|
Ảnh minh họa. |
Theo vị chuyên gia này, hiện để nhà khoa học có được đề tài cấp viện, trường, Nhà nước hay bộ rất khó. Họ phải đăng ký đề tài trước thời gian dài, chỉ ra được hướng mới và chứng minh khả năng khả thi. Tuy nhiên, được đề tài là một đằng, còn thực hiện được đề tài đó một cách có quy củ, nghiêm túc, đúng khoa học lại là chuyện khác. Bởi lý do rất đơn giản: Số tiền dành cho đề tài quá ít so với thực hiện thực tế.
"Nhà khoa học khi thực hiện một đề tài luôn cần nhiều đồng nghiệp giúp đỡ cùng thực hiện. Ngoài ra, các chi phí mua trang thiết bị, hóa chất, sinh phẩm làm thí nghiệm luôn đắt đỏ... Vì thế, các nhà khoa học không còn đồng nào khi thực hiện xong", GS.TS Phùng Đắc Cam chia sẻ.
Một khi nhà khoa học không đủ tiền thì việc làm các đề tài để có thể đăng trên các tờ báo khoa học uy tín ở nước ngoài lại rất khó. Từ đó dẫn đến những hạn chế trở lại cho chính các nhà khoa học là không có bài báo công bố ở nước ngoài, bản thân nước ta cũng không đánh dấu được sự phát triển khoa học ở mức độ nào.
GS.TS Phùng Đắc Cam cho rằng, yêu cầu hiện nay ngày càng tăng, đòi hỏi phải có các công bố khoa học, phải có sản phẩm ra thực tế... nhưng điều này mâu thuẫn với kinh phí để các nhà khoa học làm việc. Họ phải tìm các nguồn khác nhau may ra mới đủ làm một cách đứng đắn. Đó là cơ chế của cả nền khoa học.
Nhưng có một tín hiệu vui chính là Bộ Khoa học & Công nghệ có Quỹ Phát triển Khoa học & Công nghệ Quốc gia (Nafosted) với số tiền đầu tư tương đối cao so với thời điểm này. Đây là niềm khích lệ, lôi kéo các nhà khoa học để thực hiện ước mơ nghiên cứu của mình.
Tất nhiên, chương trình yêu cầu các kết quả thu được phải công bố 2 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế, đây là điều kiện chính đáng để các nhà khoa học Việt Nam được nâng tầm nghiên cứu của mình trên bình diện khoa học ở các nước trong khu vực và thế giới.
Thu Hiền