Bản án hoàn hảo từ việc phá án từ lời khai "hung thủ"
Tóm tắt lại vụ việc giết người tại làng Me (xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang) trong bản án Phúc thẩm số 1241 như sau, vào lúc 22h ngày 15/08/2003, qua tin báo của người dân, người thân chị Nguyễn Thị Hoan đang nằm dưới nền nhà lát gạch trong vũng máu và chiếc gối ngủ còn đậy trên mặt. Lúc này, nạn nhân đã chết.
Ngày 16/8/2003, cơ quan cảnh sát điều tra, công an tỉnh Bắc Giang tiến hành thủ tục khám nghiệm tử thi và khám nghiệm hiện trường vụ án. Mô tả tại hiện trường, nạn nhân nằm trên vũng máu, xung quanh khu vực dưới chân nạn nhân có mảnh chai vỡ và phát hiện một lưỡi dao (xác định là dao bấm) rơi cạnh xác nạn nhân.
Kết quả giám định pháp y số 553/PY ngày 20/8/2003 của Tổ chức giám định kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bắc Giang kết luận: các vết thương trên cơ thể nạn nhân là do ngoại lực tác động; vật tác động là vật tày, vật sắc gọn và vật nhọn, lưỡi sắc. Chị Nguyễn Thị Hoan chết do chấn thương đầu, mặt, vết thương ở bụng làm đứt động mạch mạc treo, chảy máu và mất máu dẫn đến sốc trụy tim mạch cấp, chết sau bữa ăn cuối cùng khoảng 30 phút đến 2 giờ đồng hồ. Hiện trường vụ án có nhiều dấu chân dưới nền nhà, dấu vết tay có máu trên cửa, trên thanh sắt cài cửa hậu, dấu vết trên công tắc điện… Tại hiện trường, cơ quan điều tra cũng phát hiện dấu chân để lại. Trong số các dấu chân trên có hai vết chân trái dài 23cm, rộng 8,6cm và một vết chân phải dài 23,5cm, rộng 9cm.
|
Lời khai ông Chấn trong bản án 1241 |
Sau quá trình rà soát các đối tượng đáng nghi, Nguyễn Thanh Chấn được đưa vào dạng nghi vấn bởi những bất minh trong khoảng thời gian tối 15/8. Kết quả đo bàn chân của ông Chấn cho thấy chân trái ông Chấn dài 22cm, rộng 8,8cm, chân phải dài 23cm, rộng nhất 9,6 cm. Ngay lập tức, cơ quan điều tra đã coi đó là một trong những bằng chứng để kết luận Chấn là hung thủ vụ việc.
Trong các biên bản lời khai bản cung mà cơ quan điều tra lấy lời khai của Nguyễn Thanh Chấn đều rất hoàn hảo. Cụ thể, lời khai của Chấn như sau: “Vào 19h tối ngày 15/8/2003, tôi đi xin nước, khi đi qua nhà cô Hoan nhìn thấy hai mẹ con cô Hoan ở đằng sau sân cửa phụ nhà trên, thấy điện sáng cửa mở. Tôi tiếp tục đi đến nhà ông Minh. Tôi vào giếng nhà ông Minh để hai thùng nhựa và đôi dép. Và đã nảy sinh ý định…quay lại nhà cô Hoan. Thấy Hoan đang lấy quần áo gì đó, thế là tôi bảo cô Hoan “cho anh một cái”. Sau đó, tôi ôm, sờ vú, cô Hoan bảo “Anh Chấn lằng nhằng, vớ vấn thật”. Tôi cứ ôm hôn cô Hoan. Thế là Hoan vung tay tát tôi, sẵn có vỏ chai bia gần đó, một tay ôm Hoan, một tay với chai bia, đập chai bia vào đầu cô Hoan, chai bia tuột ra vỡ. Tôi cầm đầu cô Hoan dù cô Hoan ngã, tôi rút dao đâm cô Hoan vào ngực và cằm. Cô ấy có chống lại và vung tay đỡ. Tôi vớ cổ chai đâm tiếp vào bụng cô Hoan, nhấc người cô ấy lên đập xuống 2 lần. Cô ấy chết…”
Tại biên bản lấy lời khai hồi 18h35 ngày 28/9/2003, Chấn trình bày lý do có đơn tự thú: “Tôi xin được tự thú về việc tôi đã trực tiếp tham gia gây cái chết cho cô Hoan ở cùng xóm xảy ra tối 15/8/2003 vì được nghe cán bộ giải thích về pháp luật, chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước áp dụng với những người phạm tội nên tôi làm đơn tự thú trước pháp luật để mong hưởng sự khoan hồng…”.
Những lời khai của Chấn và lời nhân chứng trùng khớp với hiện trường vụ án. Và với kết luận hoàn hảo từ quá trình điều tra ấy, từ tòa sơ thẩm đến tòa phúc thẩm đều căn cứ vào đó để kết án Chấn tù chung thân với tội danh giết người có tính chất côn đồ. Tuy nhiên, ẩn đằng sau bản án hoàn hảo ấy, 10 năm sau một sự thật kinh hoàng đã được tiết lộ, khi đối tượng Lý Nguyễn Chung ra đầu thú.
