Nói về mức độ phức tạp thì Aegis đứng vị trí số 1 trong các hệ thống chiến đấu tổng hợp trên khắp thế giới hiện nay. Độ phức tạp của nó có khi còn hơn cả các tổ hợp tên lửa phòng không, phòng thủ tên lửa của Nga và nhiều nước khác.
Hệ thống chiến đấu Aegis (Airbonne Early-waring Ground Intergration Segment) là sự tích hợp của nhiều thành phần khác nhau, dựa trên một số hệ thống cảm biến riêng biệt để theo dõi các mối đe dọa khác nhau, thành phần chủ yếu của hệ thống này bao gồm: Hệ thống chỉ huy và ra quyết định Mk1 (CDS); hệ thống kiểm soát và điều khiển vũ khí (WCS); hệ thống radar quét mạng pha đa năng AN/SPY-1A (1B/1D), hệ thống hỏa lực Mk99; hệ thống phóng hỏa lực thẳng đứng Mk41; tên lửa phòng không; hệ thống tác chiến điện tử; hệ thống giám sát trạng thái và vận hành Mk1; hệ thống nhận biết địch-ta (IFF); hệ thống dẫn đường vệ tinh; hệ thống sona.
|
Sơ đồ tác chiến của Hệ thống Aegis. Nguồn ảnh: Wikipedia |
Vai trò của mỗi thành tố trong hệ thống chiến đấu Aegis như sau:
- Hệ thống chỉ huy và ra quyết định Mk1 (CDS)
Hệ thống chỉ huy và ra quyết định Mk1 là trung tâm điều khiển tác chiến trên các tàu chiến mặt nước với thành phần chính gồm: Máy tính tốc độ cao AN/UYK-7 và hệ thống hiển thị tổng hợp AN/UYK-43.
Hệ thống Mk1 có nhiệm vụ tiếp nhận và hiển thị các thông tin được truyền đến từ hệ thống rada trinh sát của các tàu chiến, máy bay, hệ thống sona, rada trinh sát đường không, hệ thống điện tử và hệ thống trinh sát vệ tinh. Hệ thống Mk1 sử dụng 4 phương thức chỉ huy và ra quyết định đó là: Hoàn toàn tự động; tự động; bán tự động và thao tác ứng cứu.
- Hệ thống kiểm soát và điều khiển vũ khí Mk1 (WCS)
Hệ thống này có chức năng chính là khống chế, điều khiển toàn bộ các loại vũ khí được trang bị trên tàu chiến. Đối với hệ thống chiến đấu Aegis trên tàu chiến mặt nước, ngoài các loại vũ khí đối hải, đối đất và chống ngầm, hệ thống kiểm soát và điều khiển vũ khí Mk1 có thể điều khiển, kiểm soát được tên lửa phòng không SM, hệ thống vũ khí phòng không tầm gần, các loại vũ khí trang bị trên máy bay chiến đấu của Quân đội Mỹ đang tác chiến tại cùng khu vực và hệ thống tác chiến điện tử.
Hệ thống này sẽ nhận lệnh từ hệ thống chỉ huy và ra quyết định, sau đó căn cứ vào các tham số đo đạc liên quan tới mục tiêu từ hệ thống rada AN/SPY-1A (1B/1D). Những số liệu này sẽ được máy tính tốc độ cao xử lý để xác định khả năng uy hiếp của mục tiêu. Sau đó, hệ thống sẽ ra lệnh cho hệ thống phóng vũ khí Mk41 để tiêu diệt mục tiêu đồng thời lập tức báo cáo số kiệu ngược trở lại hệ thống chỉ huy và ra quyết định.
- Hệ thống radar quét mạng pha đa năng AN/SPY-1A (1B/1D)
Đây là hạt nhân chủ yếu của hệ thống chiến đấu Aegis. Hệ thống này sử dụng 4 máy tính tốc độ cao để khống chế và điều khiển rada; 4 màn hình hiển thị độ phân giải cao; 4 đài chỉ huy điều khiển và 2 đài chỉ huy xuất/nhập tham số. Thông qua hệ thống cung cấp số liệu này, người chỉ huy có thể dễ dàng nhận biết tình hình tác chiến xung quanh và có thể ngay lập tức ra lệnh cho các hệ thống chiến đấu.
Hệ thống radar quét mạng pha đa năng AN/SPY-1A (1B/1D) có khả năng giám sát 3 chiều, theo dõi hàng trăm mục tiêu cùng lúc, cung cấp kênh dẫn hướng pha giữa cho tên lửa đánh chặn SM. Hệ thống này sử dụng băng tần S với cự ly giám sát lên tới 370km. Hiện nay, Hải quân Mỹ còn đang tiến hành nâng cấp đối với hệ thống rada này nhằm nâng phạm vi trinh sát, giám sát mục tiêu, tên lửa của đối phương ở từ 400 - 700km.
|
Cảm biến chính trên tàu USS Lassen là radar quét mảng pha điện tử thụ động AN/SPY-1. Ảnh: netnews.vn |
- Hệ thống hỏa lực Mk99
Hệ thống này có nhiệm vụ so sánh đối chiếu và phân loại các loại mục tiêu. Sau khi tiếp nhận tín hiệu từ hệ thống chỉ huy và ra quyết định Mk1, Mk99 sẽ sử dụng hệ thống rada AN/APG-62 để tiến hành phân loại các loại mục tiêu khác nhau đồng thời ngay lập tức truyền tham số tới hệ thống phóng để sẵn sàng ra lệnh cho các tên lửa SM-2MR hoặc tên lửa phòng không RIM-7 Sea Sparrow Missile.
