Không cẩu thả không phải người Việt?!

Google News

(Kiến Thức) - Công trình giao thông mới hoàn thiện đã lún sụt, vá víu. Chung cư vừa làm xong đã hỏng hóc. Ăn bánh xong thì vứt luôn vỏ xuống đường… 

Người Việt dễ buông tay
Thừa nhận tính trách nhiệm của người Việt rất kém là do ý thức cá nhân chưa phát triển, PGS.TS Ngô Văn Giá (trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cho rằng, đó chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến thói cẩu thả của người Việt.
Ông phân tích, cơ cấu xã hội nhỏ nhất của Việt Nam là đơn vị làng. Mà đặc tính của làng, của những người sống trong đó là tính bản vị cục bộ, coi cái gì của làng cũng là nhất. Họ đề cao tính cộng đồng (do điều kiện sống, điều kiện sinh tồn buộc họ phải gắn kết với nhau) nên con người cá nhân ít được chú trọng. 
Vì thế, khác với người phương Tây khi họ kết hợp hài hòa giữa lợi ích và trách nhiệm (trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm với cộng đồng), người Việt có thiên hướng luôn đòi hỏi ở người khác mà lờ đi trách nhiệm của chính mình. Chẳng hạn, họ có thể yêu cầu người khác không đượt vứt rác sang nhà mình, nhưng họ lại ích kỷ khi tự cho mình cái quyền được... vứt rác ra đường. Họ có thể yêu cầu người khác đến đúng giờ nhưng lại dễ dàng trễ hẹn... 
Chính sự dễ dãi với bản thân khiến người Việt có xu hướng không làm việc hết sức mình cũng như không có trách nhiệm tận cùng đối với người khác, với cộng đồng. Mà khi không có trách nhiệm tận cùng thì người ta dễ buông tay, sinh ra thói cẩu thả.
Đưa xe máy chui qua hàng rào khi vi phạm tham gia giao thông. 
Cẩu thả vì... sớm bằng lòng
Theo nhà văn Tạ Duy Anh, một trong những nguyên nhân để người Việt cẩu thả là vì họ... sớm bằng lòng với chính mình, dễ tự mãn; coi cái gì của mình, của dòng họ, làng xã mình cũng là nhất.
Lý giải cho tâm lý này của người Việt, nhà văn Tạ Duy Anh cho rằng: Chế độ phong kiến kéo quá dài, lại sống trong tình cảnh bị nước lân bang to lớn luôn nhòm ngó nên người Việt có tính cảnh giác cao. Do đó dẫn đến xu hướng bế quan tỏa cảng – được coi như một phương cách tốt nhất để bảo vệ cộng đồng của mình, chống lại các thế lực bên ngoài, một kiểu “phòng gian, bảo mật”. Nhưng cái gì bị đẩy lên thái quá, cũng dẫn tới sự lệch lạc. Từ mục tiêu phòng thân, dần dần người Việt khép cửa với bên ngoài, tự bằng lòng, tự mãn, tự đủ với mình và tất yếu dẫn đến tâm lý “nhất mẹ nhì con” hay “ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”.
Thói cẩu thả có ở mọi lĩnh vực: Từ thờ cúng đến ăn uống, sinh hoạt, xây dựng, tổ chức cộng đồng... Người Việt sẵn sàng vay mượn, nhào trộn các yếu tố ngoại lai, biến thành của mình, hoặc sử dụng thứ có sẵn, ngại đối mặt với những thử thách về trí tuệ. Người Việt không có nhu cầu vươn tới sự hoàn hảo. Tâm lý “phiên phiến” “thế cũng là tốt rồi” ăn sâu trong bản tính của người Việt và chúng ta có thể nhận thấy biểu hiện này ở bất cứ đâu, xa xưa đã thế, nay vẫn thế. “Một dân tộc có tính tự mãn thì sẽ không bao giờ lớn lên được”, ông Anh nhấn mạnh.
