>>>
Mời độc giả xem thêm video:UAV Lancet phá hủy các hệ thống pháo M777 của Ukraine.
Tờ Wall Street Journal dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết, Anh và Pháp đang soạn thảo kế hoạch triển khai tới 30.000 "lực lượng gìn giữ hòa bình" đến Ukraine. Kế hoạch này sẽ diễn ra dựa trên thỏa thuận ngừng bắn giữa Moscow và Kiev có đạt được hay không.
Tuy nhiên, kế hoạch trên còn phụ thuộc vào việc London và Paris có thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết hỗ trợ một phần về quân sự cho lực lượng gìn giữ hòa bình.
Trước đó, Washington đã loại trừ khả năng gửi quâ đến Ukraine. Anh và Pháp hy vọng Mỹ đồng ý cung cấp một lực lượng hạn chế dưới dạng cố vấn quân sự về phòng không, hậu cần và tình báo.
 |
Anh và Pháp từ lâu đã ủng hộ việc triển khai quân đội châu Âu hoặc liên quân NATO tới Ukraine. Ảnh: BBC |
Nguồn tin của Wall Street Journal cho biết, nếu không có sự hậu thuẫn của ông Trump, kế hoạch gửi lực lượng gìn giữ hòa bình của châu Âu sẽ gặp nhiều khó khăn.
"Lực lượng gìn giữ hòa bình" được hình dung sẽ chủ yếu bao gồm quân đội Anh và Pháp, và sẽ tập trung vào việc bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng, các thành phố và cảng của Ukraine, thay vì được bố trí dọc theo tuyến đầu với Nga.
Một khía cạnh khác của kế hoạch này sẽ là việc sử dụng tích cực máy bay không người lái và vệ tinh để theo dõi việc Nga tuân thủ lệnh ngừng bắn.
Anh và Pháp từ lâu đã ủng hộ việc triển khai quân đội châu Âu hoặc liên quân NATO tới Ukraine, một số thành viên EU khác vẫn chưa muốn nghiêm túc xem xét ý tưởng này.
Hơn nữa, chính quyền Kiev cũng tỏ ra hoài nghi về kế hoạch này. Mikhail Podoliak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky, cho biết việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình nước ngoài đến nước này "có vẻ không thực tế lắm vào lúc này".
Ông Podoliak đề xuất rằng các đồng minh phương Tây nên tăng chi tiêu quốc phòng thay gửi quân đến Ukraine.
Tổng thống Ukraine Zelensky trước đó đã ám chỉ rằng Kiev có thể cần tới 200.000 binh lính châu Âu để đảm bảo bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào với Nga, trong khi các phương tiện truyền thông phương Tây cho rằng việc tập hợp một lực lượng như vậy sẽ là một thách thức nghiêm trọng đối với phương Tây.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã kiên quyết bác bỏ việc triển khai quân đội NATO ở Ukraine, coi đó là hành động không thể chấp nhận được và Moscow tuyên bố rằng bất kỳ sự hiện diện quân sự nước ngoài nào cũng sẽ được coi là mục tiêu hợp pháp.
Vào tháng 11, Cơ quan Tình báo Đối ngoại (SVR) của Nga cho biết phương Tây có thể cố gắng "về cơ bản chiếm đóng Ukraine" dưới chiêu bài triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình. SVR tuyên bố rằng các kế hoạch có thể bao gồm việc triển khai tới 100.000 quân ở Ukraine và chia đất nước thành bốn vùng chiếm đóng lớn.
Trà Khánh