Hệ thống SSDS trang bị trên tàu sân bay Mỹ do hãng Raytheon nghiên cứu chế tạo, dựa trên cơ sở kỹ thuật trí tuệ nhân tạo và kỹ thuật điều khiển tự động bằng máy tính. Hệ thống này bao gồm tổng hợp vũ khí sát thương cứng và vũ khí sát thương mềm dùng để nghi binh hoặc gây nhiễu tên lửa đối phương. Hệ thống có khả năng theo dõi, nhận biết, khóa mục tiêu đồng thời dẫn đường vũ khí tiêu diệt mục tiêu một cách hoàn toàn tự động.
Thành phần chính của hệ thống SSDS
Các loại rada phát hiện mục tiêu, hệ thống điều khiển chỉ huy, hệ thống truyền số liệu, dẫn đường vệ tinh
- Rađa dải tần kép AN/SPY-3 (DBR): là một loại rađa mảng pha sử dụng băng tần X. AN/SPY-3 sử dụng để giám sát các loại tên lửa chống hạm tàng hình và hỗ trợ điều khiển hỏa lực tên lửa Sea Sparrow, tên lửa SM-2. AN/SPY-3 có diện tích phản xạ rada RCS rất nhỏ, được điều khiển bằng máy tính tự động tốc độ cao giúp giảm đáng kể bố trí nguồn nhân lực vận hành.
|
Vận hành hệ thống rada trên tàu sân bay Mỹ. Ảnh: Wikipedia.org
|
- Hệ thống phân phối thông tin đa năng trên tàu AN/URC-141: là hệ thống phân phối đa năng sử dụng đường truyền dữ liệu Link 16 để cung cấp thông tin cho tàu thuyền mặt nước. Đường truyền dữ liệu link 16 có khả năng cung cấp phương thức truyền tải dữ liệu đảm bảo tin cậy, với đặc điểm cung cấp theo thời gian thực, chống nhiễu tốt và bảo mật cao.
- Hệ thống liên lạc toàn cầu (GBS): Hệ thống phục vụ liên lạc toàn cầu, cung cấp luồng thông tin tốc độ cao, dung lượng lớn, đảm bảo hiệu suất cao trong đánh giá tình hình, tìm mục tiêu, chống tình báo.
- Hệ thống tác chiến điện tử (EW): Sử dụng hình thức đối kháng và nghi binh điện tử, gây nhiễu đối với hệ thống tìm bắt mục tiêu tiến công của đối phương từ đó khiến vũ khí đối phương đi chệch mục tiêu dự định. Trong tác chiến, hệ thống tác chiến điện tử trên tàu sân bay có nhiệm vụ chính là: Gửi cảnh báo nguy hiểm đến chỉ huy, cung cấp số liệu về vị trí hệ thống chống hạm của đối phương; tạo ra mục tiêu giả bằng điện tử, hồng ngoại để gây nhiễu đánh lạc hướng vũ khí chống hạm của kẻ địch; sử dụng các biện pháp gây nhiễu để làm giảm khả năng điều khiển tên lửa và ngư lôi chống hạm của đối phương.
- Hệ thống hiệp đồng năng lực tác chiến (CEC): Là hệ thống hiệp đồng biên đội tác chiến đối không, có khả năng tập hợp các lực lượng làm nhiệm vụ tấn công và phòng thủ thành đội hình liên hợp để phát huy sức mạnh hỏa lực. Việc liên kết các lực lượng giúp cho tàu sân bay mở rộng phạm vi sức mạnh hỏa lực từ đó nâng cao đáng kể khả năng phòng thủ khu vực.
- Hệ thống nhận biết địch-ta AN/UPX-29: Bộ hỏi đáp AN/UPX-29 là hạt nhân của hệ thống nhận biết địch ta AIMS MKXII (IFF), áp dụng kỹ thuật hỏi - đáp để nhận biết mục tiêu trong môi trường tác chiến phức tạp. AN/UPX-29 sử dụng anten mảng pha riêng biệt, thực hiện hỏi - đáp tức thì đối với mục tiêu xuất hiện. Ngoài ra, AN/UPX-29 có thể chuyển dữ liệu mô phỏng thành dữ liệu số, xử lý và lưu trữ lên tới 400 mục tiêu, có thể đưa ra câu hỏi ngay lập tức với thời gian là 25/1000 microsecond, hiển thị đồng bộ mục tiêu nhận biết địch - ta trên 22 bộ hiển thị, đồng thời kết nối với hệ thống điều hành máy tính trên hạm tàu.
Các loại vũ khí đánh chặn
- Hệ thống vũ khí Phalanx: Là một bộ phận cấu thành trong tác chiến phòng thủ tầm gần, dùng để đánh trả các tên lửa chống hạm và máy bay siêu thanh đã đột kích tuyến phòng thủ vòng ngoài của hạm đội.
Phalanx là một hệ thống tác chiến tự động, có khả năng sục sạo, trinh sát, bắt bám, điều khiển và sử dụng pháo bắn nhanh Gatling 20mm với tốc độ 4.500 phát/phút. Hệ thống này có cự ly tác chiến lên tới 6.000m, tầm bắn hiệu quả 1.500m, thời gian phản ứng 2 - 4 giây, thời gian chuyển làn là 4 giây.
|
Hệ thống vũ khí Phalanx. Ảnh: Wikipedia.org |
- Hệ thống tên lửa Sea Sparrow: Hệ thống này được sử dụng để thay thế cho tên lửa RIM-7, hiện tại được bố trí trên tàu khu trục lớp Arleigh Burke-IIA. Hệ thống tên lửa Sea Sparrow là vũ khí phòng thủ chính trang bị cho tàu lớp DDG, CVN và LHA6 và tuần dương hạm lớp Aegis sau khi được cải tiến hiện đại hóa.
