Bộ trưởng Luận: "Không bỏ điểm sàn thi đại học"

Google News

(Kiến Thức) - Bộ trưởng Luận cho hay, Bộ không bỏ điểm sàn ĐH. Đổi mới tuyển sinh ĐH năm nay là phân ra 2-3 mức sàn, có mức sàn cao, có mức sàn thấp hơn.

Từ 8h50 đến 9h, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu kết thúc phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Sau đó là phần đăng đàn trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận.
Theo kế hoạch, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tập trung vào những vấn đề như chất lượng đào tạo, dạy học, cho phép mở quá nhiều trường đại học, cao đẳng, nhiều loại hình đào tạo nhưng chất lượng đào tạo thấp, không phù hợp yêu cầu của thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên ra trường cao, gây lãng phí nguồn lực xã hội; việc triển khai thực hiện cải cách về giáo dục; đổi mới chương trình sách giáo khoa; công tác quản lý xuất bản sách giáo khoa và sách tham khảo.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.  
Bộ trưởng các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Lao động, Thương binh và Xã hội, Nội vụ tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề liên quan.
Mở đầu phần chất vấn của Bộ trưởng Luận, ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) đặt câu hỏi: "Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản giáo dục - đào tạo, Bộ GDĐT chọn khâu thi cử là khâu đột phá. Tuy nhiên, dư luận cho rằng đây chỉ là phần ngọn trong khi đổi mới nội dung chương trình mới là phần gốc. Vậy khi nội dung chương trình chưa đổi mới mà lại đổi mới cách thi cử thì có phải là không đồng bộ?".
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Luận bày tỏ quan điểm khi nói về thi cử, với việc dạy và học, có quan hệ tác động lẫn nhau, phải thiết kế phương pháp dạy, học rồi tính đến chuyện thi cử đồng bộ. Trong quá trình triển khai dạy, học và thi cử, có những thay đổi của quá trình thi cử, dẫn đến thay đổi của quá trình dạy và học.
Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi, có những thay đổi căn bản. Trong đó, từ chỗ kiểm tra kiến thức học thuộc lòng, nay chuyển sang kiểm tra khả năng tổng hợp kiến thức cả khóa học, bao gồm cả kiến thức chính trị xã hội, đạo đức công dân… Sự đổi mới này đã tạo sức lan tỏa, khiến các HS hứng khởi làm bài và làm tốt.
Các thầy cô giáo, bản thân HS, phụ huynh đều đã hình dung được thay đổi dạy và học như thế nào, theo lối truyền thụ kiến thức sang chú trọng giáo dục kỹ năng, phẩm chất.
Tiếp đó, ĐB Phạm Thị Hải chất vấn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận về trình độ ngoại ngữ của HS-SV Việt Nam còn nhiều bất cập, trở thành rào cản trong quá trình hội nhập với khu vực và thế giới. "Đã có đề án quy định việc dạy và học ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên là một việc bắt buộc, vì sao Bộ GDĐT trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua lại cho ngoại ngữ vào môn thi tự chọn?".
Bộ trưởng Luận giải thích: "Trong quá trình xây dựng đề án đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, Bộ tổ chức khảo sát toàn diện và thấy rằng cách dạy, cách học, cách thi ngoại ngữ hiện nay không giống ai trên thế giới. Chúng ta dạy và học chủ yếu là ngữ pháp, cho nên học hết phổ thông, HS cũng không nói được hoặc người ta nói cũng không hiểu. Do đó, chúng ta phải thay đổi cách dạy cách học, dứt khoát phải chấm dứt tình trạng nhận được bằng, chứng chỉ nhưng không sử dụng được ngoại ngữ trong thực tiễn. Trước mắt phải thay đổi cách dạy, cách học để cho đúng hướng rồi mới tăng tốc chứ không tăng tốc theo hướng cũ. 
