Gần đây tại nhiều địa phương trong cả nước thường xảy ra các vụ trọng án vô cùng nghiêm trọng mà kẻ gây án lại là những bệnh nhân tâm thần.
Bỗng dưng gây án
Cho đến ngày gây ra vụ thảm sát rúng động dư luận cả nước, Vũ Văn Đản (39 tuổi, trú thôn Phú Vinh, xã Ia Băng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) vẫn được bà con chòm xóm đánh giá là người hiền lành, sống biết điều và rất tình nghĩa với xóm giềng. Đùng một cái, vào một ngày cuối tháng 8.2015, sau khi có chút hơi men, Đản nói vợ qua nhà hàng xóm mượn tiền để đi chữa bệnh nhưng chị không đồng ý. Chẳng nói chẳng rằng, Đản chạy vào bếp tìm dao chém trọng thương vợ. Sau đó, Đản chạy vào khu vực rẫy gần nhà, lạnh lùng “xuống tay” khiến bà Nguyễn Thị Ngọc Liên (41 tuổi, quê Bình Định, là người làm rẫy thuê) gục trên vũng máu.
|
Gia đình bệnh nhân tâm thần cần phải tích cực sát cánh cùng cơ sở y tế chăm sóc, điều trị cho người bệnh. |
Rồi thoáng thấy ông Đặng Đình Vấn (57 tuổi, người địa phương), kẻ điên loạn chạy đến, bổ một nhát dao oan nghiệt vào đầu khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Chưa dừng lại ở đó, trong cơn say máu, Đản còn lao sang truy sát cả gia đình em vợ, tước đi mạng sống của cháu Vũ Thị Vân (8 tuổi) và người mẹ là Lê Thị Thơm (33 tuổi). Ngay sau vụ thảm án, Vũ Văn Đản đã bị bắt, song tội ác y gây ra cho xã hội không biết đến bao giờ mới gột rửa hết. Điều đáng nói, ít ai biết rằng, trước khi gây án, Đán có những biểu hiện tâm thần không bình thường, khả năng nhận thức bị hạn chế.
Tương tự, Nguyễn Văn Hùng (53 tuổi, ở thôn Mỹ Cầu, xã Tân Mỹ, thành phố Bắc Giang) khiến dư luận “sốc” vì mức độ tàn bạo, mất hết tình người của hành vi phạm tội. Vốn mắc bệnh tâm thần từ lâu, Hùng được người anh trai là Nguyễn Văn Thái hết mực thương yêu, chăm sóc. Thế nhưng, không rõ cơn cớ thế nào, đêm 22.8.2015, Hùng bỗng nổi cơn tâm thần, sử dụng búa bổ củi vô cớ tước đi mạng sống của anh trai mình.
Tối 11.12.2015, tại một quán hủ tiếu ở khu phố 2, thị trấn Bến Cầu, huyện Bến Cầu, Tây Ninh, các khách hàng đang uống, trò chuyện rôm rả thì bất ngờ Đỗ Thị Bơ (37 tuổi, nhà ở khu phố 3, thị trấn Bến Cầu) - tay cầm dao xộc thẳng vào quán. Anh Hoàng Anh - một thực khách - bị Bơ chém liên tục vào người. Chỉ đến khi nhiều người ập vào bắt giữ kẻ điên loạn thì nạn nhân mới được chuyển đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh. Người dân địa phương cho biết, trước khi chém nạn nhân Hoàng Anh, Bơ đã nhiều lần vô cớ “gây chuyện” và cách thời điểm gây án chưa lâu, thị đã vô cớ chém một người tham gia giao thông khiến người đi đường hoảng loạn.
