Liên quan đến thông tin một số đối tượng gửi mail URC hối lộ NIFC làm thay đổi kết quả xét nghiệm Trà xanh C2, Rồng Đỏ, cả đại diện công ty TNHH URC Việt Nam và cán bộ Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia (NIFC) đều khẳng định thông tin này là bịa đặt nhằm gây tổn hại uy tín cá nhân, cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp.
|
Sản phẩm C2 và Rồng Đỏ của URC. |
Nếu thông tin bôi xấu Công ty TNHH URC Việt Nam và NIFC là hoàn toàn bịa đặt thì đối tượng tung tin sẽ phải chịu trách nhiệm gì trước pháp luật, Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh - Đoàn luật sư TP Hà Nội và Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp.
Tố cáo sai sự thật sẽ phạm tội vu khống
- Nếu thông tin Công ty TNHH URC Việt Nam hối lộ cán bộ NIFC làm thay đổi kết quả xét nghiệm Trà xanh C2 và Rồng Đỏ là bịa đặt, những người gửi mail tố cáo sai sự thật có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật?
Luật sư Nguyễn Thế Truyền: Tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp và nhiều văn bản pháp luật khác. Khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo 2011 quy định: “Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật tố cáo quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức”. Tuy nhiên, Khoản 3 Điều 30 Hiến pháp 2013 cũng quy định: “3. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác”. Tại Khoản 10 Điều 8 Luật Tố cáo 2011 quy định hành vi bị nghiêm cấm như sau:“10. Cố ý tố cáo sai sự thật; kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; mạo danh người khác để tố cáo”.
|
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh. |
Liên quan đến sự việc tố cáo nhận hối lộ vụ xét nghiệm sản phẩm nước uống trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ, nhà chức trách đã chính thức bác bỏ thông tin đến “nghi vấn” email từ công ty URC gửi đến hai cán bộ của Viện kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia, nhắc đến số tiền 1 tỷ đồng để “bồi dưỡng” kết quả kiểm nghiệm các mẫu nước giải khát nói trên. Thực hư câu chuyện này ra sao vẫn cần các cơ quan chức năng điều tra làm rõ, tuy nhiên, trong trường hợp xác định hành vi tố cáo là sai sự thật, người tố cáo sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái: Theo các quy định của pháp luật, khi có đơn tố cáo hay khiếu nại hoặc cá nhân tổ chức thông tin về việc hối lộ như trên thì cơ quan điều tra cần vào cuộc phối hợp với các bên để làm rõ những nội dung thông tin tố cáo. Nếu kết quả điều tra xác nhận những thông tin trên là bịa đặt thì những người tố cáo (tùy hành vi mức độ mà người ta có thể nghe và biết nhưng nếu biết rõ là không có, mà cố tình thông tin sai) là vi phạm pháp luật.
- Những người tố cáo sai sự thật sẽ bị xử lý thế nào theo các quy định của pháp luật?
Luật sư Nguyễn Thế Truyền: Theo điều 48 Luật Tố cáo 2011 quy định về việc xử lý hành vi vi phạm của người tố cáo như sau: “Người tố cáo và những người khác có liên quan có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Theo đó, người tố cáo sai sự thật có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 122 Bộ luật Hình sự về Tội vu khống, với khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù giam, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Ngoài ra, người tố cáo sai sự thật còn có nghĩa vụ bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi của mình gây ra.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái: Nếu kết quả điều tra xác nhận những thông tin trên là bịa đặt thì những người tố cáo phạm tội vu khống hoặc đưa thông tin sai sự thật sẽ bị truy trách nhiệm theo điều 122 Bộ luật hình sự.
Theo quy định trên, một hành vi sẽ bị coi là phạm tội vu khống khi có một trong các biểu hiện sau đây: “Loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt” được hiểu là việc sao chép nhiều bản gửi đến nhiều nơi, đăng tin, kể lại cho nhiều người, …về những thông tin không đúng sự thật, thông tin không đúng đối với một cá nhân, tổ chức nào đó. Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý.
Trong tình huống không biết những thông tin về tổ chức là sai sự thật mà sao chép, đăng tải trên trang facebook thì không cấu thành tội vu khống theo Điều 122 Bộ luật hình sự.
Trong điều 37, Bộ luật dân sự 2005 quy định rõ: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”, có thể hiểu rộng ra, uy tín của tổ chức cũng được pháp luật bảo vệ”. Điều 25 Bộ luật dân sự quy định: “Khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm thì người đó có quyền tự mình cải chính; yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi, xin lỗi, cải chính công khai; yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại”.
Hành vi loan truyền thông tin sai sự thật của đối tượng trong tình huống gây ảnh hưởng đến uy tín, lợi ích của tổ chức. Tổ chức bị đưa tin sai sự thật có quyền yêu cầu đối tượng loan tin trong tình huống chấm dứt hành vi đăng tin sai sự thật về tổ chức trên trang facebook, yêu cầu xin lỗi, cải chính thông tin, bồi thường thiệt hại. Thiệt hại phải bồi thường: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, bù đắp về tổn thất tinh thần (Điều 611 Bộ luật dân sự 2005).
Đăng nội dung đơn tố cáo chưa thẩm định, nếu sai sự thật... phải chịu trách nhiệm thế nào trước pháp luật?
- Khi các thông tin xung quanh vụ việc còn trái chiều, sự thật chưa được làm sáng tỏ, một số báo mạng điện tử đăng tải các nội dung có tính kích động, gây hoang mang dư luận, khiến người dân mất niềm tin vào các cơ quan Nhà nước. Nếu cơ quan chức năng khẳng định, thông tin tố cáo là bịa đặt, thì những trang mạng đăng tin chưa kiểm chứng phải chịu trách nhiệm thế nào trước pháp luật?
Luật sư Nguyễn Thế Truyền: Đối với hành vi này, các cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị phạt tiền đến 100.000.000 đồng theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.
|
Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp |
Luật sư Nguyễn Hồng Thái: “Các cơ quan báo chí khi nhận được đơn thư tố cáo phải thẩm tra trước khi đăng. Có thể sự việc là thật, cũng có thể những nội dung tố cáo là bịa đặt. Nếu các thông tin trên không đúng thì việc đăng tải sẽ ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu, doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức liên quan thì phải xin đính chính và bồi thường theo các quy định hiện hành của pháp luật”.
- Qua vụ việc trên, các luật sư có đề xuất gì xung quanh việc nhiều cá nhân tổ chức lợi dụng các quy định của pháp luật, tố cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng đến các cá nhân tổ chức?
Luật sư Nguyễn Thế Truyền: Trong thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng pháp luật tố cáo đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là hành vi nghiêm cấm và quy định xử lý việc tố cáo sai sự thật, thì cần sớm ban hành Nghị định về XPVPHC trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo để dần hoàn thiện hệ thống chế tài đủ mạnh, đồng bộ xử lý hành vi vi phạm pháp luật này. Đặc biệt, khi đã phát hiện chính xác hành vi lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, tố cáo làm hại người khác thì phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Có như vậy, mới có thể hạn chế được kiểu dân chủ “quá trớn”, dân chủ ngoài khuôn khổ pháp luật trong xã hội hiện nay.
Xin trân trọng cảm ơn Luật sư Nguyễn Hồng Thái và Luật sư Nguyễn Thế Truyền về các nội dung trao đổi trên.
Hải Ninh