất những hài nhi xấu số, nhóm vẫn tiến hành lễ cúng và hạ huyệt cẩn thận. |
40 thành viên thiện nguyện vẫn thường xuyên thay nhau lui đến “ngôi nhà chung” và mua sữa, hoa quả, hương khói cho những đứa trẻ tội nghiệp. Đó là tình thương yêu vô bờ bến mà họ là những người dưng mang lại cho gần 25.000 hài nhi đã bị chính cha mẹ tước bỏ quyền sống.
Gọi nghĩa trang này là “ngôi nhà chung” của những hài nhi chưa thành hình. Bởi lẽ, chỉ với khu đất rộng khoảng 20m2, nằm vỏn vẹn giữa cánh đồng mênh mông đã có gần 25.000 xác hài nhi được chôn cất và được xếp nằm cạnh gần nhau.
Ở những ngôi mộ đều được chia thành nhiều ô nhỏ, mỗi ô nhỏ chứa khoảng 20-30 hài nhi, trên cùng được che đậy cẩn thận bằng nắp bê tông để các em khỏi bị nắng mưa đày đọa. Sau khi che đậy cẩn thận, các thành viên trong nhóm tiến hành trồng các loại hoa như: Hoa mười giờ, hoa bách nhật, hoa hồng trắng, hoa cúc…
Năm 2008 "Ngôi nhà chung" - nơi các em yên nghỉ được các thành viên xin đất trong nghĩa trang để xây dựng có chiều dài khoảng 3m, rộng 2m và sâu 2,5m. Đến giữa năm 2013, số hài nhi được đưa về đây đã lên đến con số 24.000 thì "Ngôi nhà chung" đã không còn chỗ trống. Ngay lúc ấy, các thành viên trong nhóm thiện nguyện đã xin thêm đất của nghĩa trang để xây thêm "Ngôi nhà chung" thứ 2 liền kề cũng với kích thước như trên để các em có chung hoàn cảnh, chung số phận nằm cạnh bên nhau.
Một thành viên trong nhóm san lấp lại đáy mộ để chuẩn bị đưa xác hài nhi xuống, mỗi ngôi mộ chôn cất chung có chiều dài khoảng 3m, rộng 2m và sâu 2,5m.
Những hài nhi được mang về đây chôn cất đều được các thành viên đánh mã số xác nhận nơi được nhận, thời gian đưa về và vị trí chôn cất… Tất cả đều được bọc kín trong bao nilon trước khi đặt tay đưa các con về với đất mẹ.
|
Những đứa trẻ xấu số không có một dòng chữ viết tên tuổi. Chúng chỉ được biết đến bởi những con người thiện nguyện đầy tình thương. |
Để chôn cất chu đáo cho các hài nhi xấu số đã có gần 20 thành viên có mặt tại nghĩa trang để làm lễ và đắp mồ. Có ngày, 40 thành viên của nhóm thiện nguyện đã phải đưa hàng chục hài nhi về “chung sống” với các anh chị.
Mỗi người một việc, người thì phụ trách trộn xi măng; người xách nước; người đứng cầu nguyện để linh hồn các bé được siêu thoát, được sống ở bên kia thế giới không còn sự bất công, tàn nhẫn.
Chôn cất hài nhi… một công việc thiện nguyện
Trao đổi với chúng tôi, bác Nguyễn Văn Nho (74 tuổi), là trưởng nhóm thiện nguyện chuyên thu gom xác hài nhi về chôn cất chia sẻ: “Nhóm chúng tôi có 40 thành viên đều thuộc thôn Từ Châu. Mỗi thành viên đều làm một công việc khác nhau, có người thì làm ruộng, chăn nuôi tại địa phương; có người lên Hà Nội học tập, công tác…
Nhưng ai cũng có chung một tình thương bao la đối với những sinh linh bé bỏng. Những sinh linh đó bị chính cha mẹ tước đoạt đi quyền sống, thậm chí còn vứt bỏ các bé xuống cống ngầm, xuống sông nếu chúng tôi không mang các em về đây”.
Bác Nho cho biết, năm 2008, một trong các thành viên thấy việc có quá nhiều trường hợp cha mẹ hay các em gái trót lầm lỡ đi phá thai, đặc biệt có những cháu được 6-7 tháng đã lớn và hình hài một con người đã hiện rõ, có tóc, có chân tay và phân biệt được giới tính vậy mà vẫn bị cha mẹ nhẫn tâm giết chết. Xuất phát từ tình thương trẻ nhỏ nên nhóm đã chủ động tìm đến các cơ sở, phòng khám y tế để hỏi và nhận các hài nhi về chôn cất.
“Ban đầu chúng tôi đến các phòng khám thai, bệnh viện, nếu bắt gặp bất cứ trường hợp nào có ý định phá thai chúng tôi đều khuyên bảo rằng nếu không có điều kiện nuôi thì chúng tôi sẽ cưu mang, sắp xếp cho nơi ăn chốn ở đợi đến ngày sinh nở rồi chúng tôi sẽ có trách nhiệm đưa lên Nhà thờ nuôi.
Nhưng số lượng mủi lòng nghe chúng tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay, từ đó chúng tôi vừa khuyên bảo vừa kết hợp với việc thu gom hài nhi về chôn cất”, bác Nho cho hay.
Theo Lao Động