Đầu giờ chiều nay (11/6), Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Đáng chú ý là chất vấn của ĐB Hà Minh Huệ (Bình Thuận) khi nêu nhiều ý kiến của cử tri cho rằng: “Bộ trưởng không kiểm soát được nội dung khi đưa ra con số 34.000 tỷ đồng tiêu tốn cho đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Là một đề án của Bộ, chắc chắn Bộ trưởng phải biết, phải chỉ đạo cụ thể trước khi trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào về việc này?”. Bên cạnh việc đặt ra câu hỏi này, ĐB Huệ còn kèm theo bức xúc dự thảo đề án của Bộ trưởng Luận, sau đó không đưa ra con số về chi phí.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: “Trong đề án đổi mới sách giáo khoa trình Ủy ban Thường vụ không có bất cứ con số nào liên quan đến kinh phí, vì vậy càng không có con số 34.000 tỷ đồng”.
|
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận được TBT Nguyễn Phú Trọng khen trả lời chất vấn tốt, thẳng thắn, rõ ràng. |
Sau đó, Bộ trưởng Luận tự đặt câu hỏi: "Liệu một đề án lớn như vậy mà không có kinh phí, đây có phải là sự thiếu sót không?".
Ông Luận tiếp tục lý giải: “Đến năm nay thực hiện Nghị quyết 29 của TƯ đổi mới căn bản về giáo dục và đào tạo, chúng tôi đã thảo luận và đề xuất báo cáo với Thủ tướng, trình hồ sơ trình bày ra Quốc hội về chủ trương đổi mới sách giáo khoa.
Vấn đề kinh phí sẽ cụ thể như nào được chúng tôi thực hiện giống như năm 2000, sau khi phê duyệt thì mỗi đề án đó mới có vấn đề tính kinh phí riêng. Hiện, pháp luật không có quy định cụ thể phải trình hồ sơ như thế nào. Vì vậy, chúng tôi chỉ căn cứ vào tiền lệ và chúng tôi không thấy chúng tôi có khuyết điểm trong việc này".
Bộ trưởng Luận giải thích về sự xuất hiện của con số 34.000 tỷ đồng như sau: “Lúc UBTVQH họp để trình dự án này, thì lúc đó tôi đang đi công tác không dự được. Một Thứ trưởng đi họp, được một đồng chí trong Quốc hội hỏi thăm: "Thế có dự trù kinh phí chưa?", một đồng chí ngồi ở dưới lại nói với lên "34.000 tỷ đồng".
Sau đó, Bộ Giáo dục có một cuộc họp báo để giải thích về con số đó. Theo đó, 34.000 tỷ đồng mà chúng tôi nói đây là con số kinh phí để làm cho nhiều việc, chứ không phải cho mình chương trình đổi mới sách giáo khoa. Nhưng lại nói không khéo nên gây hiểu nhầm cho báo chí là con số 34.000 tỷ đồng đó chỉ dành riêng cho việc đổi mới sách giáo khoa.
Vì vậy, việc xuất hiện con số 34.000 tỷ đồng cho đề án đổi mới sách giáo khoa chỉ là do "lỗi kỹ thuật".
Có lẽ sau khi nghe thông tin này, người dân sẽ nhận xét mấy anh này chỉ vẽ ra để tiêu tiền, gây thất thoát cho ngân sách nhưng tôi khẳng định không có chuyện này, người dân hoàn toàn có thể yên tâm”.
ĐB Nguyễn Mạnh Cường nếu vấn đề: “Nhiều ý kiến cho rằng nước ta có quá trình bất cập trong đào tạo và sử dụng tiến sỹ, Bộ trưởng nhìn nhận thế nào?”.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Luận đồng tình với nhận định này và cho biết, để giải quyết, Bộ đã chấn chỉnh việc đào tạo Ths, TS ngoài cơ sở chính của nhà trường. Trước đây diễn ra khá phổ biến, nay Bộ quyết định trường nào đủ quy định chỉ được đào tạo tại trụ sở chính; số lượng chỉ tiêu đào tạo THs, TS được điều chỉnh giảm đi, gắn chặt với điều kiện bảo đảm chất lượng; rà soát ban hành quy chế đào tạo mới. Quy chế đào tạo Ths mới có hiệu lực theo hướng nâng cao chất lượng, quy định rõ trách nhiệm của người hướng dẫn, người phản biển, hội đồng bảo vệ, cơ sở đào tạo…
Bộ khuyến khích, tạo điều kiện, tạo hành lang cho các cơ sở đào tạo có cơ hội hợp tác với các cơ sở uy tín của nước ngoài, tiếp nhận chương trình, công nghệ, phương pháp đào tạo mới; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm minh các vi phạm trong và sau đào tạo.
Kết thúc phần đăng đàn trả lời chất vấn của Bộ trưởng Luận, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận xét: “Trả lời của Bộ trưởng Luận rất rõ ràng, thẳng thắn, tự nhận trách nhiệm, đưa ra các giải pháp để ngành giáo dục tốt hơn. Phần chất vấn này diễn ra rất là tốt. Chúng tôi rất hoan nghênh Bộ trưởng Bộ GDĐT và cảm ơn Bộ trưởng”.
Minh Hiếu