Đó là nhận định của PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học), xung quanh việc anh Trần Hữu Hiệp (quê Thanh Hóa) đã nhường áo phao cho đồng nghiệp nữ khi xẩy ra chìm tàu ở biển Cần Giờ (TP.HCM) chiều 2/8, để rồi ra đi mãi mãi khi mới 25 tuổi.
|
Thảm nạn chìm tàu kinh hoàng vừa xảy ra trên biển Cần Giờ, TP.HCM.
|
Thảm nạn kinh hoàng vừa xảy ra tại Cần Giờ ngày 2/8, chiếc tàu H29 đang trên đường từ Tiền Giang trở về Bà Rịa-Vũng Tàu, khi đi đến khu vực biển Cần Giờ thì gặp lúc sóng to, gió lớn rồi bị lật úp, đắm trong biển nước. Tai nạn xảy ra bất ngờ đã khiến 30 sinh mạng trong con tàu đứng trước sự sống mong manh.
Bên cạnh những thông tin về việc tìm kiếm cứu nạn, những câu chuyện kể về giờ phút kinh hoàng, thì hành động anh Trần Hữu Hiệp không đắn đo, cởi áo phao nhường cho một phụ nữ để đón nhận hiểm nguy về mình khiến nhiều người cảm phục và đọng lại nhiều suy nghĩ.
Anh Đặng Hồng Phương nói trong nước mắt khi nhớ lại phút giây người "đồng đội" quả cảm trao áo phao cho một phụ nữ đang hấp hối giữa dòng nước hung dữ.
Anh Phương kể lại, khi chiếc tàu bị lật, 30 người vội vã thoát ra ngoài. Một phụ nữ người thiểu số bị kẹt lại và sau đó tử nạn. 29 người khác đu bám dọc thành tàu, một số thanh niên khỏe mạnh đã đu bám được lên mũi tàu đang nổi trên mặt nước.
“Lúc đó sóng cuộn cao, gió giật mạnh khiến một số người không chịu được đã buông tay và dạt ra xa chiếc tàu, trong đó có một phụ nữ đang thoi thóp thở. Thấy vậy, anh Trần Hữu Hiệp đang mặc áo phao liền cởi ra đưa cho người phụ nữ bơi vào bờ. Riêng anh vẫn cố bám trụ vào thành tàu", anh Phương kể.
|
Anh Đặng Hồng Phương nhớ lại phút giây người "đồng đội" quả cảm trao áo phao cho một phụ nữ đang đuối sức giữa dòng nước.
|
Sau khi đưa áo phao cho người phụ nữ, anh Hiệp đu bám trên phần tàu thì bị một con sóng dữ đánh văng ra xa. Vừa bơi lại chưa tới thành tàu thì anh lại bị sóng đánh tiếp ra xa. Do uống quá nhiều nước lại đuối sức nên anh tắt thở và gục trên tay anh Phương. “Tôi cố gắng giữ xác anh Hiệp nhưng không được, con sóng ập tới kéo anh ra xa tôi. Nếu có chiếc áo phao, chắn chắn anh ấy sẽ giữ lại mạng sống của bản thân để được đoàn viên cùng gia đình”, anh Phương đau buồn nói.
Nói về quyết định của anh Hiệp, PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học), nhận định: “Hành động nhường phao cho người khác mà biết chắc mình cũng không có gì đảm bảo sẽ giữ được mạng sống, có thể nói là một hành vi anh hùng. Anh ta tên Hiệp, và cách xử sự của anh cũng rất hào hiệp, rất mạnh mẽ. Khi đang giằng co giữa sự sống và cái chết, anh ta có phao cứu sinh nhưng lại nhường cho phụ nữ. Dù người phụ nữ có được cứu sống hay không thì hành vi đó cũng thực sự cao cả. Đặc biệt là khi người phụ nữ được nhường phao đó còn sống thì hành vi nhường sự sống cho bạn, cho đồng nghiệp càng ý nghĩa hơn”.
|
PGS.TS Trịnh Hòa Bình. |
PGS.TS Trịnh Hòa Bình còn cho rằng: “Đặt hành vi đó bên cạnh việc lần chần, thói vô trách nhiệm của hai xí nghiệp trong việc phát đi thông tin nhanh nhất, chính xác nhất để có được sự cứu hộ kịp thời hơn thì càng thấy chua chát. T
ôi cho rằng, rồi đây cơ quan chức năng sẽ làm rõ việc đó và hoàn toàn có thể truy tố ra tòa chứ không phải chỉ xem xét nhắc nhở, kỷ luật hay khiển trách.
Việc chần chừ đó có thể do xí nghiệp muốn để công việc cứu hộ trong phạm vi nhỏ nhất, có thể họ chủ quan có thể tự xử lý, giải quyết được tai nạn gặp phải với ca nô của xí nghiệp mình. Dù lý do nào, việc phát đi tín hiệu chậm là sai nguyên tắc, là dấu hiệu của việc lẩn trốn trách nhiệm, gần như là chạy tội”.
“Không có điều luật nào ghi rõ những hành vi nghĩa hiệp như anh Hiệp làm sẽ được hưởng những gì, nhưng việc tôn vinh đó ở trong giá trị có chuẩn mực đạo đức, hành xử xã hội. Tinh thần làm chủ chung chung sẽ trở nên vô nghĩa nếu chúng ta không tôn vinh những hành vi nghĩa hiệp như vậy.
Những giá trị đạo đức đòi hỏi những cơ quan có trách nhiệm cũng như cộng đồng xã hội phải dành sự ưu đãi cho anh Hiệp. Anh Hiệp không may qua đời thì người thân của anh cần được nhận sự ưu đãi đó”, PGS.TS Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh.
Từ đó, PGS.Bình cũng lưu ý rằng: “Qua việc đấu tranh giữa sự sống và cái chết giữa mênh mông biển cả như vậy mới thấy được vẫn còn nhiều tấm gương tuổi trẻ quên mình vì nghĩa, quên mình vì sự sống còn của người khác. Việc làm đó cần thắp lên giống như ngọn lửa tôn vinh, làm cháy lên khát khao được sống nhưng không phải vì khát khao đó mà ích kỷ chỉ biết nghĩ tới bản thân mình”.
Với nguyên ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Văn Cuông, cho rằng: “Hành động dũng cảm cứu người, khi thấy người phụ nữ không có khả năng tự mình bảo vệ được trong lúc lật thuyền là động thái hành xử rất nhân văn”.
“Các cơ quan chức năng cần xem xét để có những chế độ, chính sách phù hợp ghi nhận hành động dũng cảm và nhân văn đó. Đồng thời có sự chia sẻ về mặt tinh thần và vật chất đối với gia đình nạn nhân khiến họ giảm đi nỗi đau mất mát to lớn này”, ông Lê Văn Cuông bày tỏ ý kiến.
Tiểu Phong