Để hiểu rõ hơn về việc CSGT hóa trang xử lý những người điều khiển xe đạp điện tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm (MBH), đặc biệt là các em học sinh, ngày 26/9, trao đổi với Kiến thức, thiếu tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội CSGT số 2, Phòng CSGT đường sắt – đường bộ Công an TP. Hà Nội cho biết: “Khi xử lý học sinh điều khiển xe đạp điện không đội MBH, lực lượng CSGT gặp rất nhiều khó khăn”.
|
CSGT ra hiệu lệnh dừng xe với 2 em học sinh điều khiển xe đạp điện không đội MBH.
|
Theo thiếu tá Vinh, việc xử lý đối với các em học sinh điều khiển xe đạp điện không đội MBH chủ yếu là nhắc nhở, giáo dục. Học sinh 16-18 tuổi vi phạm nếu có giấy tờ tùy thân đầy đủ thì nộp phạt 75.000 đồng, trả phương tiện tại chỗ.
Đối với người vi phạm trên 18 tuổi, nếu có đầy đủ giấy tờ thì nộp phạt 150.000 đồng, trả phương tiện tại chỗ. Trường hợp học sinh dưới 16 tuổi thì bị lực lượng CSGT lưu giữ xe 10 ngày theo đúng đúng quy định hiện hành.
“Đội CSGT số 2 không hóa trang để xử lý người điều khiển xe đạp điện không đội MBH, mà thực hiện công khai, có camera, máy ảnh chụp lại các trường hợp vi phạm để xử lý. Trường hợp người điều khiển xe đạp vi phạm ở độ tuổi nào thì xử lý ở độ tuổi đấy, theo đúng quy định", trung tá Vinh chia sẻ.
|
Chiến sĩ CSGT đưa 2 em học sinh và phương tiện về chốt để nhắc nhở, xử lý.
|
“Số tiền phạt hành chính đối với các học sinh nêu trên là không cao. Tuy nhiên, không phải vì thế mà học sinh không chấp hành, không đủ sức răn đe. Mỗi lần các em vi phạm là chúng tôi lập biên bản, gửi về nhà trường và bắt nhà trường phải cam kết học sinh vi phạm sẽ bị hạ hạnh kiểm, thậm chí không được thi tốt nghiệp. Còn nhà trường có số lượng học sinh điều khiển xe đạp điện không đội MBH vi phạm nhiều, sẽ ảnh hưởng đến thi đua khen thưởng của trường đó”, thiếu ta Vinh phân tích.
|
Người điều khiển xe đạp điện "chạy tít" thế này chưa có chế tài xử lý tốc độ.
|
Còn trung tá Nguyễn Đăng Lĩnh, Đội trưởng Đội CSGT số 7, Phòng CSGT đường sắt – đường bộ Công an TP. Hà Nội, cho biết: “Đến thời điểm này, đội đã xử phạt hành chính hơn 40 trường hợp người điều khiển xe đạp điện không đội MBH. Đối với học sinh, đội lập biên bản để cha mẹ và các em phải cam kết chấp hành, đồng thời gửi biên bản đến nhà trường và đề nghị nhà trường có các biện pháp giáo dục các em”.
Lý giải về việc tại sao không hóa trang bắt các em học sinh điều khiển xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, trung tá Lĩnh nói: "Xe đạp điện tốc độ, tăng tốc không nhanh bằng xe máy, nên dễ bắt hơn xe máy nhiều".
Về việc xe đạp điện có thể chạy với tốc độ 40 -50km/h, trao đổi với Kiến thức, thiếu tá Vinh cho biết: “Tốc độ xe đạp điện chỉ được chạy 25km/h là đảm bảo an toàn. Còn nhiều người người điều khiển xe đạp điện chạy với tốc độ cao hơn quy định thì chưa có chế tài xử lý”.
Theo thiếu tá Vinh, hiện lực lượng CSGT chỉ xử lý các trường hợp điều khiển xe đạp điện không đội MBH, còn chạy quá tốc độ thì chưa và đang chờ các cơ quan chức năng ra quy định cụ thể.
Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị bổ sung quy chuẩn mũ bảo hiểm cho người đi xe đạp máy, bao gồm cả xe đạp điện. Nghị định 34 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định xe đạp điện là một loại của xe đạp máy trong nhóm phương tiện thô sơ có gắn động cơ.
Theo Luật giao thông đường bộ, người điều khiển và ngồi trên xe đạp máy phải đội mũ bảo hiểm nhưng quy định này chưa được thực hiện nghiêm túc trên thực tế.
Tiến Dũng