Khối tài sản “khủng” của ông Trần Văn Truyền bị phanh phui thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Sự việc bắt đầu từ cuối năm 2013, báo Người cao tuổi “nổ phát súng” đầu tiên khi đưa tin về khối tài sản khủng của ông Trần Văn Truyền.

Ông Trần Văn Truyền sinh năm 1950 tại Bến Tre. Ông từng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IX, X; Đại biểu Quốc hội khóa X, XII và Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam.
Trước đó, ông cũng từng giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Ông nghỉ hưu vào tháng 9/2011. Và từ tháng 3 đến tháng 8/2011, chỉ 5 tháng trước khi nghỉ hưu, ông Trần Văn Truyền đã bổ nhiệm gần 60 cán bộ cấp vụ và tương đương.
Cuối năm 2013, báo Người cao tuổi “nổ phát súng” đầu tiên đưa tin về khối tài sản khủng của ông Trần Văn Truyền. Theo nội dung mô tả của bài báo, ngoài một số biệt thự, lô đất sở hữu trước đây, ông Trần Văn Truyền đang triển khai một “dự án gia đình” trên lô đất khoảng 30.000m2 (3 héc-ta) tại xã Sơn Đông, TP Bến Tre. Trong khuôn viên đó, ông Truyền đã và đang xây dựng một dinh thự hoành tráng và 4 căn nhà gỗ lợp ngói đỏ, gỗ thuộc nhóm gỗ đặc biệt không dùng đến một cái đinh sắt.
 Căn biệt thự rộng lớn của gia đình ông Truyền ở quê nhà. 
Đáng chú ý hơn, bài báo đó cũng cho hay, theo nguồn tin từ một số cán bộ Thanh tra Chính phủ và cán bộ ở Bến Tre, ông Truyền còn có 3 cơ ngơi ở TP HCM là phường Thảo Điền (Quận 2), ở Quận 5, ở khu đô thị “5 sao” Phú Mỹ Hưng do người thân đang quản lí, sử dụng. Và cũng xuất hiện tin đồn rằng cái giường “đặc biệt” của vợ chồng ông Truyền có giá trị khoảng nhiều tỉ đồng…
Ngay sau khi những thông tin này được đăng tải, ông Trần Văn Truyền đã lên tiếng trước báo giới. Khi đó, ông Truyền cho hay: “Tôi đã đọc bài báo nói về tôi. Tôi xác định rất nhiều thông tin trong bài báo đó không chính xác. Không hiểu người viết có dụng ý gì đó mà đưa ra suy luận rất không tốt như vậy”.
Dù ông Trần Văn Truyền đã lên tiếng thanh minh về nguồn gốc khối tài sản nêu trên, nhưng mới đây, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã có thông cáo báo chí về kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà, đất đối với ông và có đề ra phương án thu hồi nhà, đất của ông.
Tài sản “nổi” của ông Truyền “khủng” ra sao?
Về cơ ngơi, ngôi dinh thự tại ấp 3, xã Sơn Đông, Bến Tre xây cất trên diện tích xây dựng hơn 16.000 m2 trong tổng diện tích chung lên đến 30.000 m2. Trong khuôn viên dinh thự này còn có một số gian nhà cổ làm bằng gỗ sưa là một loại gỗ quý hiếm, ngoài ra về kiến trúc thì Cổng chính đi vào dinh thự và dự án gia đình có màu sắc như sơn son thếp vàng.
Về nguồn gốc, căn biệt thự trước đây Tỉnh ủy Bến Tre đặc biệt cấp cho ông Trần Văn Truyền lúc còn làm Bí thư Tỉnh ủy ở Trung tâm phường 1, Bến Tre rộng chỉ chừng 300m2 vốn đây là trụ sở Hội Văn hóa nghệ thuật tỉnh bị cưỡng chế đập đi để xây biệt thự cho ông Trần Văn Truyền và hiện nay đã cho doanh nghiệp tư nhân thuê.
Ngoài ra, ông Trần Văn Truyền còn có 3 cơ ngơi ở TP HCM tại phường Thảo Điền (Quận 2), Quận 5 và khu đô thị Phú Mỹ Hưng do người thân đang quản lý, sử dụng. Người ta còn đồn rằng cái giường "đặc biệt" của vợ chồng ông có giá trị nhiều tỷ đồng
Lý giải về khối tài sản của mình đang khiến dư luận băn khoăn, ông Trần Văn Truyền nói với Tri Thức Trẻ: “Thứ nhất, thông tin về căn "biệt thự" thì đúng là tôi có xây nhưng đó là căn nhà được dựng trên đất của con tôi mua từ lâu rồi”. Cũng theo ông Truyền, đồ đạc trong nhà là do ông tích cóp rất nhiều năm nay, cộng thêm các anh chị em mỗi người cho một chút, giờ làm nhà rồi thì ông mang đồ đạc đến. “Cái giường ngủ của vợ chồng tôi cũng bình thường chứ lấy đâu ra vài tỉ đồng”, ông Truyền nói tiếp.
