Nghi án người khỏe mạnh bị... ép trở thành bệnh nhân tâm thần
Người bị "ép" thành bệnh nhân tâm thần là doanh nhân Nguyễn Sơn Hải (SN 1975, trú tại Hà Nội), Phó tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Phú và nhiều nhân viên trong doanh nghiệp dưới quyền mình. Anh Hải chìa cho chúng tôi xem giấy tờ của bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc và bệnh viện Đại học Y Hà Nội mà anh vừa đến khám. Cả hai bệnh viện này đều kết luận, sức khoẻ tâm thần của anh Hải là bình thường. “Hàng ngày, anh Hải tham gia vào hoạt động doanh nghiệp, lo lắng giải quyết công ăn việc làm cho anh em. Vậy mà, không hiểu vì lý do gì mà bệnh viện Tâm thần Trung ương I lại đưa anh Hải vào điều trị trong suốt 38 ngày (từ 31/1/2015 đến 6/3/2015), khiến cuộc sống của người đàn ông này bị đảo lộn, uy tín bị giảm sút nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty”.
|
Luật sư Nguyễn Hồng Bách. |
Luật sư Nguyễn Hồng Bách kể câu chuyện của thân chủ mình cho chúng tôi nghe. Theo đó, khoảng 22h ngày 31/1/2015, anh Nguyễn Sơn Hải đi làm về nhà (tại 119 phố Huế, phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), thì phát hiện có nhiều người lạ mặt ngồi uống nước gần đó. Trong lúc anh Hải mở cửa nhà, bất ngờ bị 5 đối tượng này ập đến khống chế, cưỡng ép đưa lên chiếc ô tô 7 chỗ, phóng nhanh vào bóng đêm mù mịt. Anh Hải hoang mang không biết mình bị chở đi đâu và vì lý do gì. Chỉ đến khi chiếc xe ô tô vào trong bệnh viện Tâm thần Trung ương I, anh Hải mới biết mình được bàn giao cho Bệnh viện, nhưng không ai giải thích rõ lý do.
Ngồi bên cạnh LS Bách, doanh nhân Hải cho biết: “Liền sau đó, tôi gần như bị giam lỏng và cưỡng ép tiêm thuốc mà không được biết là loại thuốc gì, khiến cơ thể tôi mệt mỏi, mê man. Trong những ngày bị “bắt giữ”, những khi tôi mệt mỏi, Bệnh viện trói toàn bộ tay chân, ép buộc ăn bằng cách đưa thức ăn qua ống xông xuống dạ dày”.
Liên tục bị trói giữ và tiêm thuốc, cơ thể anh Hải gần như kiệt sức và hoảng loạn. Anh nhiều lần yêu cầu Bệnh viện phải giải thích và thả mình ra, nhưng đều bị từ chối. Mọi tài sản và thiết bị liên lạc của anh Hải mang theo người gồm: tiền mặt, 2 máy Ipad, 2 điện thoại Iphone 6 và 2 điện thoại Iphone 4... đều bị bệnh viện thu giữ. Mãi tới ngày 6/3/2015, tức là sau 38 ngày "nằm viện", anh Hải mới được bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho xuất viện.
Doanh nhân Nguyễn Sơn Hải bày tỏ nỗi bức xúc: “Việc nhóm người lạ mặt bắt giữ tôi, đưa vào bệnh viện tâm thần Trung ương I là có tổ chức, coi thường pháp luật. Hành động này khiến một người hoàn toàn bình thường như tôi phải chịu cảnh chung sống với hàng trăm người bệnh trong tình trạng tâm thần không ổn định và có thể bị nguy hiểm đến tính mạng bất cứ lúc nào”.
Doanh nhân Hải cho biết thêm, sau 38 ngày điều trị, bệnh viện tâm thần Trung ương I kết luận anh bị mắc chứng “rối loạn phân liệt cảm xúc loại hỗn hợp F25.2”. Vì không tin tưởng vào kết luận nói trên, trong các ngày 9/4/2015 và 10/4/2015, anh Nguyễn Sơn Hải đã tới Phòng khám số 1 bệnh viện đại học Y Hà Nội và bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để kiểm tra sức khoẻ tâm thần. “Sau khi tiến hành các xét nghiệm cần thiết, hai bệnh viện đều kết luận sức khoẻ tâm thần của tôi là bình thường, tức là trái ngược với chẩn đoán của bệnh viện Tâm thần Trung ương I”.