Đề án ngoại ngữ, ngoại ngữ nói chung, trong đó có tiếng Anh, vì sao kỳ thi năm nay ngoại ngữ lại là môn tự chọn? Trong quá trình xây dựng đề án, đổi mới căn bản giáo dục đào tạo, trong khi chưa thay đổi được thì không nên khuyến khích thi cử cũng thay đổi. Nhiều giáo viên ngoại ngữ chất lượng không đảm bảo, nhiều thầy cô nói không được. Hiện nay chúng tôi đang tập trung vào khâu đào tạo lại đội ngũ giáo viên ngoại ngữ, thay đổi chương trình SGK, chương trình giảng dạy. Sau đó, chúng ta sẽ đổi mới thi cử, chọn ngoại ngữ là môn bắt buộc.
Tiếp tục phần chất vấn, ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) nêu thực trạng gần 72.000 SV tốt nghiệp ĐH mà không có việc làm hoặc làm việc không phù hợp với nghề được đào tạo. Bộ có chính sách, biện pháp gì để giải quyết thực trạng này? Cùng nội dung chất vấn này, ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Bình Định) hỏi: “Bộ trưởng với các nhóm giải pháp mà Bộ đưa ra thì đến năm nào mới khắc phục được những hạn chế để có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước?”
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời: “Trách nhiệm của Bộ trong việc để số lượng HS-SV sau tốt nghiệp ĐH-CĐ chưa có việc làm là trong thời gian dài, mô hình phát triển giáo dục, trong đó có giáo dục ĐH chú trọng về quy mô, số lượng mà chưa chú ý đến điều kiện bảo đảm chất lượng. Thứ hai là nội dung chương trình, phương pháp dạy học, thi cử của các trường ĐH chủ yếu xuất phát từ khả năng hiện có của các nhà trường, tổ chức đào tạo theo khả năng mình có, chưa có đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Thứ ba là quy trình mở trường, cấp phép hoạt động cho trường còn thiếu quy định chặt chẽ, chưa theo kịp phát triển của thực tiễn trong và ngoài nước; nội dung dung đào tạo chưa chú trọng khả năng làm việc nhóm, ứng dụng CNTT, ngoại ngữ…
Yếu kém đó đã dẫn đến quy mô tuyển sinh và quy mô SV tốt nghiệp hàng năm tăng lên trong khi chất lượng đào tạo còn thấp. Bộ cùng các cơ sở GD có trách nhiệm chính trong các yếu kém nói trên.
Trong thời gian qua, Bộ có nhiều giải pháp để cải thiện tình hình theo hướng hạn chế việc thành lập trường, cải tiến quy trình cấp phép thành lập và cấp phép hoạt động, khắc phục tình trạng có trường được thành lâp nhưng chưa có cơ sở vật chất, chưa có thầy cô giáo mà đã có chỉ tiêu tuyển sinh, đã đào tạo.
Bộ cũng đã cùng Bộ trưởng LĐTBXH bàn bạc để hai bên thống nhất nội dung, công việc cùng làm, cùng nghiên cứu, thảo luận trong cung ứng nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu thị trường.
Một đại biểu nêu câu hỏi về vấn đề điểm sàn thi đại học, liệu năm nay có bỏ điểm sàn. Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Luận cho hay, Bộ không bỏ điểm sàn ĐH. Đổi mới tuyển sinh ĐH năm nay là phân ra 2-3 mức sàn, có mức sàn cao, có mức sàn thấp hơn. Nhưng mức thấp hơn này không có hạ thấp tiêu chuẩn,yêu cầu so với các năm trước để triển khai Luật giáo dục ĐH là tổ chức việc phân tầng ĐH thành các tầng khác nhau ở các mức chất lượng khác nhau.
Điểm sàn không quyết định chỉ tiêu tuyển sinh mà là mức giới hạn về chất lượng. Chỉ tiêu tuyển sinh từng trường, bỏ cơ chế xin cho, quy định việc xác định chỉ tiêu căn cứ vào số lượng giảng viên cơ hữu của các cơ sở đào tạo, trong đó có ưu tiên nếu có nhiều giảng viên GS-TS thì được đào tạo nhiều hơn và diện tích mà nhà trường có thể phục vụ cho việc giảng dạy, đào tạo.