- Hệ thống lửa tầm gần Type MK31 Ram: Có khả năng đánh chặn cùng một lúc nhiều mục tiêu. Cấu tạo của hệ thống gồm tên lửa Ram Type RIM-116A và thiết bị phóng MK49. Tên lửa Ram Type RIM-116A là một hệ thống có hỏa lực mạnh, độ chính xác cao, sử dụng kỹ thuật định vị dẫn đường sóng vô tuyến thụ động/hồng ngoại (RF/IR) do đó ít phụ thuộc vào hệ thống dẫn đường trên tàu.
|
Hệ thống lửa tầm gần Type MK31 Ram. Ảnh: Wikipedia.org |
Quy trình tác chiến phòng thủ của hệ thống SSDS
Hoạt động tác chiến phòng không của các tàu sân bay Mỹ được chia làm 3 lớp: Phòng không vòng ngoài, phòng không khu vực và phòng thủ điểm.
- Phòng không vòng ngoài: Phạm vi phòng không của lớp thứ nhất này vào khoảng 550km với lực lượng tác chiến chính là máy bay cảnh báo sớm và máy bay chiến đấu trên hạm.
Ban đầu, các máy bay cảnh báo sớm E-2D được trang bị rađa mảng pha quét điện tử Type AN/APY-9 sẽ tiến hành sục sạo toàn bộ phạm vi mà hệ thống rada có thể vươn tới. Quá trình sục sạo nếu như phát hiện mục tiêu một mặt chỉ huy máy bay đánh chặn hoặc máy bay chiến đấu (như F/A-18A/F) bắn hạ máy bay địch có ý đồ phóng tên lửa, mặt khác sử dụng hệ thống CEC để truyền thông tin bắt bám mục tiêu trên không của địch về SSDS tại trung tâm chỉ huy tác chiến trên tàu sân bay.
- Phòng không khu vực: Mục đích của lớp phòng không này là đánh chặn hầu hết các tên lửa chống hạm, giảm nhẹ áp lực cho hệ thống phòng thủ điểm. Nhiệm vụ phòng không khu vực của tàu sân bay chủ yếu do CEC đảm nhận. Các hệ thống có liên quan gồm: Rađa băng tần kép, hệ thống nhận biết địch - ta, hệ thống phòng thủ trên tàu.
Ở giai đoạn này, hệ thống CEC sẽ tiếp nhận các thông tin liên quan đến mục tiêu gồm: Mục tiêu trên không do thiết bị bắt bám trên tàu xác định được (rađa băng tần kép); mục tiêu trên không do thiết bị bắt bám vòng ngoài phát hiện (máy bay cảnh báo sớm, các thiết bị bắt bám trên tàu khác); thông tin nhận biết đối với mục tiêu trên không của hệ thống nhận biết địch - ta trên tàu.
Sau đó, hệ thống CEC tập hợp các thông tin đó lại và tạo thành sơ đồ hình thái tổng hợp trên không (SIAP) để chuyển về bộ hiển thị màn hình lớn tại trung tâm chỉ huy tác chiến, đồng thời cung cấp cho tất cả các hệ điều hành tác chiến cùng sử dụng, nhằm hỗ trợ nhiệm vụ phòng không khu vực của cụm tàu. Trên cơ sở sơ đồ hình thái trên không, hệ thống SSDS sẽ quyết định sử dụng các nguồn vũ khí phòng không có sẵn được biên chế.
- Phòng thủ điểm: Là lớp phòng không lớp cuối cùng, bao gồm hệ thống tên lửa phòng không tầm gần và pháo phòng thủ tầm gần. Hệ thống SSDS tiếp nhận sơ đồ hình thái trên không qua CEC, những thông tin khác do phòng không tầm vòng ngoài và phòng không khu vực cung cấp, thông qua đường truyền dữ liệu và thông tin vệ tinh để có được thông tin mới nhất về mục tiêu. Sau đó hệ thống sẽ tự động chuyển các sơ đồ hình thái về bộ hiển thị màn hình lớn tại trung tâm chỉ huy tác chiến để các sỹ quan chỉ huy xây dựng kế hoạch tác chiến.
Ở giai đoạn này, hệ thống SSDS sẽ ra lệnh cho các loại vũ khí phòng thủ điểm trên tàu (tên lửa hạm đối không Sea Sparrow, tên lửa Ram, pháo phòng thủ tầm gần Phalanx) để đánh chặn mục tiêu trên không. So với 2 lớp đánh chặn ở trên, giai đoạn phòng thủ điểm khó khăn và phức tạp hơn nhiều do cự ly tới mục tiêu đã bị rút gắn hơn rất nhiều. Chính vì vậy, giai đoạn này đòi hỏi hệ thống đánh chặn phải phản ứng nhanh, độ chính xác cao, hiệu suất lớn thì mới có thể đánh chặn thành công.
Hiện nay, thống kê cho thấy, thời gian phản ứng trước các tình huống khẩn cấp của hệ thống này chỉ trong vòng 4 giây, có thể trinh sát, theo dõi được liên tục hơn 50 mục tiêu, bắt bám hơn 20 mục tiêu và có khả năng đối phó hiệu quả với các tên lửa chống hạm bay ở độ cao cực thấp.
Lam Ngọc