Trong những thời khắc vừa qua, cán bộ chiến sĩ tàu 015 - Trần Hưng Đạo đã phải vất vả đối phó với tầm ảnh hưởng của cơn bão mạnh mang tên quốc tế là Trà My khi nó tình cờ đổ bộ vào Nhật Bản đúng lúc tàu Hải quân Việt Nam có chuyến thăm nước bạn.
Ngoài việc đảm bảo an toàn cho tàu nói chung thì công tác giữ gìn vũ khí trang bị cũng có vai trò cực kỳ quan trọng, thậm chí có thể nói là nhiệm vụ sống còn trong lúc này.
Đại tá Nguyễn Văn Sự, Thanh tra bay, Phòng Không quân, Bộ Tham mưu Hải quân cho biết khó khăn và cũng phức tạp nhất là việc giằng buộc, cố định lại chiếc máy bay trực thăng săn ngầm Ka-28 ở trên tàu.
|
Công tác gia cố, chằng buộc trực thăng săn ngầm Ka-28 trên tàu 015 lúc bão Trà My đi qua |
Với máy bay trực thăng, cố định an toàn lá cánh quạt là quan trọng nhất bởi đây là bộ phận cồng kềnh, dễ va đập, gió có thể làm vặn lá cánh quay, hư hỏng khi bão đổ bộ.
Do vậy, dù đã được các thợ kỹ thuật không quân cố định bằng các thiết bị chuyên dụng, bộ phận cánh quạt vẫn được gia cố thêm các thanh giằng bằng thép, cáp néo cố định vào sàn tàu.
Thiếu tá Trần Văn Thăng, Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 954 Không quân Hải quân sau khi kiểm tra công tác phòng chống bão còn băn khoăn với bộ lốp của máy bay.
Lý do là nếu như trong quá trình rung lắc do bão, một trong 3 chiếc lốp của máy bay rời khỏi móc có thể làm nghiêng máy bay dẫn đến va đập vào thành tàu gây mất an toàn…
Phương án khắc phục không còn cách nào khác ngoài việc túc trực thường xuyên bên máy bay để kịp thời phát hiện và khắc phục sự cố có thể xảy đến bất cứ lúc nào…
|
Trực thăng săn ngầm Ka-28 phải bọc kín để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết |
Có lẽ do thiết kế của tàu hộ vệ Gepard 3.9 không có nhà chứa trực thăng (hangar) kín cho nên việc thường xuyên để phương tiện ở bên ngoài (mặc dù có bạt che phủ) sẽ dẫn đến giảm tuổi thọ và dễ hư hỏng máy bay khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi.
Căn cứ vào kinh nghiệm của chuyến hải trình đường dài và phải đối mặt với bão Trà My thì có lẽ nên tính tới việc cải tạo lại hangar trực thăng cho tàu Gepard 3.9 bằng cách kéo dài và lắp thêm cửa để che chắn cho máy bay khỏi tác động của thời tiết.
Đây là một việc làm đơn giản, không to tát như tích hợp thêm vũ khí nhưng tầm quan trọng của nó chắc chắn rằng chẳng hề thua kém, sẽ giúp đảm bảo hệ số kỹ thuật của trực thăng, giảm phức tạp của công tác bảo dưỡng, từ đó nâng cao hiệu suất chiến đấu.
Với trình độ của các nhà máy đóng tàu Việt Nam hiện nay thì chúng ta hoàn toàn có thể tự chủ việc chỉnh sửa hangar trực thăng cho tàu Gepard 3.9 mà không cần phải nhờ đến nhà sản xuất là Nhà máy Zelenodolsk.
Theo Tùng Dương/Báo Đất Việt