Mất vây cánh ở Trung Đông, Mỹ không dọa được Iran

Google News

Chiến lược mới của Mỹ giảm sự hiện diện quân sự tại Trung Đông có thể khiến nước này không đủ khả năng kiềm chế ảnh hưởng của Iran trong khu vực.

Giới chức quân sự Mỹ vừa cảnh báo, việc giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Trung Đông đang làm suy yếu khả năng của quân đội nước này trong đối phó với các mối đe dọa từ phía Iran.
Giảm sự hiện diện quân sự tại Trung Đông
Mối quan ngại về việc Bộ Quốc phòng Mỹ quyết định di chuyển tàu chiến, máy bay chiến đấu và hệ thống phòng thủ tên lửa ra khỏi khu vực đã gia tăng trong bối trong bối cảnh biện pháp tái trừng phạt của Mỹ nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của Iran có hiệu lực từ ngày 5/11. Đây là đợt trừng phạt thứ hai của Mỹ đối với Iran, kể từ khi ông Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ và một số cường quốc ký với Iran.
Chiến lược chống Iran của Mỹ, trong đó có việc Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và công bố một nỗ lực nhằm buộc Iran rút hết các lực lương ra khỏi Syria đã làm gia tăng nguy cơ đối đầu giữa hai quốc gia. Theo nhiều nguồn tin, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM), đặc trách hoạt động tại khu vực Trung Đông đã yêu cầu bổ sung thêm nguồn lực.
Mặc dù nhiều quan chức Mỹ không tin rằng Iran có thể phát động một cuộc tấn công quy mô lớn và kéo dài nhằm vào các lực lượng của Mỹ trong khu vực, song họ lo ngại Iran có thể ra đòn bằng cách huy động các loại tên lửa đạn đạo có sức mạnh vô cùng lớn hoặc sử dụng thủy lôi để phong tỏa tuyến đường hàng quan trọng đối với thương mại toàn cầu.
Mat vay canh o Trung Dong, My khong doa duoc Iran
 Mỹ chuyển mục tiêu sang đẩy lùi lực lượng Iran. Ảnh: Getty
Sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Trung Đông đã suy giảm thời gian gần do Bộ Quốc phòng Mỹ, dưới chiến lược tái định hướng các ưu tiên về an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump, đang tìm cách phát triển quân đội theo hướng cạnh tranh với Nga và Trung Quốc, thay vì chống lại những nhóm phiến quân mà Mỹ đặt mục tiêu tiêu diệt tại Trung Đông sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001.
Hiện nay, Bộ Quốc phòng Mỹ đang trong cuộc đua củng cố vị thế của nước này trên toàn cầu, theo những gì mà Bộ Trưởng Quốc phòng Jim Mattis gọi là “cuộc cạnh tranh quyền lực lớn”, bất chấp việc Nhà Trắng thúc đẩy mục tiêu kiềm chế ảnh hưởng và hoạt động của Iran trên khắp Trung Đông.
Quân đội Mỹ đã không có một chiếc tàu sân bay nào tại Trung Đông kể từ tháng 3/2018. Cơ quan này cũng di chuyển một lượng lớn hệ thống tên lửa Patriot cùng với máy bay chiến đấu chẳng hạn như F-22 Raptor ra khỏi khu vực. Sự thay đổi chiến lược này diễn ra trong bối cảnh Iran đe dọa đóng cửa Eo biển Hormuz – tuyến hàng hải quan trọng kết nối giao thương với thế giới. Các quan chức Mỹ cho rằng, sẽ phải mất đến vài tháng để Mỹ chuẩn bị cho cuộc chiến với Iran. Thời gian này còn dài hơn so với thời gian Iran thực thi biện pháp nhằm cản trở thương mại toàn cầu.
Mỹ dè chừng trước tên lửa và thủy lôi của Iran
Mối lo ngại hàng đầu đối với một số quan chức Mỹ là liệu quân đội nước này có đủ khả năng đối phó trong trường hợp Iran đóng cửa Eo biển Hormuz hay không. Eo biển Hormuz là một tuyến đường hàng hải hẹp nằm giữa Iran và Oman, kết nối Vịnh Persian với Vịnh Oman, Biển Ả Rập và Ấn Độ Dương. Ước tính, khoảng 1/3 sản lượng dầu mỏ của thế giới được lưu thông qua Eo biển Hormuz hàng năm, khiến nơi đây trở thành cửa ngõ quan trọng nhất đối với việc trung chuyển dầu mỏ. Một quan chức Mỹ cho biết: “Hiện giờ, Mỹ đang gây sức ép đối với Iran cả về mặt kinh tế lẫn ngoại giao và rất khó để đoán định phản ứng cuối cùng của Iran sẽ là gì”.
Mỹ đã không có một nhóm tàu sân bay nào tại Trung Đông, kể từ khi tàu sân bay USS Theodore Roosevelt di chuyển tới Thái Bình Dương trong mùa xuân năm nay. Đây là quãng thời gian dài nhất trong nhiều năm qua, Mỹ không duy trì sự hiện diện của ít nhất 1 chiếc tàu sân bay trong khu vực. Điều này đã để lại một khoảng trống về sức mạnh quân sự vô cùng lớn.
Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm của Mỹ (CENTCOM), Tướng Joseph Votel đã từ chối bình luận về thông tin này, đồng thời khẳng định ủng hộ việc tái điều chỉnh chiến lược nhằm đối phó với Trung Quốc và Nga. Còn các quan chức Hải quân Mỹ cho biết, lực lượng này có 4 chiếc tàu khu trục trong khu vực, trong đó một chiếc có nhiệm vụ đối phó với mối đe dọa của phiến quân Houthi tại Yemen còn một chiếc khác đặt tại cảng để thực hiện công việc bảo trì.
