Theo PGS.TS Lê Văn Hiếu, giảng viên cao cấp, Bộ môn Công nghệ Hữu cơ hóa dầu, Viện Kỹ thuật hóa học, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, lớp trẻ học khoa học kỹ thuật ra trường bây giờ được chia ra hai hướng: Một là làm doanh nghiệp, đặt mục tiêu kiếm tiền, bù đắp lại các khoản đã đầu tư. Khi đã làm doanh nghiệp, họ sẽ ít có cơ hội nghiên cứu khoa học hơn bởi những nhiệm vụ sản xuất chiếm hết thời gian. Tuy nhiên, không vì thế mà bảo họ bị thiệt thòi về khoa học. Họ vẫn có thể tìm hiểu, ngoài ra đó cũng là con đường họ đã chọn. Ngoại trừ, một số người làm ở các tổng công ty nhà nước có nhiều vốn thì còn có nhu cầu nghiên cứu khoa học. Còn các doanh nghiệp nhỏ thì đích đến vẫn là tiền.
"Những người làm khoa học không thể đặt mục tiêu kiếm tiền lên trên các đề tài khoa học. Vì thế, giới khoa học thường không giàu, lương làm khoa học không cao. Trong khi lớp trẻ hiện nay có xu hướng muốn kiếm tiền nhanh để bù đắp lại cho các khoản đã đầu tư cho học hành, cuộc sống... Vì thế, họ chọn thương mại nhiều hơn", PGS.TS Lê Văn Hiếu nhấn mạnh.
|
Trong số 30% sinh viên học giỏi thì chưa đến 1/2 thích về các trường, viện nghiên cứu. Ảnh minh họa. |
Hướng thứ hai là làm khoa học nhưng tỷ lệ chuyên tâm vào nghiên cứu không cao. Vì họ còn phải lo cơm áo gạo tiền cho cuộc sống hằng ngày. Hầu hết người trẻ chuyên tâm làm khoa học là những người được sinh ra trong gia đình tạm gọi là có điều kiện. Mà thực tế cho thấy, đa phần con nhà giàu thường không học giỏi!
"Trong số 30% sinh viên học giỏi thì chưa đến 1/2 thích về các trường, viện nghiên cứu. Tỷ lệ này càng nhỏ hơn khi chỉ có trường, viện lớn mới chú trọng nghiên cứu khoa học. Đó là lý do vì sao chưa thu hút được nhà khoa học giỏi trẻ tuổi", PGS.TS Lê Văn Hiếu cho biết.
Hiền Dung