Âm mưu hại người có tổ chức?
Kể lại câu chuyện “có một không hai” này, LS Nguyễn Hồng Bách cho rằng, việc anh Nguyễn Sơn Hải bị ép đi điều trị tại bệnh viện tâm thần Trung ương I trong khi doanh nhân này hoàn toàn khoẻ mạnh có dấu hiệu của tội bắt giữ người trái pháp luật theo điều 123 Bộ luật Hình sự...?!
Đã nhiều năm làm việc với doanh nhân Hải, LS Bách khẳng định: Anh Hải là người hoàn toàn bình thường, khoẻ mạnh, hiện là Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Công nghiệp Thiên Phú, hàng ngày tham gia hoạt động quản lý công ty. Không hiểu vì lý do gì, 5 đối tượng lạ mặt cưỡng ép anh lên xe ô tô và bàn giao cho bệnh viện Tâm thần Trung ương I điều trị. Rõ ràng, hành vi bắt giữ và điều trị bệnh cho anh Hải có nhiều dấu hiệu mờ ám, động cơ thiếu trong sáng...?! LS Bách phân tích: Anh Hải chưa có bất kỳ kết luận khám chữa bệnh nào có liên quan đến việc mắc bệnh tâm thần ở trạng thái kích động hay trầm cảm, lại càng không có hành vi tự sát hay gây nguy hiểm cho người khác.
Theo điều 58 Luật Khám bệnh, chữa bệnh, quy trình nhập viện để điều trị nội trú phải do người hành nghề thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định; hay có giấy chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác. “Anh Hải không có bất kỳ chỉ định điều trị nội trú của ai trước khi bị bắt và trước đó cũng không khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh nào.".
Từ những lập luận trên, LS Nguyễn Hồng Bách nghi ngờ trong sự vụ này có nhìêu điều mờ ám, nhằm hãm hại sức khoẻ, danh dự cũng như uy tín của doanh nhân Nguyễn Sơn Hải. Ngoài ra, sau khi ra viện, anh Hải tố cáo bị mất 1 chiếc điện thoại Iphone 4. Nếu đó là sự thực, hành vi này cũng có thể cấu thành tội trộm cắp tài sản theo điều 138 Bộ luật Hình sự.
Một diễn biến khác, doanh nhân Nguyễn Sơn Hải còn có đơn tố cáo bác sỹ M.T. làm việc tại Viện sức khoẻ tâm thần có liên quan mật thiết đến chuyện anh bị đưa đi điều trị tại viện Tâm thần Trung ương I. Theo đó, vào tháng 12/2013, doanh nhân Hải phát hiện người giúp việc của gia đình đã lén lút trộn thuốc an thần vào cơm và nước sinh tố, cho anh Hải uống liên tục trong 3 tháng trước đó, khiến cho tinh thần anh luôn trong tình trạng căng thẳng và hoảng loạn. Sau khi phát hiện, anh Hải yêu cầu người giúp việc giải thích và được trả lời: “Bác sỹ M.T. là người khuyên người nhà trộn thuốc vào cơm và nước sinh tố để cho anh Hải uống...?!”.
Theo nhiều người trong doanh nghiệp và bạn hàng nhận xét, doanh nhân Nguyễn Sơn Hải là người hoàn toàn khoẻ mạnh, không có biểu hiện của người mắc bệnh tâm thần. Không hiểu vì lý do nào đó, doanh nhân này lại bị người ta cưỡng ép đi chữa bệnh tâm thần...?! Bản thân doanh nhân Hải đang nghi ngờ vị bác sỹ kia có liên quan đến hành vi cưỡng ép này. Chính vì vậy, anh Hải đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng, đề nghị làm sáng tỏ.
Theo lời LS Bách, hiện doanh nhân Hải đang hết sức lo lắng, sợ lại bị kẻ xấu hãm hại, đưa vào Bệnh viện điều trị bệnh tâm thần. Để đảm bảo tính mạng, sức khoẻ và tương lai của mình lẫn doanh nghiệp, rất nhiều nhân viên dưới quyền đã tự nguyện làm vệ sỹ cho "sếp" Hải. LS Bách mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc, làm sáng tỏ sự vụ “người khỏe mạnh bị biến thành người điên”.
Điều 123 Bộ luật Hình sự: “1) Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 2) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn. 3) Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm”.
Theo Phan Tuấn/Đời sống pháp luật