Trước tình hình đó, Mỹ và chư hầu mở rộng hoạt động của không quân và hải quân, ném bom bắn phá miền Bắc để gây áp lực hòng làm giảm sự chi viện về sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam. Cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ ở miền Bắc từng bước được mở rộng về quy mô, gia tăng về cường độ.
Từ thực tiễn chống Mỹ, cứu nước trên khắp hai miền Nam, Bắc; trên cơ sở phân tích toàn bộ tình hình trong nước và thế giới có liên quan, tháng 5 và tháng 6- 1967, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá tình hình mọi mặt và xem xét dự thảo kế hoạch chiến lược Đông - Xuân 1967- 1968, đưa ra chủ trương: Trên cơ sở phương châm đánh lâu dài, đẩy mạnh nỗ lực chủ quan đến mức cao nhất để giành thắng lợi quyết định trong một thời gian ngắn. Tháng 10-1967, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương họp mở rộng và quyết định chuyển hướng tiến công chiến lược vào các đô thị trên toàn miền Nam.
|
Các lực lượng của ta tấn công địch trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu |
Tháng 12-1967, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt, chính thức thông qua kế hoạch chiến lược năm 1968 và nhiệm vụ của quân và dân ta, chủ trương chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới. Tháng 1-1968, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 (Khóa III) sau khi phân tích tình hình đã nhận định: địch đã thất bại một bước rất cơ bản trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đang lúng túng, bị động về chiến lược, chiến thuật, do đó, ta phải tranh thủ thời cơ “chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới- thời kỳ tiến công và nổi dậy, dành thắng lợi quyết định”, tạo ra bước ngoặt lớn của cuộc chiến tranh Việt Nam.
Đòn quyết định xoay chuyển cục diện chiến tranh
Để thực hiện quyết tâm chiến lược đó, nhiệm vụ cấp bách của ta trong thời kỳ này là động viên, tạo sự nỗ lực cao nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất bằng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định. Để thực hiện quyết tâm, các chiến trường ở miền Nam gấp rút bắt tay chuẩn bị cho cuộc Tổng công kích- tổng khởi nghĩa; chuẩn bị chiến trường; lực lượng, xây dựng phương án tác chiến và phương án phát động quần chúng nổi dậy, bảo đảm hậu cần tiếp tế, thông tin liên lạc; chuẩn bị cơ sở giấu ém lực lượng và bàn đạp xuất phát tiến công ở vùng ven và trong các đô thị trên toàn miền Nam.
Đúng 0h ngày 29-1-1968, quân ta tấn công địch tại sân bay Nha Trang. Sau nửa tiếng, ta đồng loạt tấn công vào thị trấn Tân Cảng (Kon Tum), thị xã Buôn Ma Thuột, thị xã Plây- Ku, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Hội An… Cả dải đất miền Trung đã nổ súng tiến công. Đêm 29 rạng sáng 30-1-1968 cuộc tiến công và nổi dậy tiếp tục diễn ra ở khắp các tỉnh thành, thị xã, thị trấn trên toàn miền Nam. Bộ binh, đặc công, biệt động đánh mạnh, đánh trúng các mục tiêu trọng yếu của địch ở Sài Gòn- Gia Định- Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Phan Thiết, Phan Rang, Đà Lạt, Tây Ninh, Bến Tre, Kiến Tường, Định Tường, Gò Công, Biên Hòa, Rạch Giá, Kiên Giang…
|
Cuộc Tổng tiến công là một sự kiện có ý nghĩa chiến lược, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Nguồn ảnh: Thông tấn Xã Việt Nam. |
Sài Gòn- Gia Định là trọng điểm lớn nhất của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 vì đây là trung tâm đầu não chỉ đạo toàn bộ bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ- Ngụy tại miền Nam Việt Nam. Để bảo vệ Sài Gòn- Gia Định, Mỹ Ngụy đã tổ chức một hệ thống phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp với nhiều loại lực lượng tham gia.
Ngay từ phút đầu nổ súng, biệt động ta đã đồng loạt đánh vào các mục tiêu quan trọng như: Dinh Độc lập, Bộ Tổng Tham mưu Quân lực VNCH, Bộ Tư lệnh Hải quân, Sân bay Tân Sơn Nhất… Trận đánh tại Tòa Đại sứ Mỹ hơn 6 tiếng đồng hồ với 17 chiến sĩ biệt động của ta đương đầu với lực lượng quân cảnh, lính dù của Mỹ đã gây một tiếng vang lớn làm chấn động nước Mỹ.
Đồng thời lực lượng biệt động, các tiểu đoàn mũi nhọn trang bị gọn nhẹ từ các bàn đạp vùng ven, nhanh chóng tiến vào nội đô trên các hướng. Xung quanh Sài Gòn - Gia Định, các căn cứ quân sự, trụ sở quân đội và chính quyền Sài Gòn ở Biên Hòa, Bình Dương, Hậu Nghĩa, Long An… cũng bị tấn công. Hai đợt tiến công lần thứ 2 và thứ 3 đã giáng cho đế quốc Mỹ nhiều tổn thất về sinh lực và phương tiện chiến tranh. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968, quân và dân ta đã đánh vào 4 trong 6 thành phố lớn, 37 trong số 44 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ, 4 bộ tư lệnh quân đoàn, 8 trong 11 bộ tư lệnh sư đoàn quân đội Sài Gòn, 2 bộ Tư lệnh biệt khu, 2 bộ Tư lệnh dã chiến Mỹ cùng nhiều bộ tư lệnh lực đoàn, trung đoàn, chi khu và hàng trăm căn cứ quân sự địch bị tấn công đồng loạt. Chúng ta đã tiêu diệt và làm tan rã 15 vạn quân địch, trong đó có 4 vạn quân Mỹ, 600 ấp chiến lược, giải phóng thêm 100 xã với 1,6 triệu dân.
Cuộc Tổng tiến công là một sự kiện có ý nghĩa chiến lược, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải đơn phương “xuống thang chiến tranh” tạo bước ngoặt quyết định cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đi tới thắng lợi.
Theo Bích Phượng/Báo Phòng không - Không quân