Chiều ngày 18/9, UBND TP Hải Dương đã có công văn đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho chủ trương thực hiện tháo dỡ khẩn cấp công trình TTTM Hải Dương.
Trong công văn nêu rõ, qua quá trình kiểm tra tình hình thực tế tại hiện trường TTTM Hải Dương và báo cáo đề nghị của công an TP Hải Dương, hiện nay công trình TTTM Hải Dương đã xuất hiện tình trạng vỡ, cong nghiêng các cột phía ngoài và biến dạng các cột phía trong. UBND TP Hải Dương đề nghị Chủ tịch tỉnh cho chủ trương thực hiện tháo dỡ gấp công trình, tránh gây thiệt hại đến tính mạng nhân dân ở khu vực lân cận.
|
UBND TP Hải Dương vừa có công văn đề nghị khẩn cấp tháo dỡ TTTM Hải Dương. |
Theo ghi nhận của PV Kiến Thức, chiều ngày 18/9, công tác sơ tán nhân dân sống quanh khu vực TTTM Hải Dương như phố Mạc Thị Bưởi và khu vực đằng sau TTTM Hải Dương ra khỏi vùng nguy hiểm đã được tiến hành khẩn cấp. Các hộ dân được chuyển tới nơi tạm trú tại các nhà văn hóa ở khu vực gần nhất. Đa số các hộ dân đều nghiêm chỉnh chấp hành để bảo vệ tính mạng tài sản của mình.
Một hộ dân sống trên phố Mạc Thị Bưởi cho biết: “Việc di dời là cần thiết, bởi công trình TTTM đã xuống cấp nghiêm trọng, nếu đổ xuống thì không biết hậu quả thế nào. Chúng tôi mong tỉnh sẽ sớm tháo dỡ công trình này để sớm trở lại cuộc sống thường nhật”.
Song song với việc sơ tán hàng trăm hộ dân, cơ quan chức năng cũng đã lập hàng rào tôn phong tỏa khu vực nguy hiểm. Mặc dù may mắn không bị lửa thiêu cháy hàng hóa bởi một số gian hàng trên tấng 3 TTTM Hải Dương vẫn còn nguyên vẹn do lửa chưa bén tới, tuy nhiên số hàng hóa này cũng chưa được chuyển ra ngoài, bởi việc di chuyển hàng hóa là rất nguy hiểm.
|
Người dân khẩn cấp sơ tán khỏi vùng nguy hiểm. |
|
Hầu hết các hộ dân đều chấp hành di dời, đến chiều ngày 18/9, công tác di dời đã hoàn thành.. |
Bên cạnh việc đề nghị tháo dỡ công trình TTTM, UBND TP Hải Dương cũng đã lên kế hoạch xây dựng chợ tạm cho bà con tiểu thương để sớm ổn định đời sống. Theo số liệu đến thời điểm này cho thấy, có 574 hộ có nhu cầu bố trí chợ tạm, trong đó có 306 hộ bán hàng quần áo, 15 hộ bán đồ điện, còn lại là giày dép và các hàng hóa khác. Dự kiến số gian hàng sẽ nhiều hơn do có nhiều trường hợp một hộ kinh doanh nhiều gian hàng. Dự kiến, các chợ tạm sẽ được bố trí gian hàng cho tiểu thương kinh doanh gồm chợ tạm ở quảng trường Thống Nhất với 600 gian hàng, mỗi gian hàng có diện tích 10 đến 12 m2. Ngoài ra sắp xếp thêm các gian hàng ở chợ Thành Đồn, Cẩm Thượng, An Ninh, Lộ Cương…
Trao đổi với PV Kiến Thức, Chủ tịch UBND TP Hải Dương, ông Đoàn Việt Hùng cho biết, đến 25/9 việc khảo sát, xây dựng phương án chợ tạm sẽ được hoàn thành để trình UBND tỉnh phê duyệt. Việc xây dựng chợ tạm sẽ được tiến hành đảm bảo số lượng và yêu cầu để các tiểu thương kinh doanh thuận lợi.
Ở diễn biến khác, để giúp đỡ bà con tiểu thương sớm ổn định lại cuộc sống, kinh doanh trở lại, Ban chỉ đạo khắc phục hậu quả hỏa hoạn TTTM Hải Dương đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân chia sẻ khó khăn với các tiểu thương. Đông đảo các cơ quan, tổ chức trên cả nước đã có những hỗ trợ cần thiết để các tiểu thương sớm vượt qua những giai đoạn khó khăn.
Hải Ninh