Nâng cao năng lực đối kháng
Năng lực đối kháng cao bao gồm năng lực chống xung đột và tính năng của vũ khí trang bị trên tàu.... Biện pháp chủ yếu nâng cao năng lực chống va chạm gồm: Gia cố đặc biệt một số vị trí trên thân tàu; ở khu vực dễ xảy ra va chạm, cần thiết kế dày thêm các thanh đỡ; trong điều kiện thiết kế tổng thể cho phép có thể tính đến việc bố trí 2 lớp bảo vệ ở khu vực chủ yếu.
Trong khi đó, vũ khí trang bị có thể chia thành vũ khí sát thương cứng và sát thương mềm. Vũ khí sát thương cứng là trang bị có khả năng sát thương nhất định, ví dụ như súng; vũ khí sát thương mềm là những trang bị có thể gây ra mối nguy hại tương đối nhỏ, ví dụ như vòi rồng, đèn pha công suất lớn, thiết bị gây nhiễu thông tin v.v...
Căn cứ vào tình hình hiện nay, tàu chấp pháp đã được trang bị để trở thành loại tàu bán quân sự. Tàu chấp pháp của Mỹ, Nhật Bản từ lâu đã trang bị vũ khí sát thương cứng. Tàu lớp Hamilton của Mỹ trang bị một pháo hạm 76mm, 2 pháo hạm 25mm, một pháo 6 nòng 20mm, 4 súng máy phòng không 12.7mm. Tàu Shikishima của Nhật Bản trang bị 2 pháo hạm hai nòng 35mm, 2 pháo hạm 20mm.
|
Tàu tuần duyên lớp Hamilton. Nguồn ảnh: Daddy Strategypage |
Tăng kích thước tàu chấp pháp
Tăng kích thước của tàu chấp pháp gồm tăng kích thước và nâng cao lượng giãn nước, giúp nâng cao khả năng chống chịu sóng, gió, năng lực hành trình liên tục và các tính năng khác. Khả năng chịu sóng chủ yếu được thể hiện: dưới tác động của sóng biển, tàu sẽ chuyển động lắc lư, va chạm, đè sóng, mất tốc dộ… nhưng tàu vẫn bảo đảm duy trì tính năng hành trình an toàn với tốc độ nhất định.
Trong khi đó, năng lực chịu gió chủ yếu được xem xét khả năng tàu không bị lật úp trong trường hợp gió lớn. Biện pháp nâng cao năng lực chịu gió bao gồm: Giảm thiểu tiết diện cản gió của tàu, nâng cao tính ổn định của tàu và nâng cao lượng giãn nước của tàu.
Năng lực hành trình liên tục cũng là yếu tố rất quan trọng đối với năng lực chấp pháp của tàu. Do hạn chế về kích thước chính và việc bố trí tổng thể, lượng nhiên liệu mà tàu 1.000 tấn có thể mang theo thông thường chỉ có thể đảm bảo khả năng hành trình liên tục 5.000 hải lý, tàu 3.000 tấn là 8.000 hải lý, tàu 5.000 tấn trở lên có thể có khả năng hành trình liên tục 10.000 hải lý. Do đó, tăng kích thước chính và lượng giãn nước có thể làm tăng thể tích khoang chứa nhiên liệu, do vậy, tăng kích thước của tàu là một biện pháp hiệu quả để nâng cao năng lực hành trình liên tục cho tàu.
Tàu lớp Reliance của Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ là loại tàu có trọng tải 1.000 tấn, tàu lớp Famous là loại 2.000 tấn, tàu lớp Hamilton là loại 3.000 tấn, tàu lớp Legend là loại 4.000 tấn. Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cũng đi đầu thế giới trong lĩnh vực tăng kích thước của tàu, điển hình là tàu lớp Sonya (PLH 01) và tàu lớp Tsugara có cùng lượng giãn nước mãn tải là 4.102 tấn; tàu lớp Mizuho có lượng giãn nước mãn tải là 5.288 tấn; tàu lớp Shikishima (PLH 31) có lượng giãn nước tiêu chuẩn là 6.604 tấn và lượng giãn nước mãn tải có thể lên tới 9.500 tấn.
|
Tàu Hải cảnh 31101 của Trung Quốc. Ảnh: Reuters
|
Nâng cao tốc độ di chuyển
Tốc độ hành trình cao liên quan đến tính cơ động và năng lực đối kháng trên biển của tàu, tăng tốc độ cho tàu cũng là xu hướng phát triển tàu chấp pháp cỡ lớn trong những năm gần đây. Nguyên nhân chính thúc đẩy các nước nâng cao tốc độ hành trình của tàu chính là muốn nâng cao năng lực đối kháng trên biển. Bên cạnh đó, nâng cao tốc độ còn giúp lực lượng chấp pháp các nước rút ngắn thời gian phản ứng trước các tình huống khẩn cấp trên biển.
Lượng giãn nước mãn tải của tàu lớp Legend của Mỹ là 4.178 tấn, có tốc độ hành trình lớn nhất là 28 hải lý, công suất động cơ chính khoảng 36,4 Megawatt (MW); lượng giãn nước mãn tải của tàu lớp Famous là 1.849 tấn, tốc độ hành trình lớn nhất là 19,5 hải lý và công suất động cơ chính 5,44 MW. Lượng giãn nước mãn tải của tàu lớp Tsugara của Nhật Bản là 4.102 tấn, tốc độ hành trình lớn nhất là 22 hải lý, công suất động cơ chính là 11,47 MW; lượng giãn nước tiêu chuẩn của tàu lớp Hida là 1.829 tấn, tốc độ hành trình lớn nhất là 30 hải lý và công suất động cơ chính là 29,6 MW.
|
Tàu tuần tra PLH-31 Shikishima của Nhật Bản. Ảnh:wikipedia.org
|
Đa dạng hóa phương thức chấp pháp trên biển
Chấp pháp trên biển trong tương lai sẽ là quá trình “lập thể hóa”, tức là kết hợp nhiều biện pháp chấp pháp: trên không, vũ trụ, trên mặt nước, dưới nước và trên đất liền. Tàu chấp pháp là trang bị quan trọng của hệ thống chấp pháp, do đó đòi hỏi phải có năng lực nhận biết “lập thể” và năng lực trao đổi thông tin tốt.
Năng lực nhận biết “lập thể” là năng lực theo dõi, trinh sát đạt hiệu quả cao, trên mọi phương vị, đa chiều đối với tình hình trên mặt nước, dưới nước và trên không trong toàn bộ khu vực tuần tra. Năng lực nhận biết “lập thể” đòi hỏi phải sử dụng nhiều trang bị để thực hiện, như trực thăng, rađa, sôna, thiết bị thăm dò hồng ngoại, máy ảnh quang học và hệ thống nhận dạng tự động tàu (AIS).
Năng lực trao đổi thông tin là quá trình thu thập, phân tích tổng hợp các tin tức tình báo liên quan đến khu vực trên mặt nước, trên không và dưới nước, đồng thời có thể trình diễn trực quan cho người chỉ huy, giúp người chỉ huy đưa ra quyết sách một cách nhanh chóng, hợp lý, chính xác.
Trong quá trình thực hiện “lập thể hóa”, cần phải có sự phối hợp và hành động chung của lực lượng hải quân và cơ quan chấp pháp trên bờ. Hiện nay, lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ đã tích hợp với hệ thống C4ISR toàn cầu của Hải quân Mỹ. Bất kể là thời bình hay thời chiến, lực lượng này đều có thể chia sẻ thông tin với hải quân, đồng thời cùng với hải quân thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và thực thi pháp luật trên biển.
Lam Ngọc