Vài ngày trước khi được bầu làm Tổng thống Nga năm 2000, ông Vladimir Putin nói với BBC rằng Nga là “một phần của văn hóa châu Âu”. Ông Putin đảm nhận chức vụ tổng thống sau khi ông Boris Yeltsin từ chức bất ngờ vào ngày đầu năm mới 1999.
“Tôi không thể tưởng tượng được đất nước tôi bị cô lập khỏi châu Âu, cái mà chúng ta thường gọi là thế giới văn minh”, ông Putin nói.
Ông Putin đảm nhận chức vụ tổng thống từ năm 2000-2008. Từ 2008-2012, ông đảm nhận vai trò thủ tướng chính phủ. Từ năm 2012 ông trở lại với vai trò tổng thống. 18 năm nắm giữ chức vụ lãnh đạo cao nhất của đất nước, Tổng thống Putin đã đưa nước Nga hồi sinh một cách ngoạn mục sau thời kỳ khủng hoảng kéo dài kể từ khi Liên Xô tan rã.
Đặc biệt, Quân đội Nga dưới thời Tổng thống Putin đã hồi sinh và trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Quân đội Nga đã tiến hành chiến dịch can thiệp quân sự vào cuộc nội chiến ở Syria, nơi họ phô diễn sức mạnh của hàng loạt vũ khí mới.
Tái vũ trang quy mô lớn
Ngày 17/8/2007, Tổng thống Putin ra lệnh nối lại các chuyến bay tuần tra của máy bay ném bom chiến lược vốn bị gián đoạn kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Đến tháng 10/2008, Nga bắt đầu chương trình cải cách lực lượng vũ trang trên quy mô lớn.
Chương trình được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Quốc phòng Anatoliy Serdyukov. Kế hoạch tái vũ trang năm 2008 thực chất là cụ thể hóa và mạnh tay hơn từ chương trình cải cách quân đội đã được Tổng thống Putin khởi xướng vào năm 2003.
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin kiểm tra tiến độ chương trình tiêm kích tàng hình Su-57. Ảnh: Sputnik. |
Kế hoạch cải cách quốc phòng năm 2008 gồm, giảm quân số thường trực xuống dưới một triệu quân vào năm 2012, giảm số lượng sĩ quan cấp cao, xây dựng quân đội chuyên nghiệp thay vì phụ thuộc vào lính nghĩa vụ như trước. Tổ chức lại các đơn vị, giảm quy mô các trung tâm chỉ huy. 65 trường quân sự trước đây được tái cơ cấu thành 10 trung tâm đào tạo quân sự
Tái cơ cấu lại 24 sư đoàn lục quân. Đến cuối năm 2009, 23 trong số 24 sư đoàn lục quân đã được tái tổ chức lại thành 4 lữ đoàn xe tăng và 35 lữ đoàn súng trường cơ động. Về trang thiết bị, quân đội Nga đã bắt tay phát triển chương trình khung gầm hạng nặng thống nhất Armata làm nền tảng để phát triển một loạt phương tiện chiến đấu bọc thép mới, gồm siêu tăng T-14 Armata, xe chiến đấu bộ binh hạng nặng T-15 và xe chiến đấu bộ binh Kurganet-25.
Phát triển xe bọc thép chở quân Boomerang, lựu pháo tự hành 2S35 Koalitsiya-SV và nhiều phương tiện chiến đấu mới. Bên cạnh đó, Nga còn tập trung phát triển hệ thống chiến đấu bộ binh Ratnik đem lại khả năng tác chiến vượt trội cho binh lính.
Không quân Nga cũng được tổ chức lại theo hướng giảm số lượng đơn vị, căn cứ và tăng số lượng máy bay trên mỗi đơn vị. Không quân được ưu tiên hiện đại hóa nhằm bắt kịp phương Tây về sức mạnh chiến đấu. Theo hãng tin TASS, giai đoạn 2010-2017, Không quân Nga đã nhận 356 máy bay chiến đấu các loại, bao gồm 114 tiêm kích bom Su-34, 68 Su-35, 100 Su-30SM và 20 Su-30M2 sản xuất mới. Số còn lại được nâng cấp từ máy bay chiến đấu cũ.
