Hồi đầu tháng 3 năm nay, sau khi nghiên cứu mục tiêu bảo tồn cầu Long Biên, KTS Lê Viết Sơn, Tổng giám đốc Công ty CP Thiết kế Xây dựng Hà Nội đã đưa ra ý tưởng xây dựng tuyến đường sắt Ngọc Hồi - Yên Viên qua sông Hồng đi sát cầu Long Biên hiện tại với các mố trụ, dầm cầu được làm độc lập và có cùng bước nhịp với cầu Long Biên để đồng nhất về thẩm mỹ cũng như kiến trúc.
Phương án của KTS Lê Việt Sơn đề xuất là rất sáng tạo cho thấy có rất nhiều cách giữ lại hình dáng ban đầu, phục chế - tôn tạo những nhịp cầu hư hỏng và cầu Long Biên lại được hồi sinh với những chức năng mới. Ngoài ra, tiết kiệm được chi phí khảo sát, giải phóng mặt bằng... mà một số phương án đưa ra vẫn còn vướng phải khiến dư luận phản đối.
|
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, bản thân Hội Kiến trúc sư Việt Nam thời gian qua cũng đã trao đổi với một số nhà quản lý. Theo đó, chúng tôi được biết, trong thời gian tới TP Hà Nội và Bộ Giao thông vận tải sẽ có các cuộc trao đổi với các chuyên gia kỹ thuật, văn hóa, di sản để lựa chọn phương án tối ưu cho tương lai cầu Long Biên. Hy vọng ý tưởng của KTS Lê Việt Sơn được quan tâm cũng như có nhiều ý kiến có giá trị khác.
Bên cạnh đó, Hội Kiến trúc sư Việt Nam hay Hà Nội cũng đã chủ động trao đổi với các chuyên gia trong nước và quốc tế trong các lĩnh vực như kiến trúc, quy hoạch, văn hóa lịch sử, mỹ thuật, kỹ thuật xây dựng, cầu đường, kinh tế giao thông, giao thông đường sắt, đường thủy... để có nhiều thông tin đóng góp tốt nhất cho đất nước, Hà Nội quanh việc bảo tồn và phát triển cầu Long Biên.
Theo đó, dù xây cầu đường sắt mới vẫn phải đáp ứng một số yêu cầu. Đó là, cầu Long Biên phải là cái cầu - đáp ứng nhu cầu đi lại của các phương tiện chứ không chỉ là hiện vật bảo tàng. Cầu Long Biên đang có cơ hội vàng để hồi sinh và phát huy tất cả các thế mạnh của nó, từ vị trí vượt sông, đường dẫn hai đầu cầu và có thể đảm đương chức năng đường sắt đô thị, không phải làm cầu mới, không phải di dân.
Ngoài ra, vấn đề chọn loại đường sắt đô thị nào để nhẹ, đi êm, chạy nhanh, giá thành đầu tư rẻ dẫn đến giá vé rẻ để phục vụ vận tải hành khách hai chiều từ Yên Viên về Ngọc Hồi. Và độ cao mực nước sông Hồng cần xem xét đến thực tế: Sông Hồng 20 năm nay luôn cạn chứ không đầy và việc thiếu nước do thủy điện đầu nguồn, khai thác tài nguyên nước ngày càng nhiều nên nâng cao sàn cầu là cần xem lại các yếu tố khách quan. Chiến lược phát triển giao thông đường thủy trên sông Hồng cần làm rõ nhu cầu vận chuyển, cầu cảng, loại tàu.
Việc phục chế, tôn tạo cầu Long Biên trở về gần với nguyên trạng nhất, lại đáp ứng các nhu cầu phát triển tốt nhất là bài toán khó. Thiết nghĩ, nếu có cuộc thi, tập hợp đông đảo các chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ có nhiều sáng kiến được đề xuất.
KTS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Việt Nam)