Theo Trung tá Earl Brown, người phát ngôn của CENTCOM, cơ quan này có các lực lượng cần thiết để đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, hỗ trợ lực lượng Afghanistan chống lại phiến quân Taliban và tiến hành các nhiệm vụ khác, trong đó có cả đối phó với Iran. “Chưa nói tới việc điều các lực lượng đặc nhiệm đến và rời khỏi khu vực, Mỹ đã nhiều lần chứng minh khả năng vượt trội trong triển khai nhanh chóng các lực lượng quy lớn bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào cần thiết, trong giai đoạn khủng hoảng”.
Về phía Iran, nước này có ít nhất 1.000 tàu phản ứng nhanh – bao gồm các tàu nhỏ được trang bị vũ khí mà Tehran thường xuyên sử dụng để “răn đe” tàu chiến của Mỹ. Giới chức Mỹ ước tính, Iran có thể cài đặt hàng nghìn thủy lôi ngoài khơi biển trong chưa đầy 1 tuần và nước này chỉ cần sử dụng một lượng nhỏ thủy lôi để đóng cửa Eo biển Hormuz hoặc cản trở việc đi lại và vận chuyển hàng hóa tại nơi đây.
Nhiều quan chức Mỹ nhận định, mặc dù hạm đội tàu ngầm nhỏ lớp Kiko do Nga sản xuất và các tàu ngầm mini của Trung Quốc mà Iran đang sở hữu khó chống trả với khả năng tấn công ngầm của Mỹ, nhưng nếu những vũ khí này xuất hiện tại Eo biển Hormuz thì có thể gây cản trở các hoạt động thương mại.
Phó Đô đốc Scott Stearney, chỉ huy lực lượng hải quân Mỹ tại Trung Đông khẳng định, chiến lược mới mà Hải quân Mỹ đang thực hiện phản ánh cách triển khai lực lượng linh hoạt hơn và khó đoán định hơn của Bộ Quốc phòng. Phát biểu với báo chí vào tháng 10, ông Scott Stearney nhấn mạnh: “Quân đội Mỹ không đồn trú cố định tại bất cứ nơi nào trên thế giới. Chiến dịch điều động tàu sân bay được thực hiện vào giai đoạn cao trào của chiến dịch chống IS. Đó là thời điểm hoàn toàn khác biệt về cả bối cảnh lẫn các điều kiện”.
Theo Đại tá Patrick S.Ryder, người phát ngôn của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, khối liên minh của quân đội Mỹ trong khu vực và năng lực quân sự của các lực lượng này sẽ giúp Mỹ chống trả các mối đe dọa từ Iran.
Mặc dù vậy, vẫn có nhiều lo ngại gia tăng về sức mạnh tên lửa của Iran. Giới chức Mỹ đã đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng của Iran tấn công các mục tiêu tiềm năng, viện dẫn cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo gần đây nhằm vào phiến quân tại Syria thời gian gần đây. Các lực lượng do Iran hậu thuẫn cho biết, cuộc tấn công này đã gửi đi thông điệp cứng rắn tới các đối thủ của Iran trong khu vực. Tầm bắn hơn 480km của các tên lửa mà Iran phóng đi cho thấy những căn cứ quân sự của Mỹ tại Qatar, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất đều dễ trở thành mục tiêu tấn công
Trên thực tế, không một quan chức Mỹ nào cảm thấy tự tin về khả năng đối kháng của quân đội Mỹ trước kho tên lửa đạn đạo khổng lồ của Iran với số lượng ước tính vào khoảng 2.000 chiếc. Sự lo sợ lại càng gia tăng khi Bộ Quốc phòng Mỹ di chuyển 4 hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot ra khỏi khu vực.
Để đối phó với mối đe dọa từ thủy lôi của Iran, Mỹ có các tàu quét mìn và trực thăng chuyên dụng đặt tại Bahrain. Tuy nhiên, việc sử dụng những loại vũ khí này nhằm đảm bảo an toàn cho tuyến đường vận tải biển có thể gặp nhiều khó khăn do tên lửa và các tàu phản ứng nhanh của Iran.
Chuyên gia Mara Karlin tại Viện nghiên cứu quốc tế Johns Hopkins nhận định, quyết định của ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân đã làm gia tăng nguy cơ đối đầu với Iran: “Một khi thỏa thuận hạt nhân Iran (hay còn gọi là JPCOA) bị phá bỏ, nguy cơ xung đột sẽ cao hơn”, nhưng Karlin cho rằng, đã đến lúc Bộ Quốc phòng Mỹ cần phải đưa ra những điều chỉnh hợp lý về sự hiện diện quân sự tại khu vực Trung Đông, vốn được duy trì trong suốt giai đoạn cao trào của cuộc chiến chống khủng bố, để đối phó với sự cạnh tranh này càng gay gắt từ Nga và Trung Quốc. “Đây là sự chuyển đổi rất khó khăn và đòi hỏi những cuộc thảo luận thực sự nghiêm túc và cứng rắn”.
Sở dĩ Mỹ có sự thay đổi chiến lược là bởi, các quan chức cấp cao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph F. Dunford đã xác định Triều Tiên và Iran là những thách thức quan trọng của nước này, nhưng những thách thức đó không đáng sợ bằng sự phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng của Trung Quốc và các động thái của Nga nhằm mở rộng quyền lực trên toàn cầu.
Theo Hồng Anh/VOV.VN