GS.TS Nguyễn Xuân Anh: Bậc thầy chế tạo vũ khí Việt Nam

Google News

Là một trong hai giáo sư hiếm hoi của ngành quân giới Việt Nam, GS.TS Nguyễn Xuân Anh không chỉ nổi bật với những đóng góp khoa học xuất sắc mà còn được kính trọng bởi lối sống giản dị và tâm huyết trọn đời với nghề.

>>> Mời độc giả xem video: GS.TS Nguyễn Xuân Anh chia sẻ về hành trình đến với ngành chế tạo vũ khí của mình.
 
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, nhắc đến chiến thắng, chúng ta không chỉ nhớ đến những anh hùng ngoài mặt trận, mà còn cần khắc ghi những con người âm thầm sau hậu phương – những người đặt từng viên gạch cho nền quốc phòng hiện đại hôm nay. GS.TS Nguyễn Xuân Anh là một trong những nhân chứng sống quý giá ấy. Ông là minh chứng cho một lớp trí thức quân đội “sống để phụng sự”. 
Hành trình ra Việt Bắc
GS.TS Nguyễn Xuân Anh sinh năm 1944 tại Triệu Phong, Quảng Trị – mảnh đất tuyến đầu khói lửa. Cha ông, ông Nguyễn Xuân Trâm, là cán bộ kháng chiến hoạt động tại chiến khu Việt Bắc, một người thân cận với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau này ông Xuân Trâm trở thành Tổng thư ký Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới, phó Tổng thư ký Ủy ban đoàn kết nhân dân Á – Phi, Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong suốt những năm tháng ấy, ông Xuân Anh sống cùng mẹ, em gái và ông bà nội – những người thân thường xuyên bị quân địch bắt bớ, tra khảo vì có chồng, có con theo cách mạng.
GS.TS Nguyen Xuan Anh: Bac thay che tao vu khi Viet Nam-Hinh-2
Hình ảnh ông Nguyễn Xuân Trâm (thứ hai từ trái sang), cha của GS Nguyễn Xuân Anh  
Trong ký ức của ông, đó là những ngày tháng không thể quên: “Địch lục soát bất kể ngày đêm, mẹ tôi nhiều lần bị lôi ra tra hỏi, ông nội tôi bị đánh trọng thương. Tôi cũng từng bị trói, bị đánh dù mới 6-7 tuổi.” Thông tin về hoàn cảnh khắc nghiệt của gia đình ông sau đó đến tai Bác Hồ.
Bác đã trực tiếp chỉ đạo đưa cậu bé 8 tuổi từ Quảng Trị ra chiến khu Việt Bắc. Tại đây, Bác giao cậu cho gia đình đồng chí Xuân Thủy (sau này là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao), dặn dò kỹ lưỡng: “Chú giúp tôi chăm lo cho cháu, cho cháu được học hành đến nơi đến chốn.”
Từ giây phút đó, cuộc đời GS.TS Nguyễn Xuân Anh bước sang một trang khác – một hành trình gắn liền với sự nghiệp học tập và phụng sự, dưới bóng dáng và định hướng của một con người vĩ đại.
GS.TS Nguyen Xuan Anh: Bac thay che tao vu khi Viet Nam-Hinh-3
Bức ảnh vẽ lại thời điểm cậu bé Nguyễn Xuân Anh (8 tuổi) được gặp Bác Hồ tại chiến khu Việt Bắc 
Giấc mơ bay và cuộc hẹn đặc biệt với Bác
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Nguyễn Xuân Anh theo cha về Hà Nội học. Tốt nghiệp phổ thông, ông thi vào lực lượng không quân, ước mơ trở thành phi công như Gagarin và trúng tuyển sau nhiều vòng sàng lọc gắt gao.
Thế nhưng, năm 1962, trong một lần đến thăm Trường Huấn luyện Hàng không, Bác Hồ gặp lại Nguyễn Xuân Anh lúc đó đã là tân binh 18 tuổi.  Trong cuộc gặp ấy, Bác nhìn ông trìu mến, rồi nói:
“Cháu muốn bay lên trời, Bác hiểu. Nhưng đất nước đang cần những người làm ra vũ khí để chiến đấu. Làm ra vũ khí để giết người là bất nhân. Nhưng làm ra vũ khí để bảo vệ nhân dân, để giành lại độc lập – đó là đại nghĩa.”
Nguyễn Xuân Anh lặng đi. Một người trẻ mang giấc mơ bầu trời, giờ cúi đầu trước một lý tưởng cao hơn. Ông gác lại tất cả, lên đường sang Trung Quốc học ngành chế tạo vũ khí tại Học viện Pháo binh Nam Kinh. Sau khi tốt nghiệp, Xuân Anh về công tác tại Học viện Kỹ thuật Quân sự, lựa chọn con đường trở thành “người thợ rèn” của Tổ quốc.
GS.TS Nguyen Xuan Anh: Bac thay che tao vu khi Viet Nam-Hinh-4
 Hình ảnh GS Nguyễn Xuân Anh trong quá trình công tác tại Học viện Kỹ thuật Quân sự
Ở lại hậu phương – cũng là giết giặc
Không chỉ có Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là người có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của GS.TS Nguyễn Xuân Anh. Có lần, ông bày tỏ nguyện vọng muốn được ra mặt trận chiến đấu, trực tiếp cầm súng diệt thù. Nhưng Đại tướng đã gọi ông đến và ân cần nói:
“Cháu muốn ra mặt trận là rất quý. Nhưng người ở hậu phương, chế tạo ra khẩu súng, quả đạn để đồng đội chiến thắng cũng là giết giặc. Mỗi loại vũ khí do cháu làm ra, là một chiến sĩ thầm lặng nơi tuyến lửa.”
