Toàn dân, toàn diện, lâu dài và tự lực cánh sinh
Lịch sử từ truyền thống đến hiện đại của Việt Nam, chúng ta luôn coi trọng vũ khí-trang bị nhưng trong mọi cuộc chiến tranh giữ nước, Việt Nam luôn phải chấp nhận sự hạn chế hơn kẻ thù xâm lược về vũ khí. Chính điều đó đã làm nên nghệ thuật giữ nước “lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh” nhưng biết “lấy nhỏ thắng lớn”. Trần Quốc Tuấn đã “dĩ đoản binh chế trường trận”, đoản binh là vũ khí đánh gần (gươm, dao) của những người nông dân Đại Việt chống lại trường trận-vũ khí đánh xa (cung nỏ) của kị binh Nguyên Mông.
Điều cốt lõi của nghệ thuật này là dùng sức mạnh văn hóa của một dân tộc nhỏ để đánh bại uy vũ của một đội quân xâm lược lớn. Trần Quốc Tuấn đã nhận ra quy luật, một quân đội dù hung bạo đến đâu cũng không thể thắng được một dân tộc có chiều sâu văn hiến. Đến Nguyễn Trãi, ông đã kế thừa tinh hoa tư tưởng quân sự của Trần Quốc Tuấn khi “dùng gậy làm cờ tập hợp bốn phương manh lệ”. Nguyễn Trãi đã xây dựng sức mạnh cứu nước cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn từ những tầng lớp nông dân khốn cùng nhất trong xã hội. Cần phải thấy rằng, nếu như Nguyễn Trãi cùng nghĩa quân Lam Sơn đại thắng quân Minh thì trước đó, cha con Hồ Quý Ly với quân đội đông đảo lên đến trăm vạn người, với thành cao hào sâu và súng thần công vào hàng “công nghệ cao” thời điểm đó lại chịu thất bại bởi đội quân xâm lược này.
Đến thế kỷ 20, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát triển những tinh hoa tư tưởng của Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi thành đường lối chiến tranh nhân dân với 4 nội dung cốt lõi: “Toàn dân, toàn diện, lâu dài và tự lực cánh sinh”. Chính đường lối đúng đắn này, khi thấm sâu vào mọi tầng lớp nhân dân là nguyên nhân quyết định làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Để tiến hành
chiến tranh nhân dân thì phải có quân đội nhân dân. Quân đội nhân dân Việt Nam kể từ khi ra đời cho đến nay đã có nhiều tên gọi: “Tự vệ đỏ”, “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”, “Giải phóng quân”, “Vệ quốc đoàn”, “Quân đội quốc gia Việt Nam” nhưng chỉ đến khi mang tên Quân đội nhân dân Việt Nam thì mới thấy trúng, thấy đúng với bản chất truyền thống. Vì lẽ đó, tên gọi này đã đứng vững và định hình trong lòng dân tộc qua mọi thử thách của thời gian. Thế giới có thể biến đổi từng ngày, từng giờ nhưng Quân đội ta chỉ có thể hoàn thành sứ mệnh làm nòng cốt cho toàn dân bảo vệ Tổ quốc khi Quân đội là của dân, do dân và vì dân.
Cho nên, trong 4 nội dung mục tiêu xây dựng quân đội hiện nay, nội dung “cách mạng” đã được đặt lên trên hết, rồi mới đến các nội dung “chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Nội hàm của khái niệm “cách mạng” đòi hỏi quân đội phải “trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân”. “Cách mạng” cũng có nghĩa là yêu nước, người Việt Nam không chỉ có tinh thần yêu nước mà đã nâng tinh thần ấy lên thành “chủ nghĩa yêu nước”. Vì thế, xây dựng quân đội phải lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở.
Quân đội chỉ cần “trung với nước, hiếu với dân” là đủ?