- Hệ thống phóng hỏa lực thẳng đứng Mk41
Đặc điểm chủ yếu của hệ thống này là hỏa lực mạnh, dung nạp được 32 quả tên lửa các loại; hiệu suất phóng cao đạt tới 1 quả/giây; có khả năng dự trữ đạn lớn; có thể phóng được tên lửa SM-2MR, tên lửa phòng không RIM-7 Sea Sparrow Missile, tên lửa hành trình Tomahawk...
|
Hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng MK-41 trên các tàu lớp Arleigh Burke Ảnh: Defense |
- Các loại tên lửa phòng không
Tên lửa SM-2MR chủ yếu được Hải quân Mỹ trang bị trên các tàu chiến lớp Ticonderoga và lớp Arleigh Burke, là hệ thống vũ khí tên lửa tầm trung và xa thế hệ mới được Quân đội Mỹ phát triển từ những năm 1972.
Đặc điểm tính năng kỹ chiến thuật chính của loại tên lửa này đó là tầm bắn xa, độ chính xác cao, năng lực chống nhiễu tốt. Loại tên lửa này được phóng thẳng đứng từ các tàu chiến mặt nước và sử dụng phương thức dẫn đường quán tính/theo lệnh/bán chủ động.
Do được thiết kế có khả năng tác chiến cả tầm trung và tầm xa nên tên lửa SM-2MR vừa có năng lực phòng thủ phòng không khu vực đối với biên đội tàu sân bay lại vừa có khả năng đánh chặn mục tiêu là máy bay chiến đấu của đối phương. Chính vì vậy, giới chuyên gia kỹ thuật quân sự cho rằng, việc kết hợp giữa hệ thống chiến đấu Aegis và tên lửa SM-2MR sẽ góp phần nâng cao đáng kể năng lực tác chiến phòng không cho các tàu chiến mặt nước của Hải quân Mỹ.
Tên lửa phòng không RIM-7 Sea Sparrow Missile là loại tên lửa phòng ngự đường không tầm gần và thấp, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ đánh chặn máy bay chiến đấu và tên lửa chống hạm của đối phương. Cự ly tác chiến xa nhất của tên lửa phòng không RIM-7 Sea Sparrow Missile là 20km, độ cao tác chiến cao nhất là 6km; cự ly tác chiến nhỏ nhất là 10m. Phương thức dẫn đường được sử dụng là rada bán chủ động/hồng ngoại. Tên lửa phòng không RIM-7 Sea Sparrow Missile có thể được phóng theo phương thức phóng thẳng đứng hoặc phương thức phóng nghiêng. Độ dài toàn thân là 3,66m, tốc độ cao nhất là 2,5Mach.
|
Tên lửa SM-2MR. Ảnh: navy.gov.au |
- Hệ thống tác chiến điện tử
Một thành phần quan trọng khác của hệ thống chiến đấu Aegis đó là các hệ thống tác chiến điện tử chủ động và bị động. Hệ thống này chủ yếu gồm hệ thống tác chiến điện tử AN/SLQ-32 (V) và hệ thống thu trộm Mk36.
Hệ thống này được cấu thành bởi hai bộ phận chính là trinh sát điện tử và gây nhiễu điện tử. Hệ thống tác chiến điện tử AN/SLQ-32 (V) được điều khiển bởi một máy tính tốc độ cao có khả năng xử lý, quản lý hàng nghìn phép tính/giây và được vận hành bằng phương thức tự động hoặc bán tự động. Trong đó, bộ phận trinh sát điện tử sử dụng băng tần hỗ hợp nên có khả năng mở rộng dải trinh sát với độ chính xác lên tới 1 độ và phạm vi bao phủ 360 độ. Còn bộ phận gây nhiễu điện tử được cấu thành bởi 4 angten, mỗi angten có khả năng tác nghiệp một goc 90 độ với tổng cộng 140 dải tần số khác nhau. Hệ thống này có thể cùng một lúc gây nhiễu đối với 80 bộ rada với thời gian phản ứng trước các tình huống cực ngắn.
Hệ thống mồi bẫy Ml36 được bắt đầu đưa vào trang bị từ năm 1976, với bán kính tác chiến gây nhiễn là 4km; công suất gây nhiễu từ 7 - 8kW; công suất gây nhiễu hồng ngoại từ 3 - 5kW; độ cao tác chiến là 150m, độ trễ là 3,5 - 0,5 giây; thời gian hình thành khu vực gây nhiễu là 8,5 giây; thời gian hình thành tường hồng ngoại gây nhiễu là 6 giây. Cơ chế hoạt động của hệ thống mồi bẫy Mk36 đó là phóng ra các quả rocket chứa nhiều lá nhôm để tạo các mục tiêu giả qua đó đánh lừa hệ thống đầu dò mục tiêu trên tên lửa của đối phương, từ đó khiến tên lửa đối phương bắn nhầm mục tiêu.
Lam Ngọc