Nghi án dùng nhục hình, ép cung qua lời kể của ông Chấn
Một câu hỏi mà dư luận và ngay cả làng xóm láng giềng của ông Chấn đặt ra 10 năm sau, khi ông Chấn được thả tự do “Tại sao ông Chấn không có tội mà các bản cung đều có chữ ký nhận tội của ông Chấn và khi đã ký nhận tội, ra tòa sơ thẩm và phúc thẩm ông Chấn đều kêu oan?”. Câu trả lời của ông Chấn sau đó đã hé lộ những sự thật khủng khiếp khiến người ta liên tưởng tới thời trung cổ bởi việc ông Chấn cho biết mình bị dùng nhục hình, ép cung nên mới phải ký nhận tội.
Theo lời kể của ông Chấn, ông đã bị cán bộ điều tra dùng vũ lực để ép ông thừa nhận tội ác mà mình không gây ra. “Các anh công an đánh tôi, ép tôi phải nhận tội giết người. Họ còn dọa “Mày mà không nhận tội, tao tát vỡ mồm. Lúc hỏi cung có cán bộ tay cầm dao đe dọa. Có người cầm búa dọa, nếu không khai thì cho chết. Trực tiếp là điều tra viên Nguyễn Hữu Tân, còn thì cán bộ khác hỏi. Điều tra viên Trần Nhật Luật tay cầm dao đe doạ. Cán bộ Luật cầm búa khi Tân hỏi. Luật hỏi mày có khai không, tao cho mày chết. Điều tra viên Dung đánh tôi bắt tôi tập đi tập lại các động tác từ trong tù để đi thực nghiệm tại hiện trường”.
|
Ông Chấn khẳng định mình bị dùng nhục hình, ép cung nên mới nhận tội giết người |
Ngay trong đơn kêu cứu khi ngồi tù của ông Chân nêu rõ: “Ngày 30/8/2003 tôi nhận được “giấy mời lần 1” về công an huyện Việt Yên để gặp và làm việc. Cụ thể là lấy dấu chân và dấu vân tay của tôi, đồng thời hỏi tôi có biết gì về cái chết của cô Hoan không? Tôi trả lời không biết gì cả. Đến 20/9/2003 tôi lại nhận được giấy triệu tập lần 2. Tôi lên để gặp làm việc và tiếp tục lấy dấu vân tay, dấu chân nhiều lần. Tôi vẫn trả lời không biết gì về cái chết của cô Hoan cả. Sáng hôm sau tôi đến theo hẹn thì cán bộ Nguyễn Hữu Tân lại lấy dấu chân, dấu tay của tôi nhiều lần rồi tra hỏi, đánh tôi rất đau. Cán bộ Nguyễn Hữu Tân bảo cho mày uống thuốc lú cho mày cãi khỏe, mày không biết rồi mày khắc phải nhận. Tôi vẫn bảo: tôi không giết người sao lại cứ gọi tôi?”. Theo lời ông Chấn: “Trong trại Kế, tội phải tập đâm bên nọ, đâm bên kia. Họ cho 1 tù nhân giả cô Hoan. Tập nhiều lần cho thành thạo. Làm đi làm lại để cho đúng ý của họ. Sau đó mượn nhà dân ở xa xa mang ra đấy cả máy quay đến quay.
Trao đổi với PV, LS Nguyễn Đức Biền, người được chỉ định tham gia bào chữa cho ông Chấn trong phiên tòa sơ thẩm ngày 26/3/2004, cho biết “Trong quá trình điều tra và tô tụng, cả cơ quan điều tra và cơ quan tố tụng đã không tìm được chứng cứ gốc để buộc tội ông Chấn nên có thể nói là chứng cứ lỏng lẻo, chỉ có lời khai của bị cáo ở bút lục thừa nhận việc giết người. Tuy nhiên, đáng lưu ý là những lời khai nhận tội này lại bị ông Chấn bác ngay tại hai phiên tòa vì lý do bị ép cung nhưng không được tòa xem xét tới”.
Từ việc điều tra lỏng lẻo, thiếu chứng cứ gốc, cơ quan điều tra đã căn cứ vào lời khai (bị ép cung) của Nguyễn Thanh Chấn để hoàn thành hồ sơ truy tố. Tòa sơ thẩm và phúc thẩm đã căn cứ vào tài liệu này để kết án ông Nguyễn Thanh Chấn tội giết người với án chung thân. Việc để oan sai do quá trình điều tra và quá trình tố tụng, các cán bộ tham gia có bị liên đới trách nhiệm, PV Kiến Thức tiếp tục làm rõ và thông tin đến bạn đọc.
Triệu tập các điều tra viên để làm rõ
Đại tá Nguyễn Văn Chức, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, công an tỉnh đã chỉ đạo tổ làm án, cơ quan cảnh sát điều tra hiện nay phải báo cáo xem lại toàn bộ hồ sơ vụ án. Đồng thời, triệu tập các điều tra viên (trừ một điều tra viên đã mất) từng tham gia điều tra vụ án của ông Chấn cách đây 10 năm để tiến hành xác minh, điều tra làm rõ sự việc. “Nếu điều tra viên nào làm như vậy là không đúng, không được phép làm. Còn sự thật của vụ việc và đúng sai như thế nào phải chờ điều tra, xác minh. VKSND tối cao sẽ xem xét trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đến vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn như cơ quan điều tra, VKSND tỉnh Bắc Giang cũng như của tòa án, từ khâu điều tra đến truy tố, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm trước đây. Thẩm quyền xử lý trách nhiệm của các cá nhân trong vụ án này thuộc về VKSND tối cao.
Hải Ninh