Theo tờ Nikker, Nhật Bản đang tìm cách cho tặng (hoặc bán rẻ) các máy bay săn ngầm P-3C đã loại biên cho Malaysia. Đây là một trong những nỗ lực vừa giúp Malaysia nâng cao năng lực kiểm soát tình hình Biển Đông, cũng như giúp Nhật Bản mở rộng hơn nữa ảnh hưởng đến các quốc gia Đông Nam Á.
Nội các Nhật Bản lên kế hoạch sửa luật cho phép Nhật Bản có thể cung cấp các trang thiết bị vũ khí đã qua sử dụng cho các quốc gia khác với hình thức miễn phí hoặc giá rẻ. Malaysia sẽ có thể là quốc gia đầu tiên nhận được các máy bay tuần tra P-3C đã loại biên của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản.
|
Máy bay P-3C của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Nguồn ảnh: Wikipedia |
“Đáp lời đề nghị từ Kuala Lumpur, Tokyo đang có kế hoạch cấp một số máy bay tuần tra P-3C đã loại biên”, tờ Nikkei dẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản dấu tên cho biết. Số lượng máy bay mà Nhật Bản sẽ cung cấp cho Malaysia cũng chưa được tiết lộ.
Nếu luật sửa đổi được thông qua, Malaysia sẽ có được một số máy bay tuần tra P-3C để trang bị cho lực lượng hải quân. Tuy nhiên, các máy bay được cho tặng (hoặc bán rẻ) này sẽ bị tháo gỡ hết các hệ thống radar, vì nó liên quan đến các bí mật quốc phòng của Nhật Bản.
P-3C Orion được phát triển bởi tập đoàn Lockheed Martin của Hoa Kỳ, các máy bay này được trang bị các hệ thống radar và các cảm biến khác cho phép chúng có thể trinh sát và phát hiện tàu nổi và tàu ngầm. Kawasaki Heavy Industries đã sản xuất máy các máy bay này cho Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản theo giấy phép, hiện chương trình sản xuất tại Kawasaki Heavy Industries đã kết thúc. Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản hiện có khoảng 60 máy bay P-3C trong biên chế và muốn loại biên những chiếc đã thực hiện trên 15.000 giờ bay.
Nhật Bản cũng sẽ tiến hành rà soát lại các kế hoạch để đảm bảo rằng các trang thiết bị quốc phòng và công nghệ liên quan sẽ không rơi vào tay Trung Quốc.
Cần lưu ý rằng, Việt Nam cũng có thể là quốc gia tiếp theo sở hữu các máy bay P-3C này từ Nhật Bản.
Vào tháng 6/2016, tờ Nikkei cũng đã cho biết rằng, Việt Nam muốn mua các máy bay tuần tra biển P-3C đã cũ của Nhật Bản. Nếu như việc sửa đổi luật vào tháng 6 này không vấp phải sự cản trở nào, rất có thể Việt Nam sẽ được trang bị thêm nhiều trang bị vũ khí đã qua sử dụng từ Nhật Bản, trong đó có cả P-3C.
Việc các máy bay P-3C cũ của Nhật Bản nếu được chuyển giao sẽ bị tháo gỡ các hệ thống radar cũng không phải là vấn đề lớn đối với Việt Nam. Việt Nam và Israel có quan hệ quốc phòng khá mật thiết, phía bạn hoàn toàn đủ khả năng giúp Việt Nam tích hợp các hệ thống radar hiện đại và cả tên lửa Delilah lên P-3C.
Trung Nghĩa