Trong những năm gần đây, Israel đang nổi lên là quốc gia có các hoạt động hợp tác quân sự - kỹ thuật rất “sôi nổi” với Việt Nam.
Hồi tháng trước, phía Việt Nam đã nhận được các tổ hợp tên lửa phòng không SPYDER lần thứ hai từ phía đối tác Israel. Các tổ hợp tên lửa đất đối không SPYDER đầu tiên đã được phía Israel chuyển giao vào cuối tháng 7/2016, nhưng đó không phải là lần nhận hàng đầu tiên các trang bị vũ khí từ Israel giao cho Việt Nam.
|
Tên lửa SPYDER. Ảnh: Indiatoday |
Phía Việt Nam đã ký một thỏa thuận mua sắm các tổ hợp tên lửa phòng không SPYDER vào năm 2015. Các chi tiết của hợp đồng không được tiết lộ cho nên không thể xác định được là Việt Nam mua bao nhiêu biến thể tầm ngắn (SR) hay tầm trung (MR). Các thành phần của tổ hợp SPYDER được đặt trên xe tải 8x8 MAN của Đức, gói hợp đồng cho Việt Nam cũng bao gồm 200 tên lửa Derby và 200 Python-5.
Kể từ khi đất nước Việt Nam thống nhất, Nga và các quốc gia như Romania và Ukraine... là nhà cung cấp chính các trang bị vũ khí cho Việt Nam. Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, Việt Nam đã bắt đầu mua và trang bị các trang bị vũ khí từ phương Tây, và trong năm qua là các trang bị vũ khí của Israel.
Việt Nam cũng đã trang bị các loại radar phòng không Elta EL/M-2288 và EL/M-2022, cùng các radar được trang bị trên các máy bay DHC-6 Twin Otter, Việt Nam mua từ hãng Viking Air của Canada. Hải quân đánh bộ Việt Nam được trang bị khẩu súng trường tiến công tốt nhất Israel – TAR-21. Trong khi, Lục quân Việt Nam hứa hẹn sẽ được trang bị khẩu Galil ACE thay thế cho AK-47.
Bên cạnh đó, Việt Nam có thể chính là khách hàng hợp đồng nâng cấp máy bay trực thăng vận tải Mi-17 với trị giá khoảng 110 triệu USD với nhà thầu Elbit Systems.
|
Trực thăng Mi-17 của Việt Nam. |
Hợp đồng nâng cấp Mi-17 mà Elbit Systems công bố hôm 8/2 bao gồm việc nâng cấp và duy trì sức chiến đấu cho hàng tá máy bay trực thăng Mi-17 trong thời gian 5 năm. Với trị giá gói nâng cấp lên đến 110 triệu USD, gói nâng cấp này lớn hơn nhiều so với thỏa thuận mà Elbit ký kết với Ấn Độ để nâng cấp 90 trực thăng Mi-17 của không quân Ấn Độ có giá trị khoảng 30 triệu USD. Hiện tại, Việt Nam có khoảng hơn 80 máy bay Mi-8/17, phần lớn các máy bay này được chuyển giao trong những năm 1970.
Một số nguồn tin cho hay, gói nâng cấp trực thăng Mi-17 có thể của Việt Nam bao gồm việc nâng cấp hệ thống hỗ trợ phi công, như các camera và cảm biến được bố trí xung quanh trực thăng, chúng được liên kết với mũ phi công để cung cấp các thông số theo thời gian thực liên tục trong thời gian thực hiện quá trình bay.
Giống với các hệ thống hỗ trợ được Elbit cung cấp trước đây, hệ thống này sẽ bao gồm khả năng dẫn đường bay, hiển thị thông số bay, hiển thị các điều kiện địa hình, khả năng nhìn đêm và đặc biệt nó có thể phát hiện và đánh dấu các mục tiêu đối địch trong tầm gần.
Một số nguồn tin còn cho hay, trong năm 2015, Hà Nội đã dành hàng tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng, trang bị hàng chục máy bay chiến đấu Su-30MK2V, tên lửa diệt hạm, tàu ngầm Kilo... và vô số các loại tên lửa phòng không đưa vào trang bị và sẵn sàng chiến đấu.
Có thể nói rằng, các trang bị vũ khí của Israel đang góp một phần không nhỏ vào công cuộc đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam.
Trung Nghĩa