"Ở ta lâu nay hình ảnh cán bộ lãnh đạo, quản lý được đóng khung trong cái dáng đạo mạo, com-lê, cà vạt chỉnh tề, xuống cơ sở thậm chí phải báo trước cả tuần để họ chuẩn bị. Người ta quen với tác phong từ thời bao cấp rồi nên mới đẻ ra bệnh chuộng hình thức, bệnh quan liêu cố hữu, ngại xuống cơ sở hoặc có xuống thì chọn nơi nào "lành", ít có sự phản ứng, được đón tiếp nhiệt tình...", GS.TS Dương Phú Hiệp, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương trao đổi với Kiến Thức.
Gần dân lợi lắm!
- Theo ông thì điều gì tạo nên vị thế của người lãnh đạo, quản lý?
- Người lãnh đạo, quản lý được chia làm ba mức: Mức cấp cao, cấp trung bình và cấp thấp (cơ sở). Tuy nhiên, dù ở mức nào thì họ phải đảm bảo được các tiêu chí: Đầu tiên, phải có tầm nhìn vừa xa (tầm chiến lược) lẫn tầm nhìn gần. Từ tầm nhìn đó, anh phải vạch ra được chiến lược, sách lược, nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể phù hợp với chức năng, lĩnh vực của mình.
Theo đó, tầm trung phải cụ thể hóa được mục tiêu, nhiệm vụ của tầm cao; tầm cơ sở cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ của tầm trung. Sau cùng là khâu tổ chức thực hiện, phải vận động được các cơ quan, đoàn thể, cá nhân trong lĩnh vực mình quản lý thực hiện những nhiệm vụ, mục tiêu đề ra chứ không phải vạch ra để đấy. Do vậy anh phải xuống cơ sở, càng xuống nhiều càng tốt.
- Sở dĩ tôi hỏi ông câu trên vì có ý kiến cho rằng đã là lãnh đạo thì phải lo những việc xứng tầm, còn những việc nhỏ, ở cơ sở chỉ cần thông qua cấp dưới là được?
- Người đưa ra ý kiến đó cũng có cái lý của họ. Tuy nhiên, tôi cho rằng, một người quản lý, lãnh đạo mà chỉ ngồi phòng điều hòa, không chịu xuống cơ sở để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân thì đó là một người quản lý, lãnh đạo kém. Bởi như Lê-nin đã từng nói, lãnh đạo là phải nắm được tâm trạng của quần chúng, không thể quần chúng nghĩ một đằng lãnh đạo làm một nẻo.
|
GS.TS Dương Phú Hiệp, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương. |
- Nghĩa là bây giờ, để đánh giá một người lãnh đạo có tốt hay không thì phải căn cứ vào việc họ có chịu xuống cơ sở?
- Thực ra, đó chỉ là một trong ba tiêu chí như ở trên tôi phân tích. Nhưng rõ ràng, khi lãnh đạo xuống cơ sở thì sẽ có cái lợi là nắm được tâm tư quần chúng, từ đó sẽ biết gắn lợi ích của họ với Nhà nước, với
Đảng, đồng thời sẽ xử lý công việc cho phù hợp. Dĩ nhiên, việc xuống cơ sở ấy phải là thực chất chứ không phải đi sâu sát mà chẳng hiểu được gì, để tránh tình trạng có người xuống cơ sở chỉ để đánh bóng tên tuổi của mình.
- Nhưng dù có muốn hay không thì việc cán bộ lãnh đạo, quản lý xuống cơ sở cũng có cái tiếng là gần dân, gây được thiện cảm trong dân chúng đấy chứ?
- Thì rõ rồi. Gần dân nhiều cái lợi lắm!
Ngại gần dân vì không thích nghe sự thật
- Rõ ràng, việc xuống cơ sở có nhiều cái lợi như thế mà sao người ta không làm nhỉ?
- Là bởi, bệnh quan liêu ở ta đã nặng quá rồi. Cứ tưởng nó chỉ tồn tại trong thời bao cấp, vậy nhưng đến giờ mãi vẫn không bỏ được. Thêm nữa là bây giờ, một bộ phận cán bộ làm công tác lãnh đạo, quản lý ngại tiếp xúc với dân vì không muốn nghe sự thật. Cũng phải thôi, khi mà lòng dân ở đâu đó vẫn chưa yên, vẫn còn bức xúc về nhiều vấn đề của xã hội mà gặp cán bộ lãnh đạo, người ta sẽ thể hiện ra thôi. Và nhiều người không thích điều đó. Cứ thế, khoảng cách giữa người dân với cán bộ càng xa.
- Và trong bối cảnh đó, chuyện một ông bộ trưởng xuống tận hiện trường vụ tai nạn để chỉ đạo khắc phục, an ủi, chia sẻ cùng thân nhân người bị nạn cũng được nhìn nhận như một hình mẫu cán bộ mẫu mực?
