Mạng lưới biệt kích tại Ukraine

Google News

Khi Nga đang tăng cường tấn công để giành kiểm soát toàn bộ miền Đông Ukraine, khả năng chống trả của Kiev phụ thuộc vào Mỹ và các đồng minh hơn bao giờ hết.

Mạng lưới đa quốc gia
Hầu hết mạng lưới này hoạt động bên ngoài Ukraine, như tại các căn cứ ở Đức, Pháp và Anh. Nhưng ngay cả khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ không đưa quân đến Ukraine, một số đặc vụ của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) vẫn tiếp tục hoạt động bí mật ở Ukraine, chủ yếu ở thủ đô Kiev, điều phối một lượng lớn tin tức tình báo mà Mỹ chia sẻ với Ukraine, New York Times dẫn lời các quan chức đương nhiệm và cựu quan chức cho hay.
Cùng lúc đó, vài chục lính biệt kích từ các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khác, trong đó có Anh, Pháp, Canada và Lithuania, cũng hoạt động ở Ukraine. Mỹ rút 150 cố vấn quân sự trước khi xung đột nổ ra vào cuối tháng 2, nhưng đội biệt kích của các nước đồng minh vẫn ở lại hoặc đi qua đi lại kể từ lúc đó, để huấn luyện và cố vấn cho binh lính Ukraine hoặc điều phối hoạt động viện trợ, 3 quan chức Mỹ cho biết.
Mang luoi biet kich tai Ukraine
NATO trợ giúp rất nhiều cho Ukraine nhưng họ cũng phủ nhận một số vấn đề để tránh việc xung đột với Nga lan rộng. 
Không có nhiều thông tin chi tiết về những việc mà đặc vụ CIA hoặc đội biệt kích đang làm, nhưng sự hiện diện của họ ở Ukraine cho thấy vẫn có một nỗ lực bí mật để hỗ trợ Ukraine và những rủi ro mà Washington và các đồng minh sẵn sàng chấp nhận.
Ukraine vẫn kém xa Nga về vũ khí. Cuối tuần qua, quân Nga dội hàng loạt tên lửa vào nhiều mục tiêu trên khắp Ukraine, bao gồm những mục tiêu ở miền Bắc và miền Tây vốn bình yên trong nhiều tuần qua.
Không lâu sau khi Nga mở chiến dịch dịch quân sự vào ngày 24-2, Nhóm lực lượng đặc biệt số 10 của Lục quân Mỹ lặng lẽ thành lập một đội ở Đức để điều phối hoạt động hỗ trợ quân sự cho lực lượng biệt kích và các đơn vị khác của Ukraine. Nhóm này giờ đã có sự tham gia của 20 quốc gia.
Mang luoi biet kich tai Ukraine-Hinh-2
Các biệt kích Mỹ huấn luyện binh lính Ukraine trong một buổi đào tạo ngoài trời. 
Tháng trước, Bộ trưởng Lục quân Mỹ Christine E. Wormuth cung cấp một số thông tin về hoạt động của nhóm này. “Khi người Ukraine cố gắng xoay xở và tránh để Nga tấn công các đoàn xe, chúng tôi đang giúp điều phối tất cả các chuyến hàng khác nhau”, bà Wormuth phát biểu tại một sự kiện về an ninh quốc gia do Hội đồng Đại Tây Dương tổ chức.“Một việc khác mà tôi nghĩ chúng tôi có thể làm, là thông tin tình báo về những mối đe dọa nhằm vào các chuyến hàng đó”, bà nói.
Lực lượng này được xây dựng giống như cấu trúc đã có ở Afghanistan, là một phần của mạng lưới điều phối chiến dịch và tình báo do Bộ Chỉ huy châu Âu của Lầu Năm Góc điều hành, nhằm đẩy nhanh hoạt động phối hợp hỗ trợ cho Ukraine.
Ví dụ, tại căn cứ không quân Ramstein ở Đức, một nhóm gồm người của Không quân và Vệ binh quốc gia Mỹ mang tên Sói Xám đang hỗ trợ về kỹ thuật và chiến thuật cho không quân Ukraine.
Mang luoi biet kich tai Ukraine-Hinh-3
Binh lính Ukraine nhận được nhiều hỗ trợ từ mạng lưới biệt kích nước ngoài. 
Những nhiệm vụ chính của lực lượng biệt kích
Theo các quan chức Mỹ và phương Tây, lực lượng biệt kích không ra tiền tuyến mà cố vấn từ trụ sở hoặc qua hình thức thông tin liên lạc mã hóa. Tuy nhiên, các dấu hiệu về hỗ trợ hậu cần, huấn luyện và tình báo thể hiện rõ trên chiến trường.
Một số chỉ huy cấp thấp của Ukraine gần đây đánh giá cao sự hỗ trợ của Mỹ về thông tin tình báo dựa trên hình ảnh vệ tinh, để họ có thể xem trên những chiếc máy tính bảng được đồng minh cung cấp. Những máy tính bảng đó được cài ứng dụng bản đồ để quân Ukraine sử dụng và tấn công quân Nga.
