Đặc biệt nhưng không cá biệt
Trao đổi với phóng viên, TS Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng (UIA) cho biết, với người dân thì trường hợp anh Huỳnh Văn Khải ở Lâm Đồng rất đặc biệt và lạ lẫm nhưng đây không phải là trường hợp cá biệt có thể sờ vào điện và hút các đồ vật. Ở Việt Nam có rất nhiều trường hợp có thể làm được điều đó. Việc hút các đồ vật chúng tôi gọi là người nam châm, thì có đến vài nghìn người có thể làm được điều này.
"Sự đột biến gen sinh học được tạo ra nếu cơ thể gặp đột biến hoặc sự cố không bình thường. Thế giới sinh học nói chung rất đa dạng và phong phú. Các loài sinh vật khi gặp các sự cố về môi trường nếu không biến đổi để thích nghi thì sẽ bị tiêu diệt. Nếu cơ thể sinh học biến đổi phù hợp để thích nghi với điều kiện mới của môi trường thì sẽ tạo ra một loài mới, một hệ thống mới (còn gọi là sự biến dị).
Sự biến đổi mang tính tiêu cực thì thường gọi là tai biến, gây ra sự thoái hóa. Nhưng cũng có những sự biến đổi mang tính tích cực thì được gọi là tiến hóa. Các cây cối, hoa quả khi gặp các kích thích đặc biệt sẽ sinh ra sự biến đổi, gọi là các biến đổi gen, có thể lai tạo được nhiều loại hoa quả mới. Các loại động vật (từ động vật bậc thấp như vi khuẩn cho đến con người) khi gặp biến cố cũng có sự biến đổi, cơ thể sẽ bị thay đổi cấu trúc sinh học gây ra sự biến đổi gen di truyền. Sự biến đổi này đôi khi kèm theo những khả năng đặc biệt", TS Vũ Thế Khanh dẫn giải.
|
Anh Khải dùng tay sờ vào bugi xe gắn máy cho người khác đạp nổ. |
Nói về trường hợp anh Huỳnh Văn Khải, TS Vũ Thế Khanh phân tích: "Một số người đã gặp các biến cố nguy hiểm, nhưng trong những điều kiện nguy hiểm ấy lại có sự biến đổi thần kỳ có thể nới rộng các chức năng của các giác quan về mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý... và xuất hiện các khả năng ngoại cảm đặc biệt. Có một số trường hợp lại sinh ra khả năng lạ như khả năng phát nhiệt, phát điện, phát mùi, hoặc phát ra những tần số sóng năng lượng gây nhiễu sóng điện từ hoặc hút các đồ vật. Không chỉ con người, một số loài động vật cũng có khả năng phóng ra điện hoặc phóng ra chất kịch độc làm tê liệt đối phương. Trường hợp anh Huỳnh Văn Khải cũng vậy, cũng bị một trận ốm thập tử nhất sinh, từ đây phát hiện những biến đổi trong cơ thể và có thể sờ vào điện".
Bản thân anh Khải cũng đã từng cho biết, năm 2009, anh đang khoẻ mạnh bình thường bỗng xuất hiện những cơn đau đầu dữ dội. Toàn thân anh lên cơn sốt nóng rang như lửa đốt, da dẻ đỏ ửng rồi lại nhanh chóng lạnh cóng như vừa bị ai đó khiêng nhúng vào chậu nước đá, lạnh co quắp cả chân tay. Cơn sốt kéo dài hết một buổi khiến người anh gần như kiệt sức, tưởng không thể qua khỏi cái chết. Thế nhưng, khi cơn sốt chấm dứt cũng là lúc anh Khải cảm nhận được rất rõ những sự thay đổi lớn trong cơ thể của mình. Và có khả năng sờ vào điện mà không bị điện giật từ ngày đó.
Theo TS Vũ Thế Khanh, việc anh Khải có khả năng hút các đồ vật (hay còn gọi là người nam châm) cũng tương tự như vậy.
