Tàu cứu hộ tàu ngầm Project 21300S lớp Delphin do Cục thiết kế hàng hải Almaz có trụ sở tại Saint-Petersburg nghiên cứu, phát triển. Chiếc đầu tiên thuộc lớp tàu này mang tên Igor Belousov đã được biên chế cho Hải quân Nga.
Project 21300S lớp Delphin có lượng giãn nước lên tới 5.000 tấn, chiều dài khoảng 100m, chiều rộng 17m, tốc độ tối đa 15 hải lý/h, khả năng hoạt động liên tục 3.5000 dặm, 01 bão đỗ trực thăng, biên chế thủy thủ 100 người.
|
Tàu cứu hộ Project 21300S lớp Delphin. Ảnh: Defensestudies.com |
Nó được thiết kế cho nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn đối với tàu ngầm gặp nạn. Ngoài ra, tàu còn mang theo các thiết bị phục vụ cho nhiệm vụ nghiên cứu thủy văn, tính chất vật lý của các đại dương và các khu vực ven biển.
- Hệ thống cứu hộ hiệu quả: Tàu cứu hộ Project 21300S lớp Delphin được biên chế một thiết bị lặn sâu Bester, thiết bị này có thể chở được 22 thủy thủ lặn tới độ sâu 720m và có khả năng cứu nạn khi độ nghiêng lên đến 45 độ.
Bester được chế tạo bởi Phòng thiết kế Lazurit, thiết bị này được triển khai và thu hồi bằng cần cẩu để tìm kiếm và cứu hộ tàu ngầm gặp nạn. Bester sẽ kết nối với nắp tàu ngầm, thủy thủ đoàn trên tàu cứu hộ sẽ mở nắp và giúp thủy thủ tàu ngầm gặp nạn di chuyển lên tàu cứu hộ.
|
Thiết kế của tàu Project 21300S. Ảnh: Globalsecurity.org |
Ngoài ra, tàu còn được trang bị ba thiết bị lặn không người lái điều khiển từ xa để nâng cao khả năng và phạm vi tìm kiếm cứu nạn. Tàu cứu hộ Project 21300S còn được trang bị một trạm khí nén tĩnh cung cấp nơi an toàn cho các thợ lặn và giải nén hiệu quả cho các thủy thủ tàu ngầm được cứu thoát.
- Nhiều trang thiết bị hiện đại: Tàu Project 21300S được trang bị radar, hệ thống định vị thủy âm (sonar), các công nghệ dẫn đường, liên lạc vệ tinh Grolass hoặc GPS, truyền thông cho phép thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ cứu hộ, tìm kiếm người bị nạn mất tích.
- Hệ thống bảo đảm hậu cần tin cậy: Project 21300S có hệ thống năng lượng tích hợp gồm 6 máy phát điện diesel được bố trí ở các khoang khác nhau nhưng có khả năng hoạt động như một, cung cấp độ tin cậy cao khi vận hành. Bên cạnh đó, ngay sau khi phát hiện vị trí tàu ngầm gặp nạn, các xuồng cao tốc Katran trên boong sẽ được cần cẩu hạ xuống để thực hiện các nhiệm vụ di chuyển thủy thủ. Thậm chí, các xuồng Katran còn được trang bị các thiết bị đặc biệt để kéo thủy thủ lên khỏi mặt nước, ngay cả khi họ đã mất ý thức.
|
Trạm khí nén tĩnh để giải cứu thủy thủ tàu ngầm gặp nạn. Ảnh: Maritimejournal.com |
Ngoài ra, trên tàu Dolphin có đầy đủ các thiết bị y tế cần thiết để chăm sóc sức khỏe, thậm chí phẩu thuật khẩn cấp cho người gặp nạn. Boong tàu phía trước dùng làm sàn đáp cho trực thăng. Bên trong tàu có các thiết bị chữa cháy tự động, hệ thống điều khiển từ xa dùng cho các thiết bị không người lái.
Mặc dù chưa chứng minh được nhiều vì vốn dĩ không ai mong xảy ra vụ tai nạn tàu ngầm nào, tuy nhiên tàu cứu hộ Project 21300S đã được một số quốc gia quan tâm, trong đó có Việt Nam.
“Bộ Quốc phòng Việt Nam đang lên kế hoạch đặt mua tàu cứu hộ Project 21300S mới nhất của Nga. Trước đó, Ấn Độ cũng đã bày tỏ ý định này. Các chuyên gia tin rằng tàu này không chỉ là phi phí vừa phải, tàu còn có khả năng thủy văn, sẽ giúp phía Việt Nam có thể củng cố và bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông”, Izvestia cho biết.
Nguồn thạo tin trong CNQP Nga nói với Izvestia rằng, cụ thể, vào đầu tháng 10, Việt Nam đã yêu cầu phía Nga cung cấp các dữ liệu về giá cả về tàu cứu hộ cứu nạn Project 21300S với các phương tiện hoàn chỉnh.
Lam Ngọc