Theo vị cựu Tổng Thanh tra Chính phủ này, diện tích đất nhà ông chỉ khoảng hơn 1 hecta. Khu đất này do ngày trước người ta để hoang hóa, con trai ông mua được với giá rẻ. “Tôi về, tôi mới trồng cây, gây dựng thành một cái vườn như ngày nay. Vậy mà có thông tin là đất nhà tôi rộng 30.000m2 thì tôi không hiểu lấy ở đâu ra?”, ông Truyền nói.
Trên báo chí, Phó Chủ tịch tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng cũng lên tiếng xác nhận miếng đất rộng 1 hecta đó đã được con trai của ông Truyền mua từ lâu. “Hồi đó con ông Truyền mua là đất ao, đầm. Sau đó, ông Truyền về mới cải tạo lại để trồng chuối và cọ dầu”, ông Trọng khẳng định.
Lý giải về tiền để xây ngôi biệt thự trên mảnh đất này, chị Trần Thị Ngọc Huệ, con gái ông Truyền cho hay trên Tri Thức Trẻ: “Ba tôi có người em kết nghĩa ở quận 9, người này có xây cho ba một ngôi nhà nhưng ba không ở sau đó cô xuống dưới này thấy cuộc sống vất vả nên biếu ba một số tiền để ba làm nhà đó”.
Trong khi đó, trả lời báo chí khi được hỏi về thông tin ngôi nhà cấp 4 đất rộng 200m2 trước cổng chùa Bạch Vân, phường 5, TP Bến Tre gia đình ông Truyền vẫn cho thuê, Phó Chủ tịch tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng cho biết, căn hộ này ông Truyền đã trả lại tỉnh và hiện nay tỉnh đang cho Trung tâm thẩm định giá miền Nam thuê. Ông Trọng cũng cho hay ông đã từng vào ngôi nhà của ông Truyền ở xã Sơn Đông và thấy đồ đạc trong nhà cũng bình thường và “đâu có chiếc giường quý nào như phản ánh đâu”.
Khối tài sản của ông Truyền bị phanh phui như thế nào?
Ngày 12/ 6/2014, trong kỳ họp thứ 7 – Quốc hội khóa XIII, khi được hỏi về khối tài sản khổng lồ phát hiện ra sau khi Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền về hưu, ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng thanh tra Chính phủ hiện thời, cho biết hiện nay chưa có quy định về việc kê khai tài sản đối với cán bộ đã về hưu, mà chỉ có việc kê khai tài sản đối với cán bộ đương nhiệm. Với trường hợp này, khi còn đương nhiệm, ông Trần Văn Truyền đã thực hiện kê khai đầy đủ, không có dấu hiệu thiếu trung thực.
Ngày 24/7/ 2014, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã điều động cán bộ đến kiểm tra và xác minh tài sản của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. Thời gian làm việc của đoàn kéo dài 90 ngày.
Đến ngày 21/11/2014, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố kết luận ông Truyền có sai phạm và kiến nghị thu hồi nhà cửa, đất đai đã vi phạm luật của ông.
Kết luận này ghi rõ, đồng chí Trần Văn Truyền là cán bộ xuất thân từ gia đình có công với cách mạng, có quá trình cống hiến lâu dài, đảm nhiệm nhiều chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở địa phương và cơ quan Trung ương, có những đóng góp thiết thực trong công tác xây dựng Đảng và chính quyền trên các cương vị và chức trách, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trong thời gian còn đương chức và khi về nghỉ hưu, đồng chí đã có một số khuyết điểm, vi phạm trong thực hiện chính sách nhà, đất. Theo đó, văn bản kết luận nêu rõ 6 sai phạm liên quan tới nhà cửa, đất đai của ông Truyền. Văn bản cũng cho biết, một số cơ quan chức năng đã làm sai khi không thực hiện lệnh thu hồi một số tài sản là nhà, đất của ông Truyền.
Ngày 23/11, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Nguyễn Thành Phong cho biết, mặc dù chưa nhận được kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương về sự vụ này nhưng tỉnh Bến Tre đã có động thái tích cực, xử lý nghiêm các vi phạm. Cụ thể, UBND tỉnh cũng đã có quyết định thu hồi thửa đất 598B5 Nguyễn Thị Định (phường Phú Khương, TP Bến Tre). Tỉnh Bến Tre đã có quyết định thu hồi thửa đất 598B5 và chuẩn bị tháo dỡ căn nhà tạm (hiện đang sử dụng làm đại lý bia). “Chúng tôi kiên quyết tháo dỡ căn nhà kho trả lại hiện trạng ban đầu. Các cá nhân sai phạm liên quan đến sự vụ này như đã nêu sẽ phải kiểm điểm xử lý nghiêm khắc”, ông Phong cho biết. Theo ông Phong, dự kiến ngày 26/11, UBKTTƯ sẽ đến tỉnh Bến Tre để công bố kết luận nêu trên.
Minh Hiếu (Tổng hợp)

