Nhu cầu đường sắt là cấp bách
Bộ Giao thông Vận tải vừa đưa các các phương án xây mới cầu đường sắt cho tuyến đường sắt đô thị số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên đã được Thủ tướng phê duyệt nhằm đáp ứng nhu cầu về giao thông đô thị. Nhưng các phương án đó đã vấp phải nhiều ý kiến không đồng thuận của dư luận, xã hội, các chuyên gia và người dân.
Đó là, các phương án đề xuất phải di dời nhiều hộ dân trong phố dẫn đến chi phí đền bù giải phóng mặt bằng lớn, gây tốn kém. Đặc biệt là gặp khó khăn trong việc giải tỏa do không nhận được sự đồng tình của người dân. Nhu cầu về bảo tồn cầu Long Biên vốn gắn liền với các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, đô thị đồng thời vẫn phải đáp ứng được các nhu cầu về phát triển giao thông đô thị là thách thức vô cùng lớn. Thời gian nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt đã lâu nhưng các phương án đề xuất đều chưa nhận được sự đồng thuận của số đông. Trong khi đó, nhu cầu phát triển đô thị về giao thông trong tuyến đường sắt nói trên là cấp bách.
Trong điều kiện kinh tế hiện nay, việc nghiên cứu đưa ra giải pháp xây dựng cầu đường sắt qua sông Hồng với mức đầu tư thấp nhất là vô cùng quan trọng. Giải pháp đưa ra cần phải logic khoa học, tạo được sự đồng thuận của dư luận xã hội một cách thuyết phục. Đồng thời, việc xây dựng cầu đường sắt qua sông Hồng nhất thiết không được ảnh hưởng đến cầu Long Biên như kiến trúc, cảnh quan, tầm nhìn cùng các yếu tố gồm: Phải bảo vệ và không tác động đến cầu Long Biên - một yếu tố cấu thành nên khu vực và đô thị.
|
Phối cảnh xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên đi sát ngay cạnh cầu Long Biên hiện tại. |
Ưu điểm của phương án mới
Trước thực tế đòi hỏi đó, TS Lê Việt Sơn đã đề xuất phương án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên đi sát ngay cạnh cầu Long Biên hiện tại. Theo đó, các mố trụ, dầm cầu được làm độc lập và có cùng bước nhịp với cầu Long Biên để đảm bảo về kỹ thuật, đồng nhất về thẩm mỹ cũng như kiến trúc. Cầu Long Biên hiện tại chỉ phục vụ nhu cầu đi lại của người đi bộ, xe đạp và xe máy. Giao thông đường sắt sẽ được khai thác ngay bên cạnh. Với việc bố trí tuyến đường sắt đôi với khổ đường sắt 1.435mm thì bề rộng thông thủy mặt cầu đường sắt mới sẽ là 6m.
Phân tích về ưu điểm của phương án đưa ra, vị chuyên gia này cho rằng, giải pháp trên rất ít động chạm tới việc giải tỏa các hộ dân do kết hợp tuyến đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi đi ngay cạnh bên cầu Long Biên hiện tại. Tận dụng điều kiện địa chất cũng như thủy văn ổn định qua hơn 110 năm của cầu Long Biên cho tới bây giờ. Như vậy giảm thiểu chi phí cho công tác nghiên cứu xây dựng khả thi tuyến đường sắt đô thị số 1 so với việc xây dựng tại một vị trí khác xa hơn.
Do việc giải tỏa các hộ dân là rất ít và không đáng kể, vì vậy vấn đề gây trở ngại trong khâu giải phòng mặt bằng hoàn toàn có thể giải quyết được. Phương án đề xuất hoàn toàn không tác động vào kiến trúc, thẩm mỹ cũng như đảm bảo sự hoạt động độc lập của cầu như hiện trạng. Việc sử dụng hệ thống đường sắt không rào chắn với khổ đường sắt 1.435mm mà hiện nay thế giới đang sử dụng sẽ không cản trở tầm nhìn cũng như tác động vào cảnh quan xung quanh cầu. Điều này nhằm tôn trọng giá trị lịch sử cũng như ý nghĩa về mặt tinh thần đối với người dân Hà Nội đó là "Không được di dời cầu Long Biên!".
TS Lê Việt Sơn cũng cho hay, phương án đưa ra còn có một số hạn chế do mới chỉ dừng ở việc nghiên cứu ý tưởng về việc bảo tồn cầu Long Biên... Do đó, cần nghiên cứu kỹ hơn về các biện pháp thi công và các tính toán kỹ thuật.
Hiền Dung