Chậm công bố dịch sởi bị xử lý thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Bộ trưởng Y tế, Chủ tịch UBND tỉnh vi phạm pháp luật nếu không công bố dịch khi đã đủ điều kiện công bố dịch.

Ngày 17/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có báo cáo hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình dịch sởi đang lây lan mạnh. Báo cáo cũng cho thấy hiện số ca sốt phát ban nghi do sởi đã tăng lên mức 8.521 ca với 3.136 ca dương tính với sởi và 112 ca tử vong từ đầu năm đến nay trên cả nước. Thế nhưng Bộ Y tế vẫn chưa công bố dịch sởi ngay cả trong họp báo cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Giải thích cho việc chưa công bố dịch sởi này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho hay: “Sởi được xếp vào dịch bệnh nhóm B nên việc công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, trên cơ sở đánh giá tình hình dịch bệnh và khả năng kiểm soát của địa phương.
 Hiện số ca sốt phát ban nghi do sởi đã tăng lên mức 8.521 ca với 3.136 ca dương tính với sởi và 112 ca tử vong từ đầu năm đến nay trên cả nước.
Hiện nay, do các địa phương thấy rằng dịch sởi vẫn đang trong tầm kiểm soát nên chưa công bố. Khi có hai tỉnh trở lên đồng thời yêu cầu công bố dịch, Bộ Y tế sẽ xem xét để công bố dịch theo thẩm quyền được giao".
Trong khi đó, báo Tuổi Trẻ đưa tin, theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng trước đó, đến ngày 14/4, Hà Nội chiếm đến 2.800 trong tổng số hơn 8.000 trường hợp sốt phát ban nghi sởi của cả nước. Hơn 1.500 ca trong số này đã có xét nghiệm xác định mắc sởi. So với 61 địa phương trong cả nước đã xuất hiện bệnh nhân sởi (hiện chỉ còn Cao Bằng và Bắc Kạn chưa công bố ca mắc sởi), Hà Nội dẫn đầu về số mắc, số nghi mắc, số tử vong, với 30/30 quận huyện đã có bệnh nhân sởi. Thế nhưng Sở Y tế Hà Nội hiện cũng chưa công bố dịch sởi.
Trước sự bức xúc của người dân cũng như sức ép từ dư luận, báo chí, chiều 18/4, tại buổi họp báo của Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã phải thừa nhận Việt Nam đã và đang có dịch sởi. Tuy nhiên, Bộ Y tế chỉ thừa nhận chứ vẫn không công bố dịch sởi.
“Việc công bố dịch hay không phải theo Luật truyền nhiễm, việc công bố dịch sởi thuộc thẩm quyền của địa phương. Bộ Y tế chỉ được công bố khi có sự biến đổi về độc lực và chủng virus gây bệnh. Tuy không công bố nhưng cần khẳng định Việt Nam đã và đang có dịch sởi”, Thứ trưởng Long cho biết.
Theo luật sư Hoàng Văn Thạch, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, Văn phòng Luật sư Trí Minh, điều kiện để công bố dịch được quy định tại Điều 2 Quyết định 64/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, điều kiện để công bố dịch bệnh truyền nhiễm phải đủ 02 điều kiện:
Hiện nhiều trung tâm y tế dự phòng ở các tỉnh thành đang gặp tình trạng khan hiếm vắc xin phòng sởi. Trong ảnh là Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng treo biển thông báo hết một số loại vắc xin.
1. Có số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số người mắc dự tính bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
2. Có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ sau:
a) Quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
b) Bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả;
c) Bệnh dịch có tỷ lệ tử vong cao mà chưa rõ tác nhân gây bệnh và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả;
d) Bệnh dịch xảy ra khi có thiên tai, thảm họa.
Như vậy để xác định dịch sởi đủ điều kiện công bố chưa thì phải xác minh lại các thông tin nêu trên như: có vượt quá số người dự tích mắc bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh chưa? Có vượt quá khả năng kiểm soát không?... Cái này cần có điều tra cụ thể thì mới biết được.
Ngoài ra dịch sởi thuộc nhóm B trong phân loại bệnh truyền nhiễm (Điều 3 Luật phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm). Do vậy theo Điều 38 Luật này nếu thuộc trường hợp phải công bố dịch thì thẩm quyền cũng thuộc Chủ tịch UBND cấp tỉnh chứ không phải Bộ trưởng Bộ Y Tế. Bộ Trưởng Bộ Y Tế chỉ công bố khi đã có từ 02 tỉnh trở lên công bố dịch.
Như vậy, theo luật thì phát ngôn của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long là phù hợp. Vậy, việc chậm công bố dịch sởi, nhiều tỉnh thành có số ca mắc bệnh sởi tăng mạnh nhưng vẫn không công bố dịch thì trách nhiệm trước tiên thuộc về chủ tịch UBND các tỉnh, thành đó.
Theo luật, Bộ trưởng Bộ y tế hay Chủ tịch UBND cấp tỉnh nếu đã đủ điều kiện công bố dịch và trường hợp đó thuộc thẩm quyền của mình mà không công bố thì vi phạm pháp luật. Về xử phạt thì trong Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Y tế không thấy có hình thức xử phạt đối với việc chậm công bố dịch. Tuy nhiên nếu việc công bố dịch chậm mà gây hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 285 Bộ luật hình sự.
Điều 285. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.
3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một  năm đến năm năm”.

 

Minh Hiếu