Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, quân đội các nước lớn trên thế giới như đã phát triển nhiều phương tiện chiến đấu mặt đất hiện đại. Tuy vậy, các loại xe tăng sản xuất từ những năm đầu Chiến tranh Lạnh như T-55, T-62 vẫn còn phục vụ với vai trò xe tăng chiến đấu chủ lực của quân đội nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Hiện nay, xe tăng T-55 vẫn đóng vai trò "xương sống" trong lực lượng tăng - thiết giáp Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Tuy nhiên, sự lạc hậu về mọi mặt đối với những chiếc xe tăng này là điều khó tránh khỏi, đạn dược, hệ thống điều khiển hỏa lực được phát triển vài chục năm trước nên khó đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện đại. Để đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện đại, nâng cấp hỏa lực được đánh giá là là giải pháp hữu hiệu và tiết kiệm nhất.
Công ty xuất khẩu vũ khí nhà nước Nga Rosoboronexport, thuộc Tập đoàn Rostec đã giới thiệu một số đạn chống tăng mới cho phép các xe tăng T-55, T-62 tiêu diệt phương tiện chiến đấu bọc thép hiện đại. Đạn chống tăng mới được chỉ định 3UBK10M.
Đạn 3UBK10M là sự kết hợp độc đáo giữa liều phóng của đạn cũ và đầu đạn của tên lửa chống tăng 9M117M. Đạn mới có cỡ nòng 100 và 115 mm, tương thích với pháo chính của xe tăng T-55 và T-62.
Đạn mới được thiết kế để tiêu diệt các phương tiện chiến đấu bọc thép có trang bị giáp phản ứng nổ, các mục tiêu mặt đất, thậm chí cả trực thăng bay thấp. Tên lửa 9M117M được trang bị đầu đạn HEAT liều nổ kép mang lại khả năng xuyên giáp mạnh.
|
Đạn chống tăng 3UBK10M là sự kết hợp độc đáo giữa liều phóng của đạn cũ và đầu đạn tên lửa 9M117M. Ảnh: Armyrecognition |
Đạn 3UBK10M được dẫn hướng đến mục tiêu bằng công nghệ bám chùm laser bán tự động với khả năng kháng nhiễu cao. Đạn có thể tấn công mục tiêu bất kể ngày đêm. Do đó, các xe tăng T-55, T-62 của Việt Nam muốn sử dụng đòi hỏi phải nâng cấp hệ thống điều khiển hỏa lực. Dẫu vậy, phương án này vẫn hiệu quả hơn nhiều so với việc phải thay nòng pháo như một số gói nâng cấp đề xuất.
"Gia đình" đạn 3UBK10M có 4 phiên bản, trong đó, đạn 3UBK10M dùng cho pháo chống tăng MT-12 và T-12N. Đạn có tầm bắn từ 100-5.000 m, thời gian bay đến mục tiêu ở cự ly xa nhất khoảng 17,6 giây, khả năng xuyên giáp khoảng 600 mm.
- Đạn 3UBK10M-1 dành cho xe tăng chiến đấu chủ lực T-55 và T-55AM. Đạn có thời gian bay đến mục tiêu ở phạm vi tối đa khoảng 13,5 giây, nó có thể xuyên giáp dày 600 mm. Tầm bắn từ 100-4.000 m.
- Đạn 3UBK10M-2 dành cho xe tăng chiến đấu chủ lực T-62, đạn có cỡ nòng 115 mm. Thông số kỹ thuật tương đương với đạn dành cho xe tăng T-55 chỉ khác về cỡ nòng.
- Đạn 3UBK10M-3 dành cho xe chiến đấu bộ binh BMP-3.
"Gia đình" đạn 3UBK10M có thể hoạt động trong điều kiện nhiệt độ giao động từ -40 đến 50 độ C.
|
Đạn 3UBK20 dành cho xe tăng chiến đấu chủ lực T-72, T-80 và T-90. Ảnh: Armyrecognition |
Ngoài ra, Rosoboronexport còn giới thiệu nhiều loại đạn xuyên giáp mới dành cho xe tăng chiến đấu chủ lực T-72, T-90 và T-80. Trong đó đạn 3UBK20 là sự kết hợp giữa đạn thông thường và đầu đạn tên lửa chống tăng 9M119M.
Ưu điểm của đạn 3UBK20 là không cần bất kỳ thay đổi nào để sử dụng nó, yêu cầu bảo trì đơn giản trong quá trình lưu trữ. Đạn được dẫn hướng đến mục tiêu bằng công nghệ bám chùm laser bán tự động, tầm bắn từ 100-5.000 m, khả năng xuyên giáp 700 mm.
Bên cạnh đó, để tăng khả năng chiến đấu của xe chiến đấu bộ binh BMP-3, Rosoboronexport giới thiệu đạn 3UBK23-3 Arkan. Đây là loại đạn kết hợp đầu đạn tên lửa chống tăng 9M117M1-3. Loại đạn này có khả năng xuyên giáp tới 750 mm cho phép diệt mọi xe tăng. Đạn 3UBK23-3 có tầm bắn từ 100-5.500 m, dẫn hướng bằng công nghệ bám chùm laser bán tự động.
Công ty xuất khẩu vũ khí nhà nước Nga còn giới thiệu các loại đạn xuyên giáp mới cỡ nòng 30 mm dành cho các loại pháo trên xe thiết giáp. Đạn mới có thể bắn từ pháo 2A42, 2A72 lắp trên các xe thiết giáp và trực thăng hoặc pháo 2A38 của các hệ thống phòng không.
Trong các loại đạn 30 mm mới gồm, đạn cháy nổ mạnh 3UOF8, đạn xuyên giáp động năng 3UBR6, đạn xuyên giáp nhẹ 3UBR8 và đạn 3UOR6 để tiêu diệt các mục tiêu trên không.
Nhìn chung, các loại đạn mới do Rosoboronexport giới thiệu có thể giúp các phương tiện chiến đấu bọc thép cũ hồi sinh sức mạnh tác chiến ngang ngửa các phương tiện hiện đại.
Quốc Minh