Trên đây chỉ là 3 trong số rất nhiều vụ trọng án mà thủ phạm là người mắc bệnh tâm thần gây ra. Theo một bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm, người mắc bệnh tâm thần thể hoang tưởng rất dễ có khả năng gây án. Nhiều nhất trong số này là mắc chứng hoang tưởng ghen tuông hoặc hoang tưởng bị truy hại. Hai dạng hoang tưởng này thường kéo dài một cách dai dẳng và gây ra nhiều vụ việc khó lường mà đối tượng gánh chịu hậu quả thường là những người sống gần người bệnh. Trên thực tế, có rất nhiều vụ án giết người dã man mà nguyên nhân hết sức vô lí như trường hợp kể trên. Có trường hợp, một người em mắc bệnh tâm thần chờ anh trai ngủ, đập chết anh, rồi khoe khắp nơi mình là… Võ Tòng vừa “đả” xong con hổ. Hay con dâu thấy mẹ chồng ngủ trưa há miệng, khoái chí lấy phích nước sôi dội luôn vào… miệng mẹ chồng. Thậm chí, có vụ một bệnh nhân tâm thần trốn khỏi bệnh viện ra ngoài, vừa hô “xung phong” vừa chém liền một lúc vài người đi đường...
|
Người mắc bệnh tâm thần lang thang cần được coi là nguồn nguy hiểm cao độ cho xã hội. |
Ranh giới mong manh giữa người bệnh và tội phạm
Có một câu chuyện đã được liệt vào dạng “kinh điển” nói về ranh giới mong manh giữa người mắc bệnh tâm thần và tội phạm, đại ý: Một bà mẹ đơn thân có đứa con trai đẹp đẽ, sáng sủa, đang ở độ tuổi “bẻ gãy sừng trâu” nhưng mắc chứng tâm thần hoang tưởng từ nhỏ. Mỗi khi đêm về, cậu sử dụng một sợi xích to tướng, cuốn làm nhiều vòng rồi khóa cửa phòng riêng lại để đề phòng bị… mẹ giết trong lúc ngủ. Đến một ngày, hiểm hoạ xảy ra. Người mẹ tội nghiệp bị chính đứa con rứt ruột đẻ ra hạ sát trong cơn vô thức.
Kể ra câu chuyện trên là muốn nói rằng, người ta thường “quy kết” rằng, do xã hội phát triển, mức độ làm việc căng thẳng nên người ta dễ bị rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, không ít người cả đời chưa bao giờ biết một chữ, làm nghề nông cuốc đất, gặt lúa cũng mắc phải chứng bệnh này và khá nhiều người mắc bệnh từ nhỏ. Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm khi người tâm thần gây án? Đó là một câu hỏi đến nay vẫn chưa có lời đáp. Ai cũng biết, mục đích cuối cùng của các hình phạt được quy định trong Bộ luật Hình sự là nhằm răn đe, giáo dục người phạm tội. Nhưng đó chỉ là với người bình thường, còn đối với người tâm thần thì hình phạt sẽ trở nên vô nghĩa. Và, như thế đồng nghĩa với việc những tội ác do người tâm thần gây ra không thể ngăn chặn được bằng hình phạt. Một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để hạn chế những vụ án đau lòng do người bệnh tâm thần gây ra là người tâm thần phải được phát hiện bệnh sớm và phải được điều trị, chữa bệnh kịp thời.
Theo tiến sĩ Ngô Thanh Hồi - một chuyên gia nổi tiếng trong chuyên ngành tâm thần - thần kinh, có rất nhiều thể tâm thần nhưng những người tâm thần gây án thường thuộc thể tâm thần phân liệt dạng hoang tưởng. Thể này khó phát hiện, khó chữa trị vì đây là bệnh mãn tính. Tuy nhiên, nếu được điều trị kịp thời thì sẽ hạn chế được chứng hoang tưởng ở người bệnh, vì thế sẽ tránh được những hậu quả đáng tiếc xảy ra. “Tâm thần phân liệt là bệnh mãn tính nên người bệnh sau khi ổn định vẫn phải dùng thuốc, thậm chí phải dùng thuốc cả đời. Vì thế, quan niệm “ổn định” là “khỏi bệnh” là một quan niệm sai lầm. Sự lơ là trong điều trị của chính người bệnh và gia đình họ cũng là một trong những nguyên nhân của những vụ án đau lòng do người tâm thần gây ra...”, tiến sĩ Hồi nhấn mạnh.
