Kỳ lạ ngôi chợ bán toàn súng đạn ở Yemen

Google News

Từng có thời nhộn nhịp với đầy các sản phẩm thủ công, khu chợ truyền thống lâu đời Al-Shinayni ở Taez, thành phố lớn thứ ba của Yemen, giờ ngập tràn các loại vũ khí, từ súng Kalashnikov cho tới đạn dược...

Ky la ngoi cho ban toan sung dan o Yemen
 Buôn bán súng đạn trở thành nghề ăn nên làm ra ở Taez (Ảnh: AFP)
Yemen bắt đầu lao vào một cuộc nội chiến đẫm máu kể từ khi nhóm vũ trang Houthi mà Iran hậu thuẫn đánh chiếm thủ đô Sanaa vào cuối năm 2014, và sau đó chỉ vài tháng, liên quân do Arab Saudi dẫn đầu cũng nhảy vào can thiệp. Thành phố Taez, phía Tây Nam đất nước, nằm dưới quyền kiểm soát của lực lượng chính phủ, nhưng thường xuyên bị Houthi tấn công.
Bởi vậy mà nhiều người dân thuộc các bộ lạc ở thành phố lớn thứ ba Yemen - quốc gia nghèo nhất trong thế giới Arab - luôn mang vũ khí bên mình ngay cả trong điều kiện bình thường, và buôn bán vũ khí ngày càng trở nên phổ biến. Chiến tranh đã khiến cho thị trường vũ khí phát triển như vũ bão, trong khi thương mại truyền thống suy giảm.

Ky la ngoi cho ban toan sung dan o Yemen-Hinh-2
 Nhiều cửa hàng bán đồ thủ công chuyển thành cửa hàng súng đạn (Ảnh: AFP)
"Trong quá khứ, khu chợ truyền thống của thành phố thường bán nhiều vật dụng thủ công được chế tác từ thợ rèn, thợ làm gốm và thợ may" - thương nhân Abu Ali nói với AFP - "Nhưng khi chiến tranh nổ ra, phần lớn thương nhân như chúng tôi chuyển sang bán vũ khí".
"Một số thương nhân còn chuyển sang bán Qat (một loại lá thuốc phiện dạng nhẹ khá phổ biến ở Yemen), trong khi nhiều người bỏ trốn khỏi thành phố. Gần một nửa các cửa hàng ở đây phải đóng cửa" - ông Ali nói thêm.
Tại khu chợ truyền thống từng ngập tràn các sản phẩm thủ công bắt mắt, ngày nay không thiếu những tay súng đi trên xe gắn máy, liên tục gầm rú khắp khu chợ.
Các loại áo giáp, áo chống đạn và mũ quân sự treo đầy bên ngoài các cửa hiệu trong chợ. Bên trong một cửa hiệu, các khẩu súng trường tấn công AK47 treo trên tường, đạn và đạn pháo xếp thành dãy trên các kệ. "Đây là gian hàng vũ khí của tôi" - ông Ali nói. Mỗi loại vũ khí đều treo mức giá khác nhau. Một chiếc AK47 thường có giá khoảng 1.090 USD, súng lục giá 818 USD và mỗi viên đạn có giá nửa USD.

Ky la ngoi cho ban toan sung dan o Yemen-Hinh-3
 Các bộ áo lính treo bên ngoài một cửa hàng ở chợ truyền thống Taez (Ảnh: AFP)
Cũng giống như Abu Ali, chiến tranh đã buộc ông Mohammed Tajer - từng là một thương nhân bán đồ thủ công - chuyển sang buôn bán vũ khí để đáp ứng nhu cầu thị trường.
"Trước chiến tranh, chúng tôi làm ăn rất khấm khá" - ông Tajer nói với AFP - "Nhưng khi chiến sự bùng nổ, chúng tôi buộc phải chuyển sang bán súng và đạn. Nếu cuộc chiến này chấm dứt, chúng tôi sẽ trở về nghề buôn bán truyền thống".
Trước hiện một cửa hiệu, một cậu bé nhỏ tuổi mặc chiếc áo phông màu vàng ngồi trên chiếc đệm, trên tay cầm một thanh kim loại để giả làm súng đồ chơi. Người đàn ông lớn tuổi gần đó đang ngồi tay quai tay búa để chế tạo ra một vật sắc nhọn.
Cuộc chiến ở Yemen đã làm dấy lên cuộc khủng hoảng nhân đạo mà LHQ mô tả là tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại, khi hơn 24 triệu người - tương đương 2/3 dân số nước này - cần viện trợ khẩn cấp. Hàng chục nghìn người, phần lớn là thường dân, đã thiệt mạng kể từ khi liên quân mà Arab Saudi dẫn đầu can thiệp vào tháng 3/2015, nhằm ủng hộ chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống Abedrabbo Mansour Hadi.

Ky la ngoi cho ban toan sung dan o Yemen-Hinh-4
 Bên trong một cửa hàng vũ khí (Ảnh: AFP)

Taez cũng không nằm ngoài vòng xoáy bạo lực đó. Hàng chục người dân, trong đó có trẻ em, đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa phe nổi dậy và các lực lượng trung thành với chính phủ, hoặc trong các cuộc đụng độ giữa các phe phái ủng hộ chính phủ. Đó là chỉ tính riêng trong năm nay.

Ông Abid al-Rashdi - một trong số các thương nhân hiếm hoi vẫn cố bám trụ với nghề bán hàng thủ công ở Al-Shinayi - cho biết ông khá chật vật với công việc hiện tại khi mà cuộc chiến ở Yemen không có tín hiệu sẽ sớm ngừng lại.

"Trong suốt 5 năm qua, các mặt hàng rèn và đồ gốm đã chịu ảnh hưởng nặng nề, trong khi buôn bán vũ khí lên ngôi" - ông Abid nói với AFP.

Bên trong khu chợ truyền thống của Taez là rất nhiều những cửa hàng bên trên có gắn tấm biển "Đồ may mặc cho đàn ông". Nhưng khi đi vào bên trong, những kệ hàng trước từng bày la liệt các cây vải vóc giờ phải dành chỗ cho súng, đạn - một số được nhập lậu từ nơi khác, một số được chế tạo ngay trong chợ.


Theo Huyền Chi/Viettimes