Chính quyền Mỹ giữ bí mật chuyện hỗ trợ thông tin tình báo chiến trường cho Ukraine, vì sợ rằng điều này bị coi là hành động leo thang và khiến xung đột lan rộng. Giới chức Mỹ không tiết lộ cách họ thu thập thông tin về các trụ sở quân sự của Nga nhưng trong suốt cuộc xung đột, các cơ quan tình báo Mỹ đã sử dụng nhiều nguồn tin khác nhau, bao gồm vệ tinh bí mật và vệ tinh thương mại, để theo dấu di chuyển quân của Nga.
Mang luoi biet kich tai Ukraine-Hinh-4
Binh sĩ Ukraine trên thực địa. 
Ngày 5-5 vừa rồi, ông John Kirby, người phát ngôn Lầu Năm Góc đã đưa ra một tuyên bố “thanh minh” rằng: “Chúng tôi không cung cấp thông tin tình báo về vị trí của các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao Nga trên chiến trường; cũng như không tham gia vào các quyết định của quân đội Ukraine về việc có tấn công mục tiêu hay không. Ukraine đã kết hợp thông tin của chúng tôi và các đối tác khác với thông tin tình báo do chính họ thu thập được trên chiến trường, sau đó tự đưa ra quyết định và áp dụng hành động của mình”.
Về vụ tàu “Moscow”, ông Kirby tuyên bố: “Chúng tôi đúng là có cung cấp một loạt thông tin tình báo để giúp người Ukraine hiểu được mối đe dọa do các tàu Nga gây ra ở Biển Đen và giúp họ phòng thủ trước các cuộc tấn công tiềm tàng từ biển. Nhưng chúng tôi không cung cấp cho Ukraine vị trí chính xác của tàu Moscow. Chúng tôi cũng không liên quan đến quyết định hay hành động tấn công tàu của Ukraine. Chúng tôi không biết trước ý định của Ukraine nhằm vào con tàu này. Ukraine có khả năng tình báo của riêng họ để theo dõi và nhắm mục tiêu vào các tàu Hải quân Nga, như họ đã làm trong vụ này”.
Nói tóm lại, quân đội Mỹ hoàn toàn phủ nhận trách nhiệm. Điều thú vị là The New York Times cũng bị Hội đồng An ninh quốc gia chỉ trích nặng nề vì “đưa tin vô trách nhiệm”. Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Adriana Watson cho biết: “Mỹ cung cấp thông tin tình báo chiến trường để giúp người dân Ukraine bảo vệ đất nước của họ”, “chúng tôi không cung cấp tình báo với ý đồ hại chết các tướng Nga”.
Mang luoi biet kich tai Ukraine-Hinh-5
Lính dù Ukraine do Anh huấn luyện đang chuẩn bị đưa vào thực chiến. 
Ngoài cung cấp tin tình báo, Mỹ còn huấn luyện binh lính Ukraine sử dụng vũ khí được viện trợ. Trên một con phố ở Bakhmut, một thị trấn thuộc vùng Donbass ở miền Đông Ukraine, một nhóm lính đặc nhiệm Ukraine dán cờ Mỹ lên đồ của họ. Họ được trang bị các tên lửa đất đối không di động mới, cùng với súng trường của Mỹ và Bỉ.
Đồng minh của Mỹ, biệt kích Anh cũng xuất hiện để chỉ dẫn binh sĩ Ukraine cách sử dụng tên lửa chống tăng vác vai NLAW do Anh cung cấp. The Times ngày 15-4 dẫn lời đại úy Yury Myronenko và hai sĩ quan chỉ huy khác của Ukraine khẳng định điều này. Những đơn vị được biệt kích Anh huấn luyện đang đóng xung quanh thủ đô Kyiv của Ukraine.
Bộ Quốc phòng Anh từ chối xác nhận liệu biệt kích Anh có đến Ukraine hay không. Tuy nhiên, Bộ trưởng Các lực lượng vũ trang Anh James Heappey trước đó cũng cho hay một nhóm binh sĩ Ukraine sẽ đến Anh để được huấn luyện.
“Câu chuyện chưa được kể là quan hệ đối tác quốc tế với lực lượng đặc biệt của nhiều quốc gia khác nhau. Họ kết hợp với nhau để hỗ trợ quân đội và lực lượng đặc biệt của Ukraine”, Trung tướng Johnathan P. Braga, một chỉ huy thuộc Bộ tư lệnh các chiến dịch đặc biệt của Lục quân Mỹ, phát biểu trước các thượng nghị sĩ Mỹ hồi tháng 4.
Hạ nghị sĩ Jason Crow, thành viên Ủy ban Quân vụ và Tình báo thuộc Hạ viện Mỹ, nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây rằng quan hệ mà lực lượng biệt kích Ukraine xây dựng với lực lượng đối tác của Mỹ và các nước khác trong nhiều năm qua đang chứng tỏ giá trị lớn trong nỗ lực chống lại Nga. “Điều quan trọng là phải biết phối hợp với ai trong tình hình chiến trường rối loạn. Nếu không có những quan hệ đó, mọi việc sẽ tốn thời gian hơn nhiều”, ông Crow nói.

Theo Đỗ Tiến/ An ninh thế giới