Như vậy, có thể hiểu một cách đơn giản là khi đưa ra kết luận “ổn định” cho một người bệnh tâm thần và trả họ về gia đình có nghĩa bệnh viện phải bảo đảm người đó không còn gây nguy hiểm khi tái hoà nhập cộng đồng, ít nhất thì những suy nghĩ lệch lạc cũng không còn nữa. Trách nhiệm của bệnh viện đến đó tạm coi là dừng lại, trách nhiệm tiếp theo thuộc về cán bộ y tế cơ sở và gia đình bệnh nhân. Nhưng, hiện nay, mối quan hệ giữa cơ sở y tế địa phương với gia đình bệnh nhân không phải luôn chặt chẽ như mong muốn. Một thống kê sơ bộ cho thấy, ở nước ta chỉ có vài phần trăm trong tổng số bệnh nhân tâm thần được nằm viện, số còn lại sống trong gia đình, giữa cộng đồng và rất nhiều người trong số họ trở thành mối lo của cộng đồng. Có thể thấy rõ kết luận này nếu lật lại vụ án “bỗng dưng chém người” mà bệnh nhân tâm thần Đỗ Thị Bơ là tác giả. Do ở Tây Ninh chưa có trung tâm giữ người tâm thần, nên Chi cục Bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh phải liên hệ với trung tâm ở Tiền Giang xử lý giúp, song trong lúc hồ sơ, thủ tục chưa được xử lí dứt điểm thì vụ án đã xảy ra.
Còn “lỗ hổng” về luật?
Thông thường, thoáng thấy bóng dáng người mắc bệnh tâm thần là người ta có cảm giác muốn xa lánh, xua đuổi. Nhưng có hiểu tình cảnh của từng thân phận, từng nguyên nhân dẫn đến tâm thần, mới thấy cần phải thương cảm và chia sẻ với họ hơn. Bởi những người tâm thần khi tỉnh táo đều bày tỏ nỗi khát khao được trở về cuộc sống bình thường với những người thân của mình, khao khát được sống bình thường như tất cả mọi người.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là vì “thương” mà cứ để người mắc bệnh tâm thần vô tư lang thang ngoài xã hội. Về vấn đề này, trao đổi với báo giới, luật sư Đặng Thị Nhung - Công ty Luật TNHH Nguyễn Đỗ và cộng sự - cho biết, hiện nay đang có sự lơ là trong việc quản lý người tâm thần, dẫn đến những vụ việc thương tâm do người bị tâm thần gây án ngày càng gia tăng. Trong khi đó, pháp luật Việt Nam chưa có quy định về việc yêu cầu chữa bệnh bắt buộc đối với người bị bệnh tâm thần trong trường hợp họ còn chưa có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Từ tình hình đó, cũng có thể hiểu rằng, phần lớn bệnh nhân tâm thần được tự do, không ai quản lí hoặc quản lí lỏng lẻo và dĩ nhiên, khó kiểm soát được sẽ xảy ra chuyện gì.
Rõ ràng, “giải pháp tối ưu” nhằm ngăn chặn tình trạng người tâm thần gây án xảy ra càng nhiều như hiện nay là các cơ quan chức năng khi nhận được phản ánh từ nhân dân về trường hợp người bệnh tâm thần cần có những biện pháp tích cực, phối hợp tổ chức kịp thời đưa người bệnh vào các trung tâm thích hợp để điều trị. Để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra, trên hết, gia đình bệnh nhân cần phải tích cực sát cánh cùng các tổ chức xã hội chăm sóc, điều trị cho người bệnh. Làm được điều ấy là họ đã thể hiện được trách nhiệm đối với người thân của mình và hơn hết là giúp xã hội loại trừ hậu quả đáng tiếc do những hành vi mà người mắc bệnh tâm thần gây nên.
Về phía mặt quản lí Nhà nước, các cơ quan chức năng cần nhận thức được rằng, những người mắc bệnh tâm thần vốn bị rối loạn hoang tưởng ảo giác nên thường có những hành vi rất nguy hiểm không thể lường trước. Vì thế, nói theo cách của bà Trịnh Thị Thanh Bình - ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cần phải coi những người bị tâm thần như nguồn nguy hiểm cao độ và có sự quản lí chặt chẽ, quan trọng hơn, xã hội cần quan tâm hơn tới họ…
Theo Lao động