Có người nói rằng, quân đội chỉ cần “trung với nước, hiếu với dân” là đủ? Nhưng đó là luận điệu của những người lập lờ, ba phải! Thực tế lịch sử loài người chưa bao giờ tồn tại một nhà nước chung chung, trừu tượng. Quân đội của bất kỳ quốc gia nào hiện nay cũng đều tuyên thệ trung thành với hiến pháp và với nguyên thủ hợp hiến (nhà vua, tổng thống, thủ tướng hoặc chủ tịch nước).
Ở Việt Nam, Hiến pháp 2013 đã quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động không có mục đích tự thân, Đảng hoạt động vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Cho nên, xây dựng “Quân đội nhân dân Việt Nam trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân” là một chỉnh thể, nhằm bảo đảm tính lịch sử, cụ thể cho mục tiêu xây dựng quân đội về chính trị. Chỉ khi xây dựng được một quân đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, có nguồn gốc vững chắc “từ nhân dân mà ra”, có lý tưởng cao đẹp “vì nhân dân mà chiến đấu”, cán bộ, chiến sĩ của quân đội mới giành chiến thắng trong cuộc chiến tâm lý về “vũ khí luận” của đối phương.
Thực tế những cuộc chiến tranh từ đầu thế kỷ 21 đến nay cho thấy, muốn giành chiến thắng trong cuộc chiến này, điều tiên quyết là quân đội phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, niềm tin “quyết chiến, quyết thắng” vào nghệ thuật quân sự của chính mình.
Vào lúc cả thế giới bàn về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì cũng là lúc Việt Nam kỷ niệm 45 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”. Đây cũng là một chiến dịch mà phía quân đội Mỹ đã sử dụng những công nghệ chiến tranh cao nhất của mình ở thời điểm đó. Đặc biệt là việc sử dụng “siêu pháo đài bay B52” mà người Mỹ tin rằng nó không thể bị đánh bại. Nhưng Việt Nam đã dùng phương pháp để chiến thắng vũ khí tối cao của quân đội Mỹ.
Phương pháp chiến thắng hay nghệ thuật quân sự Việt Nam là ở chỗ chúng ta đã dự đoán chính xác, chuẩn bị kỹ càng, nắm chắc địch, không một chút hoang mang, bối rối trước vũ khí tối tân của địch, phân tích kỹ những điểm yếu của địch để phát huy sức mạnh của thế trận phòng không nhân dân.
Trước khi chiến dịch diễn ra, không ai nghĩ Việt Nam có thể giành chiến thắng. Thế nhưng chúng ta đã dám đánh và đánh thắng, thắng bằng nghệ thuật chiến tranh nhân dân, bằng việc vận dụng sáng tạo những bài học giữ nước của cha ông. Không ai có thể tưởng tượng những trận địa tên lửa giả làm bằng cót tre lại lừa được những đôi “mắt thần” của B52. Không ai nghĩ tên lửa sơ-rai thông minh của địch lại bị các chiến sĩ ra-đa của Việt Nam vô hiệu hóa bằng biện pháp thủ công là tắt máy đột ngột và xoay cần ăng-ten đi hướng khác. Chính các chuyên gia quân sự Xô Viết cũng không nghĩ rằng, tên lửa SAM2 khi vào tay bộ đội Việt Nam, với tài trí “vạch nhiễu tìm thù” và các phương pháp “bắn ba điểm” và “bắn vượt nửa góc” lại trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với “siêu pháo đài bay B52” như thế!
Rõ ràng, vũ khí công nghệ cao dù có hiện đại, tinh khôn đến đâu cũng vẫn có điểm yếu. Trong thời đại công nghiệp 4.0, hai yếu tố quyết định thành bại của một cuộc chiến tranh là con người và vũ khí thì con người vẫn giữ vai trò quyết định.
Trong tình hình hiện nay, chúng ta cần phải có một chiến lược xây dựng quân đội phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước, tức là phải “từng bước hiện đại” với bước đi và cách làm vững chắc.
Chúng ta có niềm tin mãnh liệt vào Quân đội nhân dân Việt Nam, đội quân “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” sẽ luôn hội tụ “sức mạnh mềm” của nền văn hóa giữ nước, đủ sức đánh bại mọi “vũ khí nóng”, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.