Giai đoạn này, Không quân Nga còn nhận 99 máy bay huấn luyện kiêm chiến đấu hạng nhẹ Yak-130 và nhiều máy bay vận tải khác. Đặc biệt, Nga đã bắt đầu sản xuất quy mô nhỏ máy bay chiến đấu tàng hình Su-57, chương trình phát triển máy bay chiến đấu lớn nhất thời hậu Xô Viết.
Bên cạnh đó, không quân còn nhận thêm 90 trực thăng tấn công Mi-28N, 60 Mi-35, 104 Ka-52 và nhiều loại trực thăng khác. Tổng cộng 574 trực thăng đã được bàn giao cho quân đội trong giai đoạn này.
|
Tổng thống Putin thăm nhà máy sản xuất siêu tăng T-14. Ảnh: Sputnik. |
Hải quân Nga cũng giảm số lượng đơn vị nhưng tăng quy mô và khả năng sẵn sàng chiến đấu. Bộ Quốc phòng Nga dự kiến mua 100 tàu chiến đến năm 2020, bao gồm 20 tàu ngầm, 35 tàu hộ tống và 15 tàu hộ vệ tên lửa và một số tàu khác. Kế hoạch đóng mới tàu sân bay hạt nhân tiếp tục bị trì hoãn để tập trung cho việc hiện đại hóa bộ 3 răn đe hạt nhân.
Lực lượng tên lửa chiến lược cũng được hiện đại hóa trên quy mô lớn. Nga đã hoàn thành việc phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa hạng nặng RS-28 Sarmat để thay thế cho R-36 Satan. Từ năm 2010, Nga bắt đầu sản xuất và đưa vào sử dụng tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-24 Yars.
Phát triển và đưa vào sản xuất tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-26 Rubezh. Theo Russianforces.org, lực lượng Tên lửa chiến lược Nga đang sở hữu 46 tên lửa R-36, 30 tên lửa UR-100N, 60 Topol-M và 20 RS-24 Yars phóng từ các silo cố định. 56 tên lửa Topol-M, 90 RS-24 Yars phóng từ bệ phóng di động lắp trên khung gầm chuyên dụng.
Cứng rắn với NATO
Dưới thời Yeltsin, Nga theo đuổi chính sách hợp tác miễn cưỡng với NATO. Điều này hoàn toàn thay đổi dưới thời Putin. Kể từ cuộc phỏng vấn đầu tiên của ông với BBC, Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng “sự mở rộng về phía đông của NATO là mối đe dọa đối với đất nước chúng tôi”. Giờ đây, Moscow đã có cơ chế quân sự để đẩy ngược trở lại.
Cuộc xung đột ở Ukraine đã phá vỡ mối quan hệ giữa Nga và phương Tây nhưng thực tế đó là ví dụ mới nhất của Tổng thống Putin khẳng định quyền của Nga ở khu vực vốn được xem là “sân sau”. Những người đã ngạc nhiên trước sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea cần nhớ lại rằng Tổng thống Putin đã đặt khuôn mẫu cho “học thuyết Putin” trong cuộc xung đột ở Georgia. Nga sẵn sàng sử dụng quân đội để bảo vệ lợi ích của mình trước ảnh hưởng ngày càng tăng của NATO.
Tạp chí Forbes bình chọn Tổng thống Vladimir Putin là người đàn ông quyền lực nhất thế giới giai đoạn 2013-2016. Gần 20 năm lãnh đạo nước Nga, cho dù có những chỉ trích về chính sách nhưng không thể phủ nhận rằng Tổng thống Putin là người có ảnh hưởng rất lớn đến sự thay đổi của nước Nga cũng như thế giới.
Quốc Minh