"Các trung tâm dưỡng sinh của Liên hiệp UIA cũng đã ứng dụng nguyên lý này. Khi tập luyện đúng cách, cơ thể có thể tạo ra hiệu ứng cộng hưởng "pin sinh học", phát sinh ra năng lượng sinh học lớn hơn bình thường (như các môn Năng lượng sinh học, năng lượng cảm xạ học, dưỡng sinh tâm thể, dưỡng sinh tâm năng, kim cang thiền...), năng lượng này có thể hỗ trợ cho việc phục hồi chức năng cơ thể, có thể hút các đồ vật".
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới có không ít người không bị điện giật dù được gí điện vào người. Có thể, cơ thể của những người này có những chất xúc tác nào đó khiến không bị phản ứng với điện. Tất nhiên, về vấn đề này, khoa học còn phải nghiên cứu nhiều mới tìm ra được câu trả lời thuyết phục nhất. Trường hợp của anh Huỳnh Văn Khải cũng vậy.
|
Ở nước ta có rất nhiều người "nam châm" có thể hút được các đồ vật. |
Khả năng có thể bị triệt tiêu, sờ vào điện sẽ bị giật chết
Theo TS Vũ Thế Khanh, cơ thể anh Khải có khả năng sờ vào điện mà không bị giật nhưng nếu cơ thể gặp biến cố theo chiều ngược lại thì có thể các khả năng trên sẽ bị triệt tiêu.
"Sở dĩ anh Khải có khả năng sờ vào điện là do mỗi tế bào của cơ thể cũng có thể ví như một nhà máy điện sinh học, thông thường các "nhà máy điện sinh học" này tương tác cảm ứng và trung hòa lẫn nhau. Nhưng nếu trong trạng thái đặc biệt, cơ thể đã sắp xếp lại quy luật sinh hóa trong tế bào, các "spin" (lượng chuyển động quay) định hướng của mỗi tế bào sẽ cùng chiều với nhau thì có thể gây ra cộng hưởng, tạo năng lượng sinh học đột biến. Nếu ta mắc nối tiếp thật nhiều các pin nhỏ thì sẽ tạo ra hiệu điện thế rất lớn và nếu các cối pin nhỏ được mắc song song với nhau thì điện trở của hệ thống sẽ giảm đi và cường dộ dòng điện cũng sẽ tăng lên gấp bội".
"Trong cơ thể sinh học, nếu "các nhà máy pin sinh học" quy mô tế bào gặp trạng thái đột biến, có thể tạo ra sự sắp xếp như trên và do đó có thể trở thành "nhà máy phát điện" có công suất lớn gấp hàng triệu lần công suất của "nhà máy điện sinh học quy mô tế bào". Đương nhiên, nếu cơ thể gặp biến cố theo chiều ngược lại thì có thể các khả năng trên sẽ bị triệt tiêu", TS Vũ Thế Khanh cho biết.
Đồng quan điểm với TS Vũ Thế Khanh, chuyên gia cảm xạ học Dư Quang Châu, Chủ nhiệm Bộ môn Năng lượng Cảm xạ thuộc UIA cho biết, anh Huỳnh Văn Khải có khả năng đặc biệt là do đột biến nhưng những cái đột biến thì có khả năng bị triệt tiêu. Khi cơ thể thay đổi không còn khả năng đặc biệt nữa, nếu tiếp tục sờ vào điện sẽ bị điện giật chết.
"Trường hợp anh Khải cũng đặc biệt, tuy nhiên nếu khả năng ấy không giúp được gì cho xã hội thì đừng nên thử. Khi cơ thể hết khả năng thay đổi do ốm đau, bệnh tật thì khả năng đó cũng tự mất đi và khi đó sẽ bị điện giật. Trên thực tế đã có 2 trường hợp cũng có khả năng sờ vào điện mà không bị giật, nhưng được một thời gian, 2 người này đều bị điện giật chết. Vì thế, anh Khải không nên tiếp tục hành động sờ vào điện để biểu diễn nữa, nó sẽ rất nguy hiểm".
Nhà cảm xạ học Dư Quang Châu
Hải Ninh