Một nguyên nhân nữa để nảy sinh thói cẩu thả của người Việt được nhà văn Tạ Duy Anh chỉ ra là do điều kiện sống tự nhiên. Người Việt không bị hoàn cảnh nghiệt ngã dồn đuổi đến mức phải lựa chọn hoặc vượt lên, hoặc biến mất. Đất đai canh tác phì nhiêu, khí hậu không quá khắc nghiệt, khả năng thích nghi lại cao... vì thế tự nhiên người Việt lựa chọn các tiêu chuẩn trung bình, dễ làm, thứ vừa tầm với, trong tầm tay (thứ quá cỡ, khó làm là bỏ, thậm chí bài xích) và đó là cái gốc sâu xa của thói cẩu thả. 
Cẩu thả vì tâm thế bất an
PGS.TS Ngô Văn Giá bổ sung thêm: Bối cảnh xã hội cũng khiến người ta dễ trở nên cẩu thả. Hiện nay, xã hội đang sống gấp, sống nhanh, cho nên sống ẩu, sống nông. Đó là lý do rất quan trọng để cắt nghĩa cho việc sản phẩm làm ra không đạt sự tinh xảo, chau chuốt. Khi một người cẩu thả, hai người cẩu thả... thì kéo theo cả xã hội cẩu thả: Đường mới đi vào sử dụng đã lún nứt; chung cư vừa xây xong đã bị rò nước, hỏng cánh cửa... Dĩ nhiên cũng không loại trừ yếu tố bớt xén, trục lợi này nọ nhưng nó cũng có nguyên nhân từ sự cẩu thả.  
“Vì sao các kiến trúc điêu khắc xưa tinh xảo đến từng chi tiết? Ngoài yếu tố người thợ say mê ra thì còn có lý do rất quan trọng là xã hội thời đó rất yên bình. Người ta có điều kiện để toàn tâm toàn ý cho công việc. Bây giờ, xã hội đã mất đi sự bình yên ấy, vì ngồi đây làm việc mà ngoài kia là tiếng rao bán hàng, tiếng đánh chửi nhau, tin về vụ tai nạn giao thông, giết người... thì làm sao có thể tập trung được. Đó cũng là lý do để nhiều sản phẩm làm ra không được toàn bích”, ông Văn Giá lập luận.
Sự tồn tại kéo dài hàng thập kỷ của thời bao cấp cũng khiến cho tính cẩu thả của người Việt có đất để tồn tại, sinh sôi. Tâm lý “cha chung không ai khóc”, “tiền chùa”, “mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng”, “tập thể” khiến người ta dễ sinh tâm lý cẩu thả: Đồ của cơ quan cứ dùng thoải mái, chẳng cần quan tâm đến việc giữ gìn vì hỏng đã có tiền cơ quan mua, có khi hỏng thì được thay đồ mới tốt hơn. Nó ăn sâu vào tâm lý người Việt và không dễ dàng từ bỏ.
Mặc dù thừa nhận cẩu thả là bản tính của người Việt song ông Văn Giá cho rằng, nói “không cẩu thả không phải là người Việt” là chưa khách quan. Bởi lẽ, chúng ta có rất nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống dân gian đạt đến độ tinh xảo và trau chuốt như quan họ chẳng hạn. Rồi các bức điêu khắc trong các đình, chùa cũng thể hiện sự tài hoa, khéo léo, tỉ mẩn của người thợ... Tuy nhiên, “đúng là cẩu thả rất phổ biến trong xã hội, đến nỗi ở đâu cũng bắt gặp”, ông nói.
(còn nữa)
“Bây giờ, sự cẩu thả phổ biến đến mức ở bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào cũng có. Người ta cẩu thả ngay cả trong việc ban hành chính sách – lĩnh vực mà đáng ra cần phải làm cho chỉn chu, khoa học. Bằng chứng là khi chính sách đưa ra liền bị phản ứng gay gắt vì không đúng thực tế, không khả thi, “trên trời”. Song việc xử lý không dứt khoát, chưa đủ mạnh cũng làm cho thói cẩu thả tồn tại như một lẽ tự nhiên và được cả xã hội chấp thuận”.
PGS.TS Lê Quý Đức (nguyên Viện phó Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh)
Thanh Thủy