Ông lặng lẽ trở về phòng thí nghiệm. Và từ đó, dồn toàn bộ trí tuệ, lòng yêu nước và sự bền bỉ để cống hiến cho ngành vũ khí Việt Nam.
Những vũ khí không tên, nhưng góp phần làm nên chiến thắng
Năm 1968 – giai đoạn ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ – ông Nguyễn Xuân Anh đã cải tiến thành công tên lửa ĐKB bằng cách nối tầng động cơ, tích hợp bộ phận điểm hỏa hẹn giờ, giúp tăng tầm bắn từ 11km lên 19,5km. Quan trọng hơn, thiết kế này đủ đơn giản để bộ đội có thể chế tạo ngay tại chiến trường.
GS.TS Nguyen Xuan Anh: Bac thay che tao vu khi Viet Nam-Hinh-5
Hình ảnh thử nghiệm tên lửa ĐKB tăng tầm bắn 
Cũng trong giai đoạn ấy, ông còn thiết kế bệ phóng tên lửa bằng... gỗ. Đơn giản, dễ lắp ráp, cơ động, dễ ngụy trang – giúp bộ đội bắn xong rút nhanh, không bị địch phát hiện. Cả một trận địa tên lửa chỉ cần 1-2 người điểm hỏa. Những thiết kế không hào nhoáng ấy đã giúp tạo nên bất ngờ chiến lược, góp phần làm nên chiến thắng trong nhiều chiến dịch lớn.
GS.TS Nguyen Xuan Anh: Bac thay che tao vu khi Viet Nam-Hinh-5
 Thử nghiệm tên lửa ĐKB do GS Nguyễn Xuân Anh cải tiến. 
Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa – người được mệnh danh là “ông tổ ngành vũ khí Việt Nam” – cũng đặc biệt ủng hộ Nguyễn Xuân Anh, xem ông là một trong những học trò tâm huyết nhất và từng nhiều lần hỗ trợ ông trong các nghiên cứu cải tiến vũ khí đặc chủng.
Ngoài tên lửa ĐKB, Nguyễn Xuân Anh còn góp phần tạo ra nhiều loại vũ khí chiến đấu hiệu quả: bom CBU, vũ khí rải truyền đơn… chuyên dùng cho các lực lượng đặc biệt. Ông còn nghiên cứu các đề tài lớn như “Phát triển vũ khí sư đoàn bộ binh”, “Phòng tránh và đánh trả vũ khí công nghệ cao”, hay thiết kế đạn tên lửa rải nhiều bom sử dụng trên tàu hải quân PK-16.
Trong quá trình chế tạo và thử nghiệm vũ khí, có những đồng đội của ông – như kỹ sư trẻ Phan Thanh – đã hy sinh ngay trên bàn thử đạn. Ông chứng kiến, ông đau đớn, nhưng cũng chính những cái chết thầm lặng ấy càng khiến ông hiểu: mình không có quyền dừng lại.
“Anh ngã xuống khi việc còn dang dở
Xin hãy yên lòng, chúng tôi tiếp bước anh...”
Những câu thơ ông viết trong đêm tang người đồng đội đã trở thành lời thề danh dự: sống để hoàn thành giấc mơ khoa học của những người đã nằm xuống.
GS.TS Nguyen Xuan Anh: Bac thay che tao vu khi Viet Nam-Hinh-6
Chân dung GS.TS Nguyễn Xuân Anh, chuyên gia chế tạo vũ khí hàng đầu Việt Nam. 
Cốt cách người trí thức quân đội
Dù được Nhà nước phong hàm giáo sư – danh hiệu hiếm hoi trong ngành quân giới – ông vẫn sống giản dị, khiêm nhường và kiên quyết từ chối mọi lời mời giữ chức vụ quản lý. Đến nay, ngành quân giới Việt Nam mới chỉ có hai người được phong hàm giáo sư: cố Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa và Giáo sư Nguyễn Xuân Anh.
Ông từng tâm sự, lời Bác Hồ vẫn luôn văng vẳng bên tai, là kim chỉ nam cho toàn bộ cuộc đời nghiên cứu của mình.
Dù đã nghỉ hưu, ông vẫn miệt mài tư vấn cho thế hệ trẻ, truyền ngọn lửa đam mê cho các kỹ sư, học viên Học viện Kỹ thuật quân sự. Với ông, được sống trọn với con đường "đại nghĩa" – đó là niềm vinh quang lớn nhất của cuộc đời.
GS.TS Nguyen Xuan Anh: Bac thay che tao vu khi Viet Nam-Hinh-7
GS Nguyễn Xuân Anh làm việc tại lực lượng Hải quân năm 2017 
Giữa thời đại công nghệ quốc phòng thay đổi từng ngày, những giá trị mà ông để lại – cả trong khoa học lẫn đạo đức nghề nghiệp – vẫn mãi là nền tảng để Việt Nam vững bước xây dựng một nền quốc phòng vững mạnh, hiện đại, và tự chủ.
Ghi nhận xứng đáng cho một đời cống hiến
Với những đóng góp to lớn, bền bỉ và đầy trí tuệ, GS.TS Nguyễn Xuân Anh đã được Đảng, Nhà nước và các tổ chức khoa học tặng thưởng nhiều danh hiệu, giải thưởng cao quý: Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ, Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC), Nhiều Huy chương, Huân chương và Bằng Lao động Sáng tạo.
Đặc biệt, Khoa Vũ khí – Học viện Kỹ thuật Quân sự, nơi ông từng giữ cương vị Chủ nhiệm, đã được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đánh dấu một mốc son rực rỡ trong lịch sử ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam.
Trần Liên