Theo Tân Hoa Xã, ngày 20/05, tỉnh Hải Nam chính thức đưa vào sử dụng “tàu chấp pháp tổng hợp số 1 thành phố Tam Sa”, nhằm tăng cường thực hiện cuộc tuần tra trái phép tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Tân Hoa Xã cho hay, đây là chiếc tàu chấp pháp lớn nhất của cái gọi là “thành phố Tam Sa”, có nhiều trang thiết bị tối tân, tính năng chấp pháp tiên tiến, có thể tới khu vực biển Trường Sa để tuần tra.
Theo giới thiệu, “Tàu chấp pháp tổng hợp số 1 thành phố Tam Sa” có lượng giãn nước 2.600 tấn, tải trọng 900 tấn, tốc độ 22 hải lý/giờ, có thể hành trình liên tục trên biển 6.000 hải lý, có khả năng tuần tra an toàn khi gió biển cấp 12.
Vương Thức Chính, Phó Cục trưởng Cục chấp pháp cái gọi là Tam Sa cho biết, điều này có nghĩa lực lượng chấp pháp Tam Sa có khả năng tuần tra (trái phép) tới khu vực biển quần đảo Trường Sa. Chiếc tàu này sau khi đưa vào sử dụng, không chỉ tăng cường phạm vi chấp pháp biển tại cái gọi là thành phố Tam Sa, tăng cường năng lực tuần tra chấp pháp, mà còn phát huy tác dụng không thể thay thế trên lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, tiếp tế vật tư cho các đảo tại Biển Đông.
Trên "tàu chấp tổng hợp số 1 thành phố Tam Sa" còn thiết kế chỗ đáp cho máy bay trực thăng, kho máy bay, nhằm thuận tiện cho nhiệm vụ tuần tra cứu nạn tại các đảo ở Biển Đông.
Trung Quốc thành lập trái phép cái gọi là thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ tháng 7/2012 nhằm quản lý các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Bất chấp sự phản đối của Việt Nam, Trung Quốc liên tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm trường học, sân bay, bến cảng ở đây, xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền của Việt Nam.
Trịnh Hải Nam