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

T T Cương -

Thông báo của UBKT TW đã phần nào củng cố niểm tin của nhân dân đối với Đảng. rất mong BBT kiên quyết xử lý nghiêm đối với T V Truyền để làm gương cho những người khác.

Lý Khuất Tất -

Mấy hôm nay báo đăng tin oan cho ông Truyền quá . Ông Truyền về hưu mới xây biệt thự chứ đâu phải lúc còn đương thời đâu. Còn nguồn góc tài sản bà con đừng thắc mắc nữa

. Trước khi về hưu ông Truyền ký quyết định cho 60 người. Một người 2tỷ vậy 2 tỷ x 60 người = 120 tỷ vậy mà cũng thắc mắc. Các vị chạy tiền ở đâu ra khi yên vị thì các vị này phải tham nhũng mới lấy lại số tiền đó và hơn nữa ...thì thành hệ thống tham nhũng đó là mới ngành kiểm tra, còn các ngành khác nữa. vậy hỏi sau tình trạng tham nhũng hạn chế được. Bà con mình ai cũng biết Nhà quan chức từ xã, huyện, Tỉnh nhà người nào không giàu. Hỏi với lương như vậy thì ở đâu ra hay là chị kết nghĩa, em kết nghĩa, cô kết nghĩa, chú kết nghĩa ... tặng

hoàng hoa đình -

Nếu ông Truyền tự giác nhận lỗi và nộp lại tài sản đã tham nhũng thì không điều tra tội nhận hối lộ của ông Truyền.

D.Ha -

Đã phanh phui thì làm cho tôi bến luôn chứ hả mấy ông (bà) nhà báo. Trong nguồn máy hiện nay, chắc chắn là không phải chỉ có duy nhất 1 vụ này. Đồng ý chứ. Hoan hô mấy ông (bà) nhà báo.

Thanh HÀ -

(Theo ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng thanh tra Chính phủ hiện thời: khi còn đương nhiệm, ông Trần Văn Truyền đã thực hiện kê khai đầy đủ, không có dấu hiệu thiếu trung thực.)

Họ bao che nhau cho đến lúc không thể bao che được nữa, đó gọi là tình đồng chí

Hiển thị thêm bình luận