Chìm tàu ở Cần Giờ: Hơn 60 người “vượt biển tử thần”

Google News

(Kiến Thức) - Trong cuộc hành trình từ Tiền Giang du lịch Vũng Tàu, có tất cả 3 chiếc canô được thuê để chở 63 nhân viên và một chiếc chở nhiều người nhất gặp nạn.

Trên chiếc tàu cao tốc từ TP.HCM về TP.Vũng Tàu trưa ngày 4/8, PV Kiến Thức ngồi cạnh anh Huỳnh Ngọc Phương (30 tuổi, quê Vĩnh Long). Anh Phương là kỹ sư Công ty CP Sản xuất ống thép dầu khí VN và anh đang trên đường ra tiễn đưa những người đồng nghiệp gặp nạn.
Anh Phương kể lại: Nếu không có chuyến công tác ở Sài Gòn thì chắc chắn anh đã có mặt trong chuyến tàu định mệnh.
Anh Huỳnh Ngọc Phương, may mắn không có mặt trên chuyến tàu định mệnh.
Theo đó, mọi người ở công ty lên kế hoạch cuối tuần ngày 2/8 sẽ đi nghỉ mát Vũng Tàu kết hợp dự đám cưới của một người bạn làm chung công ty.
Có tất cả 63 người tham gia chuyến đi và thuê 3 chiếc canô. Chiếc canô gặp nạn có 30 người (tính luôn tài công và thợ máy); 2 chiếc còn lại mỗi chiếc chở từ 15 đến 20 người.
 
Xác chiếc canô gặp nạn đã được kéo vào bờ. 
“Những người có mặt trên chiếc canô gặp nạn đều là bạn bè thân thiết của tôi, vì thế nếu tham gia tôi đã có mặt trên phương tiện này. Giờ dù may mắn là người thoát nạn nhưng nghĩ đến những người đồng nghiệp tôi thật xót xa, nhất là còn vài người nằm dưới biển khơi kia.”, mắt ngước nhìn ra biển khi chiếc tàu cao tốc cũng vừa đi qua cồn Ngựa (Cần Giờ), anh Phương đượm buồn chia sẻ.
Anh Phúc (áo thun xanh) kể lại giây phút kinh hoàng thời điểm gặp nạn.
Anh Lại Hồng Phúc (30 tuổi, quê Hà Nội), người có mặt trên chiếc ca nô gặp nạn kể lại: Ngay khi xảy ra tai nạn, anh Phúc cùng các anh Nguyễn Chí Công, Nguyễn Văn Cương và Trần Hữu Hiệp (thông tin trước đây từ báo cáo của UBND huyện cần Giờ là Trần Duy Quốc Hiệu) đã không nghĩ đến bản thân tìm mọi cách cứu người. Anh Công là người cứu sống nhiều nạn nhân nhất và chỉ đến khi lực lượng cứu hộ có mặt anh mới buông xuôi ngất xỉu được đưa vào bệnh viện huyện Cần Giờ cấp cứu.
Riêng anh Trần Hữu Hiệp ngay từ khi chiếc canô bị sóng đánh chao đảo, kịp cầm chiếc áo phao trên tay nhưng anh không dành quyền sống cho bản thân mình mà đã đưa cho một đồng nghiệp nữ.
“Trong lúc bơi ra cứu chị Hoàng (Nguyễn Thị Kim Hoàng - PV) bị sóng cuốn khá xa, Hiệp đã chới với rồi cả 2 bị cuốn đi trong bóng tối. Nhớ lại thảm cảnh đó tôi vẫn còn ám ảnh mãi”, anh Phúc chia sẻ.
Trước thông tin về việc trong lúc chiếc canô gặp nạn, có ít nhất 2 ca nô khác chạy qua nhưng không ứng cứu. Một người đi trên 2 chiếc canô còn lại xác nhận đúng là có chuyện đó. Theo đó, khi 2 chiếc ca nô cùng hành trình chạy qua, trong bóng đêm mờ mịt trên biển và sóng gió dữ dội, những người trên canô không nghe thấy tiếng kêu cứu và cứ nghĩ phương tiện này đang hết nhiên liệu và tài công sẽ tự xử lý.
Anh Công (áo thun xanh) người cứu sống được rất nhiều đồng nghiệp. 
Anh Công cho biết thêm khi 2 chiếc canô kia chạy qua, một lúc sau có chiếc canô khác đã phát hiện và cũng vòng lại tìm cách để cứu. Tuy nhiên chiếc ca nô này không thể tiếp cận được vì khu vực canô bị nạn nước xoáy rất mạnh. Anh Công và một số người hiểu biết khẳng định: Nếu chiếc canô này cố vào thì chắc chắn cũng sẽ gặp nạn.
Lúc 19h20 ngày 4/8, thi thể anh Trần Hữu Hiệp (người đã quên bản thân mình nhường áo phao cứu người) và thi thể anh Hoàng Trung Biên đã được đưa từ biển về nhà xác Bệnh viện Lê Lợi. 
Đến cuối ngày 4/8, thi thể của anh Hiệp cũng đã được tìm thấy và đã đưa vào bờ cùng anh Hoàng Trung Biên để chuyển về nhà xác bệnh viện Lê Lợi (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho gia đình nhận về quê an táng.
Như vậy đến thời điểm này, chỉ còn thi thể 2 nạn nhân là anh Đào Mạnh Cường và Nguyễn Bá Đức vẫn chưa tìm thấy.
Vũ Sơn