Ngày 1/11, các đại biểu quốc hội thảo luận về kết quả giám sát “việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng...”.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh, sau những nỗ lực và quyết tâm suốt từ đầu nhiệm kỳ đến giờ, kết quả lớn nhất đạt được là kinh tế vĩ mô đã ổn định, tái cơ cấu đạt kết quả bước đầu.
|
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh. |
“Tuy vậy, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế đang có vấn đề. Động lực để chúng ta tăng trưởng cao hơn nữa cũng đang có vấn đề. Đã đến lúc chúng ta đổi mới mô hình tăng trưởng. Chúng ta phải thay đổi thể chế. Tôi nghĩ đây là điều mọi người dân đều mong muốn chứ không chỉ các đại biểu Quốc hội chúng ta” - ông bày tỏ.
“Họ không thể tự chặt chân mình đâu”
Ông Vinh cho biết nếu VN tăng trưởng 8-9%/năm thì khoảng 40 năm nữa mới bằng Hàn Quốc bây giờ. Ông cho rằng tiềm năng để VN tăng trưởng không phải là tài nguyên mà chính là con người.
“Những đất nước không có tiềm năng về tài nguyên nhưng có tiềm năng về con người và phát huy tiềm năng con người thì họ là những nước phát triển mạnh mẽ nhất” - ông nói.
Những kết quả trong việc tái cơ cấu vừa qua chỉ là ban đầu, ba lĩnh vực tái cấu trúc vừa qua chỉ là ba lĩnh vực then chốt, chứ không phải là tất cả. Mục tiêu mà nền kinh tế hướng đến là tính cạnh tranh cao hơn, chất lượng cao hơn, hiệu quả cao hơn, bền vững hơn.
Để đạt được mục tiêu như vậy tất cả các ngành đều phải làm, ví dụ ngành nông nghiệp đã làm 16 đề án tái cơ cấu rất cụ thể.
“Cho nên mỗi ngành, mỗi cấp đều phải viết đề án của mình. Tôi đề nghị Thủ tướng tới đây chỉ đạo quyết liệt hơn để các ngành, các cấp dựa vào các tiêu chí đó để viết các đề án của mình trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khoa học công nghệ...” - ông nhấn mạnh.
“Và đặc biệt là tổ chức nữa. Tôi nghĩ các đồng chí nói một ý rất hay. Không đổi mới cán bộ thì không đổi mới được nền kinh tế. Các chuyên gia quốc tế nói với tôi rằng nếu ông đổi mới doanh nghiệp nhà nước mà vẫn để nguyên cán bộ là những người từng sinh ra doanh nghiệp đó, lãnh đạo doanh nghiệp đó thời kỳ vẻ vang thì hôm nay họ không thể tự mình chặt chân mình đâu, phải người khác đến mới đổi mới được. Đó là kinh nghiệm của Indonesia và nhiều nước khác. Cho nên, đổi mới đội ngũ cán bộ là một bước phải làm. Tự mình đổi mới mình thì khó lắm” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh bày tỏ.
Trước đó, các đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM), Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng có suy nghĩ tương tự.
“Trước khi đi họp Quốc hội, có một doanh nghiệp nói với tôi thế này: các ông đặt vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp nhưng không thấy ai đặt vấn đề tái cơ cấu tổ chức bộ máy và tái cơ cấu chính các ông. Và phải nói qua những ý kiến phát biểu của các đại biểu, tôi hiểu như thế có nghĩa nhiều cử tri rất quan tâm đến tái cơ cấu tổ chức bộ máy” - ông Hiến cho hay.
Theo ông, chúng ta cứ nói có nhiều tướng, nhiều thứ trưởng quá, rồi đem ra chất vấn Thủ tướng, bộ trưởng. Nhưng Thủ tướng cũng chỉ ký sau khi có ý kiến chấp thuận, sau khi có thông báo của các cấp có thẩm quyền.
“Vấn đề bây giờ là làm sao tất cả hệ thống của chúng ta phải thực hiện đúng theo tinh thần Hiến pháp và pháp luật. Tái cơ cấu trách nhiệm là để phục vụ dân tốt hơn, để phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế” - ông Hiến bày tỏ.
