|
Tên lửa được khai hỏa từ hệ thống phòng không S-300 PMU-1. Nguồn Topwar
|
Hệ thống phòng không S-300 của Nga trong đầu thế kỷ 21, có lẽ là hệ thống phòng không nổi bật và dễ nhận biết nhất trên thế giới; đồng thời được sử dụng trong nhiều quân chủng của Quân đội Nga và một loạt khách hàng nước ngoài từ Trung Quốc, Việt Nam đến Algeria và Iran.
Tham gia thực chiến của các hệ thống S-300 đáng chú ý là trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, cũng như việc sử dụng hạn chế trong cuộc xung đột tại Nagaro-Karabakh, khi các hệ thống S-300 được cả Armenia và Azerbaijan triển khai.
Tính năng tiến tiến của S-300PMU khiến việc chuyển giao nó cho một số khách hàng trở thành một vấn đề có ý nghĩa chính trị và đôi khi gây tranh cãi. Ví dụ việc Nga bán S-300PMU cho Iran vào đầu thập niên 2000, nhưng đã bị Moscow hủy bỏ dưới áp lực của phương Tây;
Hoặc gần đây là việc bán S-400, một biến thể được cho là cải tiến của S-300, cho Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO vào năm 2016.
Mặc dù hệ thống S-300 đã ra đời được 44 năm (từ năm 1979), nhưng nó chỉ thực sự được coi là vũ khí của cuộc cách mạng phòng không từ đầu thập niên 1990, khi nó giúp thay đổi khả năng của toàn bộ hệ thống phòng không quốc gia của Nga và hệ thống phòng thủ của những quốc gia đã mua hệ thống này.
|
Một bệ phóng tên lửa S-300 đời đầu của Liên Xô. Nguồn Wikipedia |
Đặc biệt là phiên bản cải tiến của S-300 là S-300PMU, bắt đầu được đưa vào sử dụng từ năm 1992, là bước nhảy vọt về chất trong sự phát triển của nền tảng phòng không và là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của ngành công nghiệp quốc phòng Nga.
Hệ thống phòng không S-300 được đưa vào sử dụng đầu thập niên 1980, với vai trò là hệ thống phòng không tầm trung, thay thế hệ thống S-75 đã lạc hậu, ra đời từ cuối những năm 1950; S-300 có khả năng chống tên lửa và chống máy bay tiên tiến với tính cơ động rất cao và khả năng di chuyển nhanh chóng sau khi khai hỏa.
Nhiệm vụ phòng không tầm xa vào thời điểm đó của lực lượng phòng không Nga, thuộc trách nhiệm của hệ thống S-200. S-200 có phạm vi tác chiến tới 300 km và có thể đánh chặn mọi loại mục tiêu, thậm chí là cả tên lửa đạn đạo ở tốc độ siêu âm thấp.
Ngược lại khi đó, hệ thống S-300P có tầm bắn chỉ 70 km, trong khi phiên bản kế nhiệm của nó là S-300PM/PS đi vào hoạt động năm 1985 (hiện Ukraine cũng được trang bị), đã mở rộng phạm vi này lên 90 km và cải thiện độ chính xác.
Nhưng thay đổi lớn nhất là việc đưa S-300PMU-1 vào sử dụng năm 1992 (lúc này Liên Xô đã sụp đổ và chỉ có Nga được trang bị). S-300PMU-1 được trang bị loại tên lửa 48N6, có tầm bắn tối đa 195 km và tốc độ Mach 5,8.
Mặc dù tên lửa của S-300PMU-1 có tầm bắn gần hơn, nhưng tốc độ lại nhanh hơn so với tên lửa của S-200; đồng thời tên lửa 48N6 có kích thước nhỏ hơn một phần tư so với S-200, cho phép chúng được vận chuyển trên các phương tiện phóng di động; trong khi đó, S-200 phải sử dụng bệ phóng cố định.
|
Hệ thống phòng không S-300 PMU-1 của Algeria. Nguồn Topwar
|
Không chỉ có phạm vi tác chiến cao hơn gấp đôi so với thế hệ S-300 trước đó, dòng PMU cũng lần đầu tiên trên thế giới giới có khả năng sử dụng đồng thời nhiều loại tên lửa; cung cấp khả năng phòng thủ nhiều lớp trong một hệ thống.
Các cảm biến của hệ thống PMU cũng đã được cách mạng hóa, để có thể phá hiện và tiêu diệt mục tiêu ở xa hơn và cùng với đó là hệ thống được thiết kế nhỏ gọn và tính cơ động chưa từng có.
Khả năng của S-300PMU-1 không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất khẩu lớn, đáng chú ý nhất là sang Trung Quốc, mà còn cho phép Nga loại bỏ dần các hệ thống phòng không kiểu cũ S-200 ra khỏi biên chế chiến đấu; đồng thời tạo ra một mạng lưới phòng không tầm xa khó bị đối phương chế áp hơn nhiều.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, mạng lưới phòng không của Nga bị thu hẹp nhanh chóng; mặc dù lực lượng tên lửa phòng không không mạnh bằng lực lượng không quân; nhưng khả năng trong một hệ thống duy nhất, có thể cung cấp ba lớp phòng không (tầm gần, tầm trung và tầm xa), được đánh giá rất cao.
S-300PMU-1 đã nhanh chóng được thay thế bằng S-300PMU-2 vào năm 1997; hệ thống có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung và nâng cấp đáng kể đối với xe chỉ huy, silo chứa tên lửa, thiết bị bảo trì, radar và hệ thống tác chiến điện tử.
Các bệ phóng riêng lẻ của hệ thống S-300 PMU-2 có nhiều quyền tự chủ hơn và hệ thống có thể tấn công đồng thời nhiều mục tiêu hơn.
S-300PMU-2 cuối cùng đã mở đường cho sự phát triển của S-300PMU-3, sau này được đổi tên thành S-400, được đưa vào sử dụng năm 2007 sau một thời gian trì hoãn đáng kể. Nhưng bù lại là được sản xuất với số lượng lớn hơn nhiều so với hai thế hệ tiền nhiệm cộng lại.
Các khả năng mới của S-400 bao gồm nâng tầm bắn xa nhất của tên lửa từ 250 km (PMU-2), mở rộng lên 400 km; cùng cới đó là khả năng đánh chặn tên lửa siêu thanh ở tốc độ vượt quá Mach 8, tính cơ động cao hơn và khả năng tấn công đồng thời nhiều mục tiêu hơn và dẫn đường tới 160 tên lửa cùng lúc.
|
Hệ thống phòng không S-400 của Nga. Nguồn Topwar |
Khả năng đặc biệt của hệ thống S-400 là việc sử dụng nhiều radar ở các dải sóng khác nhau, nên có thể phát hiện mục tiêu ở cự ly tối đa tới 600 km đối với máy bay ném bom và phạm vi phát hiện gần 100 km đối với các mục tiêu tàng hình thế hệ thứ năm, như máy bay chiến đấu F-22.
Các biến thể S-300 hậu Xô Viết (bao gồm cả S-400 được đổi tên), có những khả năng khác biệt so với các hệ thống tầm trung S-300P/PS/PT thời Xô Viết, và có thể thực hiện trong nhiều vai trò khác nhau.
Khi quá trình hiện đại hóa của lực lượng Không quân Nga bị chậm lại với chương trình máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm như Su-57 liên tục bị chậm tiến độ, thì các hệ thống phòng không S-300PMU-1, PMU-2 và S-400 sẽ đảm bảo an ninh không phận cho nước Nga thời hậu Xô Viết, hiệu quả hơn về mặt chi phí.
Tiến Minh (theo Military Watch)