"Trước một vấn đề còn chưa thống nhất, thay vì dùng lý lẽ để tranh luận, người Việt lại có xu hướng dùng giọng nói lớn và lấy số đông làm chuẩn", PGS.TS Lê Quý Đức chia sẻ.
Không biết tranh luận vì tư duy cảm tính
Bàn về văn hóa tranh luận của người Việt, PGS. TS Lê Quý Đức xua tay: "Tôi có cảm nhận người Việt mình không có thói quen biết tranh luận".
Lý giải cho việc vì sao không gọi là "văn hóa tranh luận", ông Đức nói: "Thói quen cũng là một nét văn hóa. Nhưng khi đã nói văn hóa tranh luận thì phải theo nghĩa rất rộng, gắn với tri thức, quá trình đào tạo, rèn luyện, kỹ năng, tâm lý xã hội... Đằng này, người Việt nhiều khi tranh luận bằng cách "ăn to nói lớn" để át đi. Do đó, chưa thể nói đến văn hóa tranh luận được". Vậy vì sao người Việt chưa có thói quen biết tranh luận?
Ông Đức cho hay, ở xã hội phương Tây dùng tư duy duy lý. Theo đó, để trình bày ý kiến về một vấn đề, người ta sẽ phải dùng khái niệm, thậm chí phải trên cơ sở thống nhất khái niệm, sau đó lựa chọn phương pháp để tranh luận.
Còn với người Việt Nam là tư duy cảm tính, tư duy tương đối đúng. Ví như quan niệm âm dương đúng chung cho mọi cái nhưng không hoàn toàn đúng khi gắn vào sự việc cụ thể. Người Việt Nam cũng có câu "một bồ cái lý không bằng một tí cái tình", vậy nên nhiều khi vì anh là bạn thân, là anh em ruột thịt của tôi, anh sai đấy nhưng tôi không muốn tranh luận để chỉ ra cho anh thấy vì sợ làm mất lòng nhau.
Cũng vì tư duy cảm tính nên việc tranh luận của người Việt hết sức "lạ lùng". "Người ta không có trình độ nên không thể tranh luận bằng lý lẽ. Khi đó, nếu anh không có quyền lực mà muốn áp đặt người khác thì dùng cử chỉ, thói quen như nói lớn, quát tháo ầm ĩ để át tiếng người ta đi. Người này thấy người kia nói lớn thì cũng cố rướn giọng mình lên. Cứ thế, cuộc tranh luận sẽ chỉ có tiếng nói lớn qua lại thay vì dùng lý lẽ phân tích cho thấu tình đạt lý.
Bên cạnh đó, người Việt có xu hướng lấy số đông làm chuẩn, coi chân lý thuộc về số đông. Chẳng hạn, khi biểu quyết một vấn đề cụ thể, nếu số đông thuận theo - dù lựa chọn ấy không hợp lý cho lắm thì nó vẫn sẽ được thông qua. Anh chống lại số đông nghĩa là anh đi ngược lại chân lý, sẽ bị phê phán và chẳng gì khác là anh phải gân cổ cãi thật to. Như vậy, thói quen tranh luận của người Việt mới dựa trên nói lớn và theo số đông", ông Đức phân tích.
|
Khi biểu quyết một vấn đề cụ thể, nếu số đông thuận theo - dù lựa chọn ấy không hợp lý cho lắm thì nó vẫn sẽ được thông qua. |
Thiếu dân chủ thì không có tranh luận
Theo ông Đức, một nguyên nhân nữa để người Việt không có thói quen biết tranh luận là do thiếu dân chủ trong xã hội truyền thống. Ở đó, vai vế, thứ bậc rõ ràng và buộc người ta phải tuân theo. Đến nỗi, "quân xử thần tử, thần bất tử bất trung; phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu" (vua xử tôi chết, tôi không chết, tôi không trung; cha xử con chết, con không chết, con không hiếu).
Cũng trong xã hội ấy, người có quyền thế, có địa vị thì "miệng nhà quan có gang có thép", họ nói cái gì cũng được cho là đúng nên mang tính áp đặt. Trong gia đình thì "cá không ăn muốn cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư". Do đó, nhất nhất bề dưới phải tuân theo bề trên, không được quyền phản kháng lại vì như thế là trái với đạo lý, bởi phận con gián, cái kiến làm sao cãi được bề trên. Vì thế, trong xã hội ấy không có tranh luận, bởi đã là tranh luận thì phải có sự đối thoại bình đẳng. Sự bình đẳng ấy không chỉ về cấp bậc, tri thức, chân lý mà còn phải bình đẳng về nhân phẩm, đạo đức... Khi thiếu một trong những yếu tố đó thì khó có cuộc tranh luận cởi mở, đúng nghĩa được.