Phải xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém
Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại là chủ đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.
Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày cho thấy những kết quả ban đầu trong tái cơ cấu đã giúp tránh nguy cơ đổ vỡ, nhưng rủi ro vẫn còn rất lớn.
“Sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống tổ chức tín dụng thiếu minh bạch, vốn điều lệ ở một số ngân hàng thương mại cổ phần không phản ánh đúng thực chất, nguy cơ chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng.
Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro và ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của từng tổ chức tín dụng cũng như toàn hệ thống, gây trở ngại đến quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Các giải pháp vừa qua về sắp xếp, chấn chỉnh trong hệ thống ngân hàng chưa có sự thay đổi lớn về chất” - ông Giàu cho biết.
Là một thành viên đoàn giám sát, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam (Đà Nẵng) nhận xét: “Các ngân hàng thương mại ra đời trong những năm trước đây khá dễ dàng, hoạt động gắn với các doanh nghiệp bất động sản, nhiều ngân hàng thương mại là công cụ huy động vốn cho các ông chủ kinh doanh bất động sản.
Đây là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu. Đáng nói, trong chín ngân hàng thương mại yếu kém mà Ngân hàng Nhà nước tập trung sắp xếp trong ba năm qua đều thuộc loại này. Việc sắp xếp các ngân hàng yếu cũng chưa giải quyết thực trạng nên nợ xấu vẫn còn.
Liệu trong một năm tới Ngân hàng Nhà nước có giải quyết được vấn đề này không? Dường như chúng ta chưa triệt để giải quyết vấn đề mà cứ trông chờ vào thị trường bất động sản nóng lại”.
Đại biểu Phan Văn Quý (Nghệ An) đề nghị phải thông tin minh bạch, cụ thể về từng khoản nợ xấu của các ngân hàng mới giải quyết được.
“Nghiên cứu dỡ bỏ trần lãi suất, trần tăng trưởng dư nợ tín dụng đối với ngân hàng thương mại thông qua sử dụng các công cụ gián tiếp để can thiệp phù hợp với quan hệ cung - cầu của thị trường, tách bạch chính sách tín dụng theo định hướng của Nhà nước với chính sách tín dụng thương mại...” - ông Giàu trình bày một trong những kiến nghị của đoàn giám sát.
Tôi trước sau như một
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương (ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) cho biết quan điểm của mình như trên khi được hỏi về công văn của Liên đoàn Luật sư liên quan đến phát ngôn của ông.
Như Tuổi Trẻ đã đưa tin ngày 31-10, Liên đoàn Luật sư VN đã có công văn gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện đề nghị làm rõ nội dung phát ngôn trên báo chí của đại biểu Đỗ Văn Đương, trong đó có một phát ngôn bị cho là quy chụp, thiếu căn cứ khi nhận xét rằng thực chất luật sư ở VN chỉ bào chữa cho những người có tiền.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về công văn nêu trên, đại biểu Đương nói đó là việc của Liên đoàn Luật sư, về phần mình ông đã đọc hết công văn và thấy đó là chuyện bình thường.
Theo ông Đương thì ông nói từ thực tế, Hiến pháp đã quy định rõ quyền của đại biểu và “dân biểu nói tiếng nói của dân, không thể truy cứu trách nhiệm được, tôi chưa nói đúng sai ở đây”. “Chẳng lẽ nói đụng đến ai cũng kiến nghị xử lý hay sao?” - ông Đương nhận xét.
Trong khi đó, bên lề kỳ họp Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bình luận ngắn với các phóng viên rằng ông chưa biết có văn bản của Liên đoàn Luật sư đề nghị xem xét tư cách đại biểu Quốc hội của ông Đỗ Văn Đương.
Tuy khẳng định có nhiều luật sư bào chữa miễn phí cho người nghèo, nhưng Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng có thể đại biểu Đỗ Văn Đương phát biểu trong một ngữ cảnh nào đó.
Theo Tuổi Trẻ