Năm 1980, Iraq mở cuộc tấn công xâm lược Iran. Không quân Iraq mở màn chiến dịch bằng cuộc tập kích bất ngờ vào 10 sân bay của Iran trong nỗ lực tiêu diệt sức mạnh đường không của Tehran. Cuộc tập kích bất thành trong việc tiêu diệt sức mạnh Không quân Iran.
Sau đó Iran phản công trở lại khiến quân đội Iraq thiệt hại nặng. Cuộc xung đột giữa 2 nước kéo dài đến năm 1988. Giữa những năm 1980, Không quân Iran thường xuyên thực hiện các chiến dịch săn lùng tàu chở dầu của Iraq trên vịnh Ba Tư, nhằm triệt tiêu nguồn cung kinh tế của Baghdad.
Theo New York Times, chính phủ Ả Rập Xê-út ủng hộ mạnh mẽ Iraq trong cuộc chiến với Iran và cam kết viện trợ 25 tỷ USD cho chính quyền Saddam Hussein. Ngoài ra, chỉnh phủ Ả Rập Xê-út còn khuyến khích các quốc gia vùng Vịnh khác như Kuwait, Bahrain, Qatar và UAE ủng hộ tài chính cho Iraq.
Việc Ả Rập Xê-út công khai ủng hộ Iraq cả về tài chính lẫn chính trị khiến quan hệ vốn “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa Iran và Ả Rập Xê-út càng trở nên căng thẳng. Tháng 5/1984, Iran cho máy bay chiến đấu tấn công các tàu chở dầu của Iraq trên vịnh Ba Tư.
|
Chiến đấu cơ F-4 của Iran từng xâm nhập không phận Ả Rập Xê-út. Ảnh: Business Insider. |
Ả Rập Xê-út phản ứng bằng cách thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên vịnh Ba Tư để đánh chặn chiến đấu cơ Iran. Ngày 5/6/1984, 4 tiêm kích F-4 Phantom của Không quân Iran do Mỹ sản xuất bị cáo buộc xâm nhập ADIZ của Ả Rập Xê-út trên vịnh Ba Tư. Chiến đấu cơ của Iran được cho là đang cố tấn công 2 tàu chở dầu trên vịnh.
Không quân Ả Rập Xê-út đã điều động các tiêm kích F-15 cũng do Mỹ sản xuất cất cánh để ngăn chặn chiến đấu cơ Iran. Một nhà ngoại giao Trung Đông cho biết, cuộc không chiến giữa máy bay Iran và Ả Rập Xê-út diễn ra trên không phận đảo Al Arabiyah, khoảng 96 km về phía đông bắc tỉnh Jubail, Ả Rập Xê-út.
Các tiêm kích F-15 của Ả Rập Xê-út đã bắn hạ 2 chiến đấu cơ F-4 của Iran. Những chiếc F-15 cố gắng bắn hạ chiếc F-4 thứ 3 nhưng không thành công. Không quân Iran lập tức điều động 11 chiếc F-4 khác xuất kích ứng cứu những chiếc F-4 đang bị truy đuổi trên vịnh Ba Tư.
Phát hiện Iran điều thêm máy bay, phía Ả Rập Xê-út cũng cho 11 chiếc F-15 khác xuất kích. Tuy nhiên, cuộc không chiến trên không quy mô lớn đã không xảy ra. Chiến đấu cơ 2 nước đều rút về căn cứ.
|
F-4 rõ ràng không phải là đối thủ xứng tầm đối với F-15. Ảnh: Defence Talk. |
Các nhà phân tích quân sự nhận định, những chiếc F-15 của Không quân Ả Rập Xê-út hiện đại hơn rất nhiều so với F-4 của Iran. Ở thời điểm những năm 1980, F-15 là một trong những chiến đấu cơ mạnh nhất thế giới.
Ngoài, những chiếc F-15 của Ả Rập Xê-út được sự hậu thuẫn của máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không của Mỹ đang hoạt động trong khu vực. Máy bay cảnh báo sớm của Mỹ được cho là đã cung cấp thông tin cho F-15 của Ả Rập Xê-út để bắn hạ chiến đấu cơ Iran.
Một quan chức chính quyền Ả Rập Xê-út nói trong cuộc họp báo sau đó rằng, hành động của không quân nước này là “tự vệ hợp pháp”. Đây là cuộc không chiến hiếm hoi giữa 2 loại máy bay do Mỹ sản xuất trong biên chế không quân 2 nước khác nhau.
Phần thắng đã thuộc về chiến đấu cơ hiện đại hơn. Ở thời điểm đó, Không quân Ả Rập Xê-út có khoảng 61 chiếc F-15. Hiện tại, lực lượng F-15 của Ả Rập Xê-út đã được nâng lên con số 156 chiếc, cùng với 72 chiếc phiên bản tối tân F-15SA đang đặt hàng.
Quốc Minh