- Đúng vậy. Nhưng cũng phải bình tĩnh để xem việc làm của ông
bộ trưởng ấy thế nào, nó là hình thức hay thực chất, tức là phải xem đi kèm với việc gần dân thì ngành của ông bộ trưởng có thay đổi, chuyển biến gì không.
- Điều gì tạo nên cái tầm của người lãnh đạo, quản lý, thưa ông?
- Đòi hỏi trước tiên là họ phải có kiến thức, nếu không thì tầm nhìn sẽ ngắn. Kiến thức ở đây không chỉ trong sách vở mà còn là cuộc sống, rồi kiến thức ở cả trong nước và thế giới. Bây giờ hội nhập rồi, nếu không hiểu được ở ngành mình, lĩnh vực mình phụ trách, trên thế giới người ta làm thế này chứ không phải làm thế kia, họ áp dụng công nghệ nào rồi... thì sẽ chậm tiến ngay. Còn trong nước thì phải nắm sâu, hiểu rõ được ngành của mình. Mà muốn vậy thì phải sâu sát với dân thôi. Thứ nữa, họ phải có quan hệ tốt với cả cấp trên, cấp dưới và quan hệ này cần phải được xây dựng trên cơ sở nền tảng đạo đức, pháp luật chứ không phải bằng chạy chọt, ô dù.
- Theo ông thì giữa việc sâu sát với dân và những văn bản "trên trời" như thời gian qua có mối liên hệ nào không?
- Dĩ nhiên là có chứ. Họ chỉ ngồi trong phòng máy lạnh ra văn bản thì làm sao mà không tránh khỏi chuyện "trên trời" được.
"Mưu" thì ít mà "tham" thì nhiều
- Như lúc đầu ông nói, lãnh đạo, quản lý được chia làm ba mức. Vậy thì việc gần dân này có sự phân chia mức nào không, chứ có ý kiến cho rằng hàm bộ trưởng mà phải đi đến tận xã, thôn thì e là mất đi cái uy lãnh đạo?
- Đấy, ở ta lâu nay hình ảnh cán bộ lãnh đạo, quản lý được đóng khung trong cái dáng đạo mạo, com-lê, cà vạt chỉnh tề, xuống cơ sở thậm chí phải báo trước cả tuần để họ chuẩn bị. Người ta quen với tác phong từ thời bao cấp rồi nên mới đẻ ra bệnh chuộng hình thức, bệnh quan liêu cố hữu, ngại xuống cơ sở hoặc có xuống thì chọn nơi nào "lành", ít có sự phản ứng, được đón tiếp nhiệt tình... Chứ xuống cơ sở, gần dân thì cấp nào cũng phải làm và phải coi đó là phẩm chất của người lãnh đạo.
- Nhưng lãnh đạo, quản lý càng lên cao thì càng có những cánh tay nối dài là những người, cơ quan giúp việc cho họ rồi đấy thôi? Bây giờ mà ông vẫn phải xuống tận cơ sở thì có vẻ như ông chẳng tin mấy vào thuộc cấp của mình?
- Đúng là ở ta có khâu trung gian giữa lãnh đạo với nhân dân, nếu khâu trung gian làm tốt thì lãnh đạo chẳng cần phải xuống tận cơ sở làm gì. Nhưng ở ta khâu trung gian nhiều quá. Người ta vẫn có câu cán bộ tham mưu nhưng "mưu" thì ít mà "tham" thì nhiều. Rồi thì bệnh giả dối nhiều quá, nội bộ đấu đá, trên dưới dối trá. Người ta báo cáo lên lo làm vừa lòng thủ trưởng mà chẳng phản ánh đúng tình hình thực tế, thế thì làm sao mà có được những quyết sách hợp lòng dân. Vậy thì chỉ còn một cách là chính người lãnh đạo phải xuống tận cơ sở mà lắng nghe thôi.
- Theo ông, bây giờ phải làm gì để việc lãnh đạo gần dân là chuyện đương nhiên?
- Muốn vậy, phải tổ chức lại khâu cán bộ vì đó là nguyên nhân của mọi sai lầm. Phải lựa chọn họ cho kỹ vào, có tiêu chuẩn cụ thể, rõ ràng chứ không để chuyện kéo bè kéo cánh, chạy chức chạy quyền xảy ra. Khi đã có một đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm thì chuyện gần dân sẽ được coi là chuyện bình thường, tất yếu.
Trân trọng cảm ơn ông!
"Tôi tin dân chẳng cần cán bộ lãnh đạo gần mình chỉ là hình thức. Dân cần cán bộ làm chứ không phải xuống cơ sở trống dong cờ mở nhưng chẳng chịu nghe dân nói. Muốn vậy, ngoài ba nguyên lý cơ bản của người cán bộ lãnh đạo mà tôi nói lúc đầu thì còn đòi hỏi ở họ cái tâm nữa. Mà bây giờ, tôi cảm giác cái tâm của cán bộ rơi rớt đi nhiều quá".
Vũ Thủy (Thực hiện)