Tiếp đó, ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) nêu vấn đề về bệnh thành tích trong giáo dục và tỷ lệ HS khá giỏi ở các bậc học có phản ánh đúng chất lượng học tập hiện nay hay không? Trong khi đó, vẫn còn thực trạng là học sinh THCS vẫn viết sai chính tả, không diễn đạt nổi một câu hoàn chỉnh, đúng cú pháp.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Luận khẳng định: “Trong thời gian qua, Bộ rà soát lại các quy định, loại bỏ các quy định đánh giá giáo viên, đánh giá cơ sở giáo dục dựa vào thành tích học tập của HS. Đối với bậc tiểu học, cho triển khai chương trình giảng dạy tiếng Việt mới theo công nghệ giáo dục tại hơn 40 tỉnh, TP trong cả nước. Với chương trình này, xin hứa với ĐB QH các cháu học hết lớp 1 là có thể viết được đúng chính tả, học hết lớp 3 là viết được câu đúng và không tái mù.
Khi chúng ta chuyển một cách hoàn chỉnh được nền giáo dục hiện nay đang nặng về truyền thụ kiến thức một chiều sang chú trọng đánh giá năng lực, phẩm chất thì sẽ không còn chỗ cho không đánh giá đúng HS-SV.
ĐB Phạm Thị Hải nêu chất vấn qua 3 lần thực hiện cải cách giáo dục, những yếu kém của ngành vẫn tiếp tục tồn tại. Vậy đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa Bộ sắp trình QH có khắc phục được không?
Bộ trưởng Luận khẳng định, Bộ có niềm tin vững chắc rằng nếu triển khai Nghị quyết, đề án trên một cách nghiêm túc, thực sự, cả hệ thống chính trị vào cuộc thì tình trạng yếu kém về chất lượng, bức xúc của xã hội sẽ được giải quyết căn bản.
ĐB Đặng Thị Mỹ Hương (Minh Thuận) nếu câu hỏi: “Dư luận đánh giá cao đổi mới mà ngành Giáo dục đạt dc. Tuy nhiên, Bộ thực hiện đổi mới thi tốt nghiệp THPT theo cách rút từ 6 môn xuống còn 4 môn thi. Dư luận cho rằng đổi mới thi cử này vô hình chung khuyến khích học sinh học lệch. Trong thời gian tới có còn việc đổi mới kỳ thi nào nữa không?
Vấn đề thứ hai mà đại biểu Hương hỏi đó là thời gian qua, Đảng NN đã ban hành nhiều chính sách nhưng vẫn còn bất cập về việc học sinh bỏ học, nhất là học sinh trường dân tộc nội trú. Nhiều HS tốt nghiệp TP dân tộc nội trú xong không có điều kiện để thi, học đại học. Có giải pháp nào để nâng cao giáo dục 1 cách căn cơ tại các địa bàn kể trên. Có chính sách nào giúp các em HS miền núi học xong có việc làm, có thể nuôi sống bản thân và gia đình?
Trả lời câu hỏi thứ nhất của bà Hương, Bộ trưởng Luận nói: “Kỳ thi thi tốt nghiệp THPT vừa qua, có 3 môn bắt buộc là văn, toán, ngoại ngữ. Còn các môn sử, địa, lý, hóa, sinh vật là tự chọn.
Các môn tự chọn thường vừa học vừa chờ đợi. Gần đến ngày thi Bộ GDĐT mới công bố môn thi, để tránh tình trạng học sinh học đối phó. Các năm trước có một thực trạng là nếu năm nay thì môn sử, các cháu sẽ biết rằng năm sau sẽ không thi môn sử nữa, như vậy sẽ làm cả 1 khóa học không chú trọng môn này, học lệch.
Chúng tôi đánh giá các HS học THPT dựa vào 2 yếu tố: toàn bộ kết quả học trong năm, và kết quả thi tốt nghiệp 4 môn. Một thay đổi nữa là thay vì bộ chọn môn thi, chúng tôi để cho các cháu tự chọn. Như vậy chúng tôi chú trọng năng lực, định hướng nghề nghiệp của các cháu. Cách làm như vậy vừa chú trọng giáo dục toàn diện, vừa tôn trọng phát huy được năng lực của các cháu trước ngưỡng cửa chọn trường, chọn nghề.
Minh Hiếu