"Thế nhưng, trên thực tế, chẳng riêng gì trong xã hội truyền thống mà ngay cả bây giờ cũng vậy, nhiều khi người lớn, cấp trên vẫn tự cho mình cái quyền áp đặt cấp dưới nên sẽ không có sự dân chủ trong tranh luận. Tâm lý đám đông vẫn còn phổ biến, nhiều người chỉ nói hùa theo kiểu "té nước theo mưa" mà thôi", ông Đức chỉ ra.
|
Tranh minh họa. |
"Anh là ai mà có quyền phát biểu?"
Trong một xã hội mà nền văn hóa đặc trưng theo chủ nghĩa tập thể, lấy số đông làm chuẩn, coi chân lý thuộc về số đông thì nghiễm nhiên yếu tố cá nhân sẽ bị coi nhẹ. Điều này cũng không thể tạo ra văn hóa tranh luận được.
Ông Lê Quý Đức phân tích: "Thời Tự Đức, Nguyễn Trường Tộ đưa ra ý kiến canh tân đất nước nhưng bị triều đình coi thường. Hay khi bắt đầu công cuộc Đổi mới, có người đề cập đến chuyện xây dựng nền kinh tế thị trường thì bị quy cho là theo đường lối tư sản, bị lên án... Rõ ràng, người ta đã không coi trọng yếu tố cá nhân, ý kiến cá nhân, sáng tạo cá nhân.
Việc không coi trọng yếu tố cá nhân cũng sẽ làm hạn chế tranh luận. Vì cùng với tính áp đặt, mệnh lệnh như đã chỉ ra ở trên, việc không coi trọng ý kiến cá nhân khiến cho nhiều khi trong cuộc tranh luận, người ta dễ nghe được câu hỏi: "Anh là ai mà có quyền phát biểu?". Nếu đó không phải là một người có vai vế, có địa vị thì chưa chắc tiếng nói ấy đã được lắng nghe, được tiếp thu - dù nó có đúng, có hợp lý. Thậm chí có khi, ý kiến ấy được chú ý, được ghi lại trong các văn bản nhưng chẳng hề trích nguồn là do ai nói, nói ở đâu mà coi như đó là ý kiến của tập thể, chỉ bởi người phát ngôn không mấy tiếng tăm".
Tạo thói quen biết tranh luận từ đâu?
Theo PGS.TS Lê Quý Đức, tranh luận sẽ tạo động lực cho sự phát triển. Khi chưa có được sự tranh luận đúng nghĩa, cởi mở thì chừng đó, sự phát triển sẽ có những rào cản.
"Giờ ta mới bắt đầu vào xã hội hiện đại nên vẫn mang tàn dư của xã hội nông dân - nông thôn - nông nghiệp, thậm chí cả xã hội phong kiến khi hành xử của một bộ phận quan chức không khác nào những ông quan phong kiến", theo ông Đức.
Vậy làm thế nào để tạo ra thói quen biết tranh luận trong xã hội? Ông Đức cho rằng, đó là một việc làm không hề đơn giản. Ông nhấn mạnh: "Muốn tạo ra thói quen biết tranh luận thì phải tạo được sự bình đẳng giữa những người tranh luận, phải coi trọng yếu tố cá nhân. Một xã hội có thiết chế thì người lãnh đạo bao giờ cũng phải là người tiên phong thực hiện để làm gương cho dân chúng. Chừng nào nhà lãnh đạo, nhà quản lý vẫn còn tâm lý "anh là ai mà có quyền phát biểu?"; chưa tạo ra được nhà nước pháp quyền, xã hội công dân thì chừng đó sẽ không thể có thói quen biết tranh luận, có văn hóa tranh luận".
(Còn tiếp...)
"Tranh luận cũng phải đảm bảo chân, thiện, mỹ, ích; thông qua tranh luận để con người đến với nhau, hiểu nhau, đi đến tiếng nói chung, cùng mở mang kiến thức, góp phần vào sự phát triển. Nếu vi phạm chân, thiện, mỹ, ích, chỉ "cả vú lấp miệng em", coi thường người kém hơn mình thì sẽ không có văn hóa tranh luận".
PGS.TS Lê Quý Đức
An Nhiên