Việc bài trí trong ngôi nhà của cư dân ở thập niên 1920, 1930, trên sách và báo xưa cách nay gần trăm năm như Đông Pháp thời báo, Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh Tân văn... rồi Phụ nữ Tân Văn, Sài Gòn..., ở các trang quảng cáo, các bài báo và tiểu thuyết đăng dài kỳ, còn để lại một số chi tiết tản mác.
Cuốn tiểu thuyết Ai lỗi lầm của tác giả Tuấn Anh in năm 1926 tả một ngôi nhà vùng Chợ Đũi (khu vực chung quanh ngã tư Võ Văn Tần - Cách Mạng Tháng Tám) như sau: “Như nhà kia ở Chợ Đũi, trong nhà trưng dọn trang hoàng. Trên tường bằng cấp mề đay sừng nai đầu gấu, dưới đất lót thảm bông rất đẹp. Nhà ấy ngăn ra ba cái phòng, trong phòng ngủ giường sắt, nệm nhung, gối thêu, ra (drap) lụa".
"Kế đó phòng ăn, chính giữa để cái bàn dài trải thảm trắng tinh. Hai bên vách có hai cái tủ kiếng, một cái đựng các thứ rượu tây, ly dĩa toàn là pha lê khảm bạc. Còn một cái nữa đầy những đồ ăn. Nào đồ hộp đồ ve, thứ gì cũng có".
"Ngoài phòng khách toàn là ghế ruột gà nệm thêu. Ngoài cửa bước vô có cái ghế nhỏ để cặp ngà voi, bàn giữa để một cái bình đồng cắm nhiều thứ hoa thơm sắc lịch, còn hai bên vách hình đá, hình đồng, tượng tranh kiểu vật chưng coi rất đẹp”.
Ngôi nhà này với trang bị đồ đạc dày đặc như vậy, phải ở mức thượng lưu, có quyền thế hay nhà buôn lớn. Đồ đạc ảnh hưởng cách chưng bày kiểu Tây, nhưng vẫn đậm chất phương Đông, cầu kỳ với thảm bông, nệm nhung, ra lụa, ly pha lê khảm bạc.
|
Phòng khách thập niên 1950s, bày biện theo phong cách cổ đồ. Ảnh tư liệu của T.G
|
Thanh bạch hơn, là nơi ở của một nhà văn, khoảng đầu thập niên 1930 trên đường Espagne (nay là Lê Thánh Tôn). Đây là cách bày trí căn phòng: “Ngọn đèn điển (điện) chiếu sáng. Trong cái phòng ấy chưng dọn rất gọn, hai bên có để cái ghế xích đu, một bên có để cái máy đánh chữ. Phía ngoài để một cái ghế dài bằng mun láng bóng và cái ghế trắc rất đẹp. Đứng (bên) trong, dòm bên vách tay trái có cái hình thánh Gandhi, bên tay mặt có hình Tôn Dật Tiên, ở giữa thì treo một bức họa đồ thật lớn và tấm hình Phan Tây Hồ”.
Đến nhà của một cô gái, không phải của cô mà được người yêu tặng, nằm trên đường Mac Mahon (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa): “Nhà ấy có hai từng (tầng), chia ra phòng tiếp khách, phòng ngủ, phòng ăn rất phân biệt. Trước mặt nhà thì là một cái sân nhỏ đổ sạn, có một cái bồn bông rất đẹp và vài cái chậu kiểng rất xinh. Sau nhà thì là một cái vườn cây, mát mẻ lạ lùng... Cỏ trồng như nệm, dưới gốc cây đều để ghế dài. Sở nhà ấy vốn của một ông Trạng sư về Tây bán lại giá sáu chục ngàn đồng”.
Đến nhà một cô gái giang hồ ở đường La Grande de la Liraye (nay là Điện Biên Phủ): “Nhà chưng dọn đẹp đẽ, có giường ruột gà, có nhiều bức tranh Tàu... Căn nhà ấy thông qua một căn nữa. Hai ba gái nhỏ và một bà già xúm lại dẹp đồ cho cô, và bưng nước cho cô rửa mặt”. Cũng thanh cảnh chứ không đến nỗi xô bồ và loè loẹt.
Đó là cảnh bài trí nhà cửa thời trước 1945 ở Sài Gòn do nhà văn Bửu Đình tả trong tiểu thuyết Mảnh trăng thu đăng trên báo Phụ nữ Tân văn số 83 năm 1931.
|
Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm của tác giả Phạm Công Luận / Phanbook và NXB Đà Nẵng là tập hồi ức, sưu tầm, khảo cứu và ghi chép về văn hóa Sài Gòn một cách có hệ thống, kỹ lưỡng. Những câu chuyện về căn nhà, trang phục, lối sống, thưởng thức nghệ thuật, ẩm thực, nghề nghiệp mưu sinh… là tài liệu quý giá về mảnh đất Sài Gòn ngày tháng cũ, giúp ta giải mã một số giá trị thuộc về và làm nên căn tính